10:32 ngày 03/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nguyên nhân thực sự khiến 200.000 viên thuốc chữa ung thư bị tiêu hủy?

07:28 04/05/2017

(THPL) – Gần 20.000 viên thuốc Tasigna 200 mg đặc trị ung thư máu giá gần 14 tỷ đồng tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM bị hết hạn sử dụng vì những lý do bất ngờ…

Theo kết luận Thanh tra TP HCM vừa công bố, kiểm tra tại kho thuốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đến ngày 31/12/2015 ghi nhận tồn kho 19.997 viên thuốc Tasigna 200mg đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015. Đây là thuốc trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy được viện trợ từ nước ngoài, mỗi viên có giá khoảng 700.000 đồng.

Bệnh viện giải trình tháng 7/2013 nhận được thư tặng thuốc Tasigna từ nhà sản xuất, ngày 28/11/2013 bệnh viện có văn bản gửi Cục Quản lý Dược xin được tiếp nhận số thuốc viện trợ trên. Ngày 27/12 năm ấy bệnh viện có giấy phép lưu hành lô thuốc với hạn dùng 24 tháng. Ngày 30/12/2013 bệnh viện có văn bản gửi Sở Y tế TP HCM xin chấp thuận được thực hiện chương trình thuốc. Sau khi Sở trình lên UBND, tháng 6/2014 bệnh viện nhận được phê duyệt tiếp nhận lô hàng viện trợ gồm 309 hộp thuốc Tasigna, hạn dùng đến tháng 5/2015. 

Tuy nhiên lúc này Hải quan TP HCM không cho bệnh viện tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ do theo quy định hạn dùng còn lại kể từ ngày nhập cảng Việt Nam không được dưới 12 tháng. Bệnh viện và Sở Y tế TP HCM đã đề nghị hải quan xem xét, hỗ trợ, đến ngày 13/8/2014 bệnh viện nhập kho lô thuốc trên thì hạn sử dụng của lô thuốc chỉ còn 10 tháng. Tháng 8/2015, Sở Y tế có văn bản đồng ý cho bệnh viện tiêu hủy 19.997 viên thuốc Tasigna hết hạn.

Thuốc đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015 với tổng trị giá là gần 14 tỷ đồng (theo đơn giá tháng 8/2015 là 700.037 đồng/viên).

Bệnh viện truyền máu huyết học TP.HCM. Ảnh: Vietnammoi

Thông tin khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi trong khi nhiều bệnh nhân không có tiền để chữa bệnh thì thuốc lại để hết hạn và phải tiêu hủy, gây lãng phí lớn.

Liên quan đến vụ việc, trả lời trên VTV, bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc bệnh viện Truyền máu và huyết học thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc nhận các loại thuốc viện trợ khác trung bình chỉ mất khoảng 3 tháng, nhưng đối với chương trình này, bệnh viện phải làm thủ tục rất phức tạp, mất gần 12 tháng mới về đến Việt Nam. Ngoài ra, lô thuốc viện trợ cũng có hạn sử dụng không được xa.

Đặc biệt, chương trình này yêu cầu người bệnh phải đồng chi trả. Theo đó, dù mỗi năm người bệnh chỉ phải tự trả tiền thuốc trong 2 tuần, nhưng cũng tương đương khoảng 42 triệu đồng.

Bác sĩ Dũng cho biết, theo khảo sát của bệnh viện, dự kiến trong tổng số 200 bệnh nhân thì có khoảng ¼ (50 bệnh nhân) có khả năng đồng chi trả, nhưng khi thuốc về Việt Nam, thực tế chỉ có 26 bệnh nhân đủ khả năng để vào chương trình.

Đặc biệt, theo chia sẻ của Giám đốc bệnh viện Truyền máu và huyết học thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện cũng đã thấy khi thuốc về Việt Nam thì khả năng hết ‘đát” rất cao nên đã có nhiều cuộc họp với phía công ty tài trợ để công ty này thay đổi chính sách. “Tuy nhiên, phía công ty không đồng ý và họ chấp nhận hủy thuốc.” – bác sĩ Dũng thông tin.

Giám đốc  bệnh viện Truyền máu và huyết học thành phố Hồ Chí Minh cũng đính chính, đây là thuốc viện trợ nên công ty tính chỉ khoảng 199.000 đồng/1 viên, nên quy ra chỉ khoảng 3,9 tỷ đồng chứ không phải là 14 tỷ như các báo đã đưa tin.

Liên quan đến vụ việc, kết quả thanh tra tại hai bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Ung bướu TP.HCM cũng ghi nhận việc tiếp nhận viện trợ chưa đúng quy định, gây lãng phí. Trong hai năm 2014 và 2015, Bệnh viện Ung bướu TP HCM nhận viện trợ hơn 337 tỷ đồng bằng tiền, thuốc và hiện vật của các đơn vị tổ chức phi chính phủ, trong đó 267 viên thuốc Nexavar trị giá gần 287 triệu đồng đã hết hạn sử dụng phải hủy bỏ. Bệnh viện tiếp nhận hàng viện trợ từ tháng 3/2014 có trị giá gần 3,4 tỷ đồng khi chưa thật sự có nhu cầu nên đến cuối năm 2015 mới sử dụng gần 29% tổng giá trị hàng viện trợ.

Thanh tra TP HCM đề nghị Giám đốc Sở Y tế làm rõ trách nhiệm các cá nhân và tập thể liên quan tới việc làm chậm trễ thủ tục phê duyệt số thuốc trên. Sở Y tế cũng rà soát tình hình quản lý, sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ bằng tiền, bằng hiện vật còn kết dư hoặc không có nhu cầu sử dụng tại các bệnh viện.

Liên quan đến vụ việc này, chiều 3/5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn hỏa tốc đề nghị Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát và có báo cáo bằng văn bản về Vụ Bảo hiểm y tế và Cục Quản lý Dược trước ngày 7/5.

Hùng Lâm (T.H)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu