22:50 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nhiều ngành hàng xuất khẩu lao đao vì đồng Euro và Yên Nhật lao dốc

16:14 29/07/2022

(THPL) - Trong 6 tháng đầu năm nay, giá đồng Euro và Yên Nhật bất ngờ giảm sâu đã khiến việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường có sử dụng hai đồng tiền này đối mặt với rất nhiều khó khăn, sụt giảm lợi nhuận và dần mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Đối với xuất khẩu (XK) thủy sản, các nước thuộc Liên minh châu Âu hay Nhật Bản đều là những thị trường nhập khẩu lớn hàng thủy sản Việt Nam với mức tăng trưởng tốt. Điển hình tại EU, theo số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XK hàng thủy sản Việt Nam đạt 688 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với ngành dệt may, da giày, ngành thủy sản là nhóm ngành hàng đang chịu tác động tiêu cực từ biến động tỷ giá hiện nay.

Theo ông Võ Văn Phục, TGĐ công ty CP thủy sản sạch Việt Nam cho biết, năm 2021, doanh nghiệp đạt 125 triệu USD giá trị xuất khẩu tôm sang các thị trường.

Trước tác động tiêu cực của đồng Euro và Yên Nhật đang rớt giá kỷ lục, năm nay doanh nghiệp sẽ rất khó đạt được mức tăng trưởng nói trên. Sức mua của người tiêu dùng đã giảm đáng kể tại hai thị trường này khiến DN gặp vô vàn khó khăn.

VASEP nhận định, hiện nay, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam đã cao hơn của Thái Lan, Ấn Độ. Một khi đồng tiền mất giá buộc các quốc gia nhập khẩu sẽ tìm đến sản phẩm có giá thành thấp hơn. Đây là điều vô cùng bất lợi đối với ngành thủy sản nước ta. Càng bất lợi hơn khi nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước đang có dấu hiệu sụt giảm về các tháng cuối năm. Các nhà máy sẽ đối mặt cùng lúc với hai sức ép: cần giảm giá xuất khẩu nhưng phải tăng giá thu mua nguyên liệu khi nguồn cung thiếu.

Xuất khẩu lo rớt giá, lao đao vì đồng Euro và Yên Nhật lao dốc. Ảnh minh họa

Báo Lao động đưa tin, cũng theo VASEP, lạm phát toàn cầu đẩy giá đầu vào “phi mã”, dịch bệnh COVID-19, căng thẳng Nga-Ukraina chưa vãn hồi... tiếp tục là những trở ngại ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thủy sản nói riêng. Đặc biệt, lạm phát tại một số thị trường tiềm năng như Mỹ, Châu Âu (EU) và sự mất giá của đồng Euro sẽ khiến chi phí tăng cao, lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm sút. Hơn nữa, sự mất giá của đồng tiền này cũng khiến người dân có xu hướng dè sẻn hơn trong chi tiêu, ảnh hưởng đến doanh số của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng dự báo, khả năng đồng Euro và Yên Nhật sẽ còn tiếp tục giảm sâu nữa so với USD. Đứng trước những khó khăn chưa từng có này, nhiều giải pháp đã và đang được doanh nghiệp ngành thủy sản và chính quyền quyết liệt triển khai.

Ông Trần Nguyễn Hoàng Phú, Phó TGĐ công ty CP thủy sản Sóc Trăng cho hay, tích cực đàm phán, chia sẻ hài hòa về giá mua nguyên liệu và giá xuất khẩu là giải pháp mà DN đang khẩn trương thực hiện để ứng phó trước những bất lợi của tỷ giá. Doanh nghiệp một mặt hỗ trợ khách hàng về giá cả, chia sẻ khó khăn với khách hàng, đồng thời có trách nhiệm với bà con nông dân để giữ mức giá tôm trong nước ở mức ổn định.

Hiện EU và Nhật Bản là 2 thị trường có sức tiêu thụ thủy sản cao. Việc chịu tác động của tỷ giá chỉ làm giảm sức mua trong thời gian ngắn hạn. Thị trường sẽ sớm phục hồi, do đó, nông dân, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ sản xuất vùng nguyên liệu dồi dào, chất lượng cao, giá thành thấp để cạnh tranh xuất khẩu.

Trong bối cảnh các đồng tiền quốc tế tiếp tục biến đổi phức tạp, doanh nghiệp XK thủy sản nên tính đến các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, không loại trừ trường hợp đồng Euro tiếp tục suy giảm thì giá hàng hóa Việt Nam XK vào thị trường Châu Âu có thể sẽ ở mức rất đắt đỏ. Điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam so với các quốc gia khác ở thị trường trọng điểm này.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu