18:52 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nhọc nhằn nghề xử lý rác thải ở nông thôn

14:02 15/07/2017

(THPL) – Về đến xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, ai cũng cảm nhận được đường làng ngõ xóm trong lành, sạch sẽ. Tuy nhiên, ít người biết được, đằng sau đó là nỗ lực lớn của những người làm nghề thu gom, phân loại, xử lý rác thải nông thôn.

“Sinh nghề, tử nghiệp”

Không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, không được nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, đó là thực tế công việc của nhiều lao công đã và đang hoạt động trong lĩnh vực thu gom, phân loại rác thải tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Họ phải làm việc cật lực từ sáng đến chiều tối mỗi ngày với thu nhập chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/tháng.

Nhiều lao công hoạt động trong lĩnh vực lĩnh vực thu gom, phân loại rác thải tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc.

Khi cuộc sống càng hiện đại, xã hội càng phát triển, lượng rác thải ra cũng ngày càng nhiều, nỗi vất vả của những người lao công vì thế càng tăng thêm. Họ cần mẫn, chịu khó với công việc của mình trong một môi trường ô nhiễm và độc hại tại một vùng quê đang trong đà phát triển kinh tế như xã Đồng Văn (Vĩnh Phúc).

Họ được ví như những con ong chăm chỉ đang hằng ngày làm đẹp cho đời bằng một công việc giản đơn mà rất ý nghĩa.

13h chiều, dưới thời tiết mưa nắng thất thường, mọi người còn đang say trong giấc nghỉ trưa, PV Thương hiệu và Pháp luật đã có mặt ở địa điểm tập kết rác của 4 thôn trong xã Đồng Văn. Các thành viên trong nhóm gồm 4 người đang cần mẫn, chịu khó thực hiện công việc xử lý rác với những dụng cụ thô sơ như: Cào, xẻng để phân loại, đốt rác...

Các thành viên trong nhóm gồm 4 người đang cần mẫn, chịu khó thực hiện công việc xử lý rác.

Bác Nguyễn Thị Vốc, thành viên nhóm phân loại rác tâm sự: “Chúng tôi gắn bó với nghề thu gom rác hơn 10 năm nay rồi. Công việc làm từ sáng đến chiều tối mới xong. Mỗi ngày có thêm hơn 100 nghìn đồng để trang trải cuộc sống”.

“Công trình lò đốt rác, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại cụm xã Tề Lỗ - Đồng Văn được thực hiện được hơn 2 năm nay rồi, nhưng lượng rác thải quá lớn, mỗi ngày có 6-7 xe/1 thôn thì bình quân tầm 24 xe rác về đây để phân loại, cái nào đốt được thì đốt còn những loại rác không đốt được chất thành đống, vì những mảnh bát, sành, sứ… cho vào lò nó sẽ nổ, thời tiết cả tháng nay mưa liên tục cho vào lò không thể cháy được,” bác Vốc cho biết thêm.

Công việc bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp cho bộ mặt nông thôn tại xã Đồng Văn là thế, tuy nhiên họ cũng chính là những người gặp không ít rủi ro, khó khăn, phức tạp khi phải thức khuya, dậy sớm. Bên cạnh đó, còn phải đối mặt với những căn bệnh nghề nghiệp như: Viêm mũi, đau khớp, đau mắt… Tuy làm việc trong điều kiện vất vả, ô nhiễm, độc hại nhưng chế độ đãi ngộ dành cho người thu gom, xử lý rác thải ở địa bàn nông thôn hầu như chưa có.

Công trình lò đốt rác, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại cụm xã Tề Lỗ - Đồng Văn.

Những nỗi niềm và ước mơ nhỏ nhoi

Theo tìm hiểu của PV, những người thu gom, phân loại, đốt rác hiện nay ở đây đa số là những người nông dân có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc người trung tuổi, không biết phải làm gì để kiếm sống nên phải chọn cái nghề mà không ai muốn làm. Họ đến làm thuê nhưng không tiếp cận được với các chính sách hay phúc lợi xã hội, thậm chí cũng không có bất kỳ một giao kèo, hợp đồng gì giữa người thuê và người làm thuê. Chỉ biết, đến cuối tháng, những người làm thuê sẽ được trả một số lương ít ỏi.

Công việc rất nặng nhọc và độc hại vì thường xuyên phải hít thở mùi hôi thối, tiếp xúc với ruồi nhặng, vi khuẩn.

Gạt những giọt mồ hôi trên trán, bác Phùng Thị Thiết chia sẻ: “Với lượng rác lớn, phân loại rác thải là công việc rất nặng nhọc và độc hại vì thường xuyên phải hít thở mùi hôi thối, tiếp xúc với ruồi nhặng, vi khuẩn, nhưng chưa bao giờ chúng tôi nhận được một bản hợp đồng, bảo hiểm y tế nào”. 

Hơn ai hết, ước mơ của họ chỉ khiêm tốn ở mức mong muốn được cấp một cái thẻ bảo hiểm y tế để thấy an tâm hơn khi làm việc. Thế nhưng, dường như ước mơ đó là quá xa xỉ...

Toàn cảnh khu xử lý rác thải ở xã Đồng Văn.

Vất vả, nguy hiểm là thế, nhưng vì cuộc sống mưu sinh mà những người thu gom, phân loại, đốt rác luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt công việc. Ngày qua ngày, công việc thầm lặng ấy của họ đã góp phần xây dựng xã Đồng Văn nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung ngày một sạch đẹp, văn minh, hiện đại.

Diệu Huyền – Hoà Bình

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu