09:45 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Phá án (kỳ 3): "Vồ hụt" ông trùm, vượt khó tìm phạm...

| 16:08 08/12/2016

Cựu Cảnh sát điều tra Đào Trung Hiếu kể về việc “vồ hụt” ông trùm ma túy sau những khó khăn vất vả, nguy hiểm, cân não để chui vào hang cọp.

Vượt ngàn tìm phạm...

Để cả chuyến đi tốn kém nhân lực, vật lực bị “xôi hỏng, bỏng không” là lỗi của tôi. Cảm giác dằn vặt bủa vây tôi hàng tuần liền. Sếp động viên: “Thua keo này, bày keo khác, cái chính là chúng mày đừng quá cầu toàn. Quan trọng là bắt quả tang được đối tượng với số “hàng” đủ định lượng để truy tố”. Anh em đùa phải chọn thằng khác “đang vào cầu, tay son” (nghĩa là đang gặp nhiều may mắn) để “mở hàng”, còn tôi bị chê là “đen”.

Lúc này, tin trinh sát báo về đã phát hiện thêm một đối tượng chuyên gom thuốc phiện từ Sơn La về Yên Bái để phân phối đi các nơi. Trước đó, Công an huyện Trạm Tấu đã bắt Thào A S. một gã người Mông, khi đang vận chuyển mấy lạng thuốc phiện. Tổ công tác cử cán bộ phối hợp hỏi cung mở rộng vụ án. Nhiều nguồn tin đã chụm, cho phép xác định Giàng A Chu ở xã Tà Si Láng, huyện Trạm Tấu có hành vi mua bán trái phép chất ma tuý. Lệnh bắt khẩn cấp Chu được Trung tá Bùi Duy Hiển, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra, nay là Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Yên Bái ký. Buổi sáng chủ nhật ấy, anh Hoàng Loạn - Đội phó Đội Trọng án dẫn chục anh em chúng tôi hành quân lên núi.

Tội phạm ma túy rất manh động, và luôn có vũ khí nóng...(ảnh minh họa )

Tà Si Láng là xã xa nhất của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, trên dãy núi Tà Cơn có độ cao hơn hai nghìn mét, quanh năm mây phủ, dù là ngày nắng nhất. Dân cư nơi đây trăm phần trăm là người Mông. Đường vào xã bị chia cắt bởi vực sâu thăm thẳm và vách đá tai bèo dựng đứng. Vào đầu những năm 2000, lên Tà Si Láng chỉ có một “cửa” là cuốc bộ. Có việc phải lên vùng này là nỗi “kinh hoàng” của dân xuôi, vì đỉnh non mờ mờ trong mây ngay trước mắt, nhưng để leo lên đến nơi cũng mất trọn một ngày vượt dốc.

Tiếng là hình sự miền sơn cước, nhưng chưa ai trong số chúng tôi từng lên Tà Si Láng, thế nên khi xuất phát, chẳng anh nào mang theo đồ ăn, nước uống, vì ngại nặng. Mỗi người chỉ toòng teng chai nước đút túi quần và cái bánh mỳ con, súng thì lắp đầy đạn. Đương nhiên rồi.
Bấy giờ đã vào tháng tư - mùa hạ, trời nắng thiêu đốt, cỏ gianh bên đường mòn héo quắt queo, hơi nóng từ đá ong hất lên hầm hập. Mới rời ô tô đi được vài tầm quăng dao mà nước và bánh mỳ đã hết veo. Dốc lên hun hút, dốc chồng lên dốc, không có chỗ phẳng tương đối nào khả dĩ ngồi cho đỡ chùn gối, cuồng chân. Trời xanh ngằn ngặt, tịnh không có đọn mây. Đi hàng chục cây số đường dốc, không có lấy một bóng cây trú nắng. Rặt đồi trọc, đá gan gà vàng đến nhức mắt. Xế trưa, mặt anh em nhợt nhạt cả đi vì đói và khát. Gió nóng từ thung lũng quật ràn rạt vào mặt. 
Chúng tôi ngồi bệt nghỉ tại chỗ, nhổ gốc cỏ gianh bên đường mòn, bóc lấy nõn nhai cho có cảm giác nước. Lại một thôi đường nữa, tầm một giờ chiều thì đến cửa rừng. Gọi là rừng nhưng toàn cây tạp nham, lau sậy. Để vào được vùng có gỗ pơ mu, phải mất chừng ba ngày đi không nghỉ. Anh em nằm vật xuống cỏ. Trong rừng có nhiều ngã rẽ, dân sơn tràng xẻ trộm gỗ đã đi thành lối mòn. Đi đường nào? Chưa ai biết nhà, biết mặt đối tượng. Thông tin chỉ vỏn vẹn: Chu nhà ở thôn Bãi Chè.
Chờ khoảng ba mươi phút, có hai thanh niên vác gỗ pơ mu trong rừng đi ra. Anh em xúm vào hỏi thăm đường, họ nói có hai thôn là Bãi Chè Thấp và Bãi Chè Cao, các anh hỏi thôn nào? Để đến thôn gần nhất cũng mất ba, bốn tiếng cuốc bộ nữa. Còn thôn xa, nếu đi xuyên đêm thì sáng ra mới đến nơi. Những ánh mắt nhìn nhau ngao ngán. Phần vì đói, khát và mệt, phần vì chưa biết sẽ đi đường nào. Số lính trẻ bàn lùi: “Về thôi anh, bắt sau vậy”. Không khí rã đám trùm lên, trong hoàn cảnh ấy ai mà chẳng có phần nao núng. Đi cố thì cũng được, nhưng đói và khát thì lấy đâu sức để đi. Tổ trưởng Loạn nín lặng, hồi lâu hỏi từng người: “Đi hay quay về?”. Đa số bảo về. 
Đến lượt tôi, cũng rất muốn về, nhưng lại tiếc cái công leo từ tờ mờ sáng đến giờ. Tôi bàn: “Hay cứ đi vào thôn gần nhất, nếu không có nó thì xin ngủ nhờ một đêm cho lại sức, mai leo tiếp, đằng nào cũng không đủ sức quay ra”. Xem chừng anh em cũng chung suy nghĩ, nên uể oải đứng dậy, lếch thếch kéo nhau đi sâu vào rừng.
Nắng tắt, chúng tôi ra khỏi rừng, trước mắt là cái thung lũng giữa các khe núi, thấy có cuộn khói bếp bốc lên sau nương ngô đang trổ bắp. Anh em mừng húm, chẳng ai bảo ai cuộn chân mà chạy xuống chỗ có khói. Qua nương ngô, một xóm nghèo người Mông hiện ra, lúp xúp mấy ngôi nhà lợp ván thông, tường trình, đàn lợn con thả rông đang thơ thẩn dũi đất quanh nhà. Cả bọn lao đến máng nước đầy rêu, cung quăng, bọ gậy ở trước sân, vục mặt uống. Cơn khát đã hành hạ họ từ bảy giờ sáng đến giờ, nên không cần biết có cái gì trong nước. Đã khát, chúng tôi quan sát trong thôn chỉ có một ngôi nhà mở cửa liền kéo đến xem có gì ăn để mua. Ngôi nhà đất thấp lè tè, trước cửa thấy trói con lợn con, xem chừng như sắp chọc tiết. Chủ nhà là một anh chàng người Mông chừng hai mươi lăm tuổi, mắt xếch. Anh em giới thiệu là Kiểm lâm đi kiểm tra rừng, nên anh ta vui vẻ mời chúng tôi vào nhà. Mua hai con gà, chúng tôi nhờ anh ta mổ ngay. Thời gian đợi luộc gà chao ôi là lâu. Xong, cả bọn bốc bải, loáng cái đĩa lớn, đĩa nhỏ đã hết veo.
Thắng lợi
Bụng dạ tạm yên, mọi người xúm quanh bếp lửa, khéo léo hỏi chủ nhà về tình hình trong thôn, xem đối tượng cần bắt có ở đây không. Chủ nhà cũng võ vẽ tiếng Kinh, nên câu chuyện khá thuận lợi. Khi anh Đinh Xuân Nghĩa (nay là Phó trưởng Phòng Truy nã - Công an tỉnh Yên Bái), hỏi trong thôn có mấy người tên là Chu, thì chủ nhà nhanh nhảu: “Em đây, trong thôn có mình em là Chu”. Chu cho biết cả tháng rồi trong người khó chịu, ôm ốm, nên hôm nay ở nhà mổ lợn để mời thầy mo đến cúng ma. Chúng tôi nhìn nhau thật nhanh. “Nó” đây chăng? Qua vài động tác kiểm tra nữa, chúng tôi xác định Chu là người cần bắt. Anh em tản ra chốt các cửa, anh Lê Đức Thọ (nay là Phó trưởng Công an huyện Văn Yên) nhanh tay tháo mấy con dao mèo sắc lẹm, ném vào trong đống gỗ, gầm giường. Tôi tháo khẩu súng kíp trên vách xuống, giả vờ xem rồi giật bung nãy cò để đề phòng bất trắc. Kinh nghiệm trước khi bắt là phải vô hiệu hoá khả năng chống trả của đối tượng.

Trong cuộc chiến chống mà túy, có những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh... 

Chúng tôi hỏi nhà trưởng thôn, mục đích mời chứng kiến việc bắt, nhưng Chu nói ông ta ở cách đây một tiếng đi bộ. Đợi cho đủ thành phần để lập biên bản theo quy định thì sẽ không kịp và rất nguy hiểm, khi cả làng họ đi làm nương về. Đã có quá nhiều bài học xương máu trong đánh án vùng dân tộc ít người rồi.
Trời đã về chiều, không làm nhanh đêm không ra khỏi rừng được. Anh Loạn đưa mắt. Làm thôi! Chúng tôi chộp lấy Chu, bẻ tay rút khoá bập gọn. Xốc anh ta đứng dậy, để chắc ăn là đúng người, anh Nghĩa hỏi: “Mày bán thuốc phiện cho thằng S. mấy lần?”. Chu đáp: “Mới một lần thôi”. Chính nó! Anh em tản ra khám xét nhà. Khi anh Trần Ngọc Tình (nay là cán bộ Cục Cảnh sát giao thông đường bộ) thò tay gạt giá để đồ, hàng chục nắp phích đựng nhựa thuốc phiện rơi xuống, dễ có đến vài cân. Góc kia, thỉnh thoảng lại có tiếng kêu: “Đây nữa này”. Ươm ướm tầm hai, ba ki-lô-gam, anh Loạn bảo: “Ổn rồi, nhanh nhanh rút thôi”.
Cả bọn quay ra, trời xuống tối sầm sập. Đi được chừng ba mươi phút chợt có tiếng khóc váng phía sau, ở những triền núi đối diện. Có ba bốn người đàn bà, trẻ con lốc nhốc chạy theo chúng tôi, vừa chạy vừa khóc. Anh em đoán là người nhà của Chu. Ái ngại, nhưng biết làm thế nào.
Chưa qua khỏi rừng cây thì bóng đêm đen kịt đã trùm xuống. Vì chẳng ai có khả năng định hướng, nên anh Loạn động viên Chu: “Mày dẫn các anh ra đường, tí anh cho mày uống rượu”. Chu “vâng” rồi dẫn chúng tôi đi theo quãng đường ngắn nhất. Anh Loạn buộc dây thừng trói Chu vào bụng mình, đề phòng anh ta bỏ chạy. Chúng tôi mò mẫm theo sau Chu.
Đường ra đi men theo triền vách đá núi dựng đứng. Chu bảo: “Các chú đi cẩn thận, ngã xuống chết luôn đó”. Theo ánh đèn pin lia xuống, ngay dưới bàn chân tôi là vực, có đoạn thì tre nứa do người đi rừng chặt làm gậy, phần thân còn lại vát nhọn, tua tủa như chông đợi những cái xảy chân.
Giữa đêm, chúng tôi ra đến gần đường nhựa. Từ đỉnh đồi đã trông thấy ánh đèn xe lác đác trên quốc lộ 32. Chợt có ai hét: “Dưa chuột!” Té ra chúng tôi đang đi bên cạnh ruộng dưa. “Dưa, dưa!”, những anh chàng đói khát lao ngay xuống ruộng, chẳng cần hay dở, vồ lấy dưa nghiến ngấu. No nê, giật mình hỏi nhau: “Thằng Chu đâu? Ai trông nó?”. Không ai trông, cả bọn lại nháo nhác lao lên bờ. Chu vẫn ngồi bệt ngoan ngoãn trên cỏ, chờ chúng tôi. Hú vía! Đúng lúc ấy, ông chủ ruộng thấy có đám trộm dưa, liền xách gậy chạy đến. Anh Loạn bẽn lẽn móc ví trả tiền. Khi biết là Công an, ông không nhận, chỉ nói: “Dưa bao tử, tôi mới phun thuốc được mấy hôm”. Cả bọn nhìn nhau cười!
Năm tháng trôi đi vùn vụt, anh em trong tổ “cực nhanh” ngày nào, giờ đã phương trưởng, nhiều người đã giữ vị trí công tác quan trọng, cũng có người lận đận, không may. Hôm rồi tình cờ gặp lại, chuyện lên Tà Si Láng bắt phạm, trộm dưa ngày ấy, vẫn như mới hôm qua. Kỷ niệm về một thuở sức trai hừng hực, dấn thân trên con đường gian lao đã chọn, mãi không thể quên.

Đào Trung Hiếu

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu