11:35 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Người thầy nhân ái luôn đồng cảm, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh

| 07:26 17/11/2017

(THPL) - Khi cùng đoàn làm phim quay những thước phim về "Người lái đò Sơn Công" cho chương trình "Điều ước thứ 7" phát sóng trên VTV3, chúng tôi thực sự bị ấn tượng bởi người thầy giáo làng hiền lành, nhân hậu. Không chỉ một đời tận tụy với sự nghiệp trồng người, ông còn là điểm tựa cho những học trò nghèo, những mảnh đời bất hạnh.

thay giao 1
Thầy giáo Ngô Mạnh Cường - người thầy nhân ái.

Thiện nguyện như là lẽ sống

Chúng tôi về ghi hình thầy giáo Ngô Mạnh Cường (thôn Hoàng Dương, Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội) đúng vào đợt miền Bắc đang trải qua trận lũ lụt lịch sử. Mặc dù đã hẹn ông từ trước nhưng khi đến nơi chúng tôi vẫn phải chờ đợi. Người thân ông cho biết, ông khoác áo mưa phóng xe ra khỏi nhà từ sáng tinh mơ.

Khi vợ ông hỏi: “Anh đi đâu mà sớm thế?”, ông bảo: “Anh xuống nhà cô Được xem nhà của hai mẹ con cô ấy có bị ngập không. Mưa nhiều thế này, nhà lại ngoài bờ đê, chưa biết chừng ngập đến ngang người mất”.

Chị Nguyễn Thị Được, sinh năm 1972, là một bà mẹ đơn thân mắc chứng tâm thần. Trong một lần ở bờ đê, một gã đàn ông đốn mạt nào đó đã cưỡng bức khiến chị có thai. Bi kịch lại chồng bi kịch khi đứa con trai chị Được sinh ra cũng mắc chứng tâm thần giống mẹ. Từ khi có con, chị được gia đình và hàng xóm dựng cho túp lều phía ngoài bờ đê. Tuy nhiên, cuộc sống của hai mẹ con chẳng khác nào thời nguyên thủy: không điện, không nước, lay lắt qua ngày.

Thương cho hoàn cảnh của mẹ con chị Được, thầy Cường đã đi kêu gọi các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ. Không chỉ trang bị cho mẹ con chị có những vật dụng cần thiết như giường, đệm, nồi niêu, xoong chảo mà nhờ uy tín của thầy, địa phương cũng đã đồng ý cấp điện sinh hoạt cho mẹ con chị Được. Túp lều ấy khi đêm về đã ấm áp hơn.

thay giao 4
Thầy Cường được nhiều học sinh nơi đây coi như người cha của mình.

Cơ duyên khiến thầy giáo Ngô Mạnh Cường đến với những việc làm thiện nguyện cũng thật tình cờ. Đó là vào một buổi sáng của 13 năm về trước, khi ấy thầy đang trong tiết dạy vật lý bỗng một cô học trò, dáng người nhỏ thó bước lên bục giảng khoanh tay xin phép thầy cho được nghỉ học sớm về nhà cúng tuần cho mẹ.

Khi cô học trò nhỏ bước ra khỏi lớp, thầy Cường hỏi các trò còn lại về hoàn cảnh của trò Nguyễn Thị Hòa thì được biết, bố Hòa mất từ khi em còn chưa kịp chào đời. Mẹ Hòa cũng vừa mới mất cách đó tròn một tuần, hiện Hòa đang phải sống cùng cậu mợ.

Thầy Cường nhớ lại: “Nghe các trò nói vậy, sống mũi tôi cay cay. Nghĩ đến 3 đứa con của mình có đầy đủ cả cha lẫn mẹ, lại được học hành đến nơi đến chốn nên tôi thấy thương Hòa lắm. Tôi biết gia cảnh của cậu mợ Hòa cũng rất khó khăn, nếu cứ tình hình này chắc chắn Hòa sẽ khó có thể học tiếp”.

Hình ảnh về cô học trò bất hạnh cứ ám ảnh thầy giáo Ngô Mạnh Cường. Ông tự nhủ lòng không thể để cô bé ấy thất học được. Cuối cùng ông đã tìm cách liên hệ được với một người bà con là Việt kiều Mỹ, kể cho bà ấy nghe về trường hợp của Hòa. Người này sau khi nghe kể đã đồng ý tài trợ tiền học phí cho Hòa tới khi em học hết lớp 12.

Bản thân thầy giáo Cường cũng quyết định sẽ trích một phần lương ít ỏi để mua sách vở và đồ dùng học tập cho Hòa. Nhờ sự giúp đỡ của thầy Cường, Hòa đã tốt nghiệp lớp 12 và học tiếp Trung cấp dược. Đến nay, cô học trò nhỏ bất hạnh ngày nào đã có được một công việc ổn định và một gia đình hạnh phúc.

Trong cuộc đời làm thiện nguyện của mình, dù quá quen với những hoàn cảnh bất hạnh song thầy Cường lại luôn bị ám ảnh bởi một cậu học trò nghèo ngoan ngoãn, thông minh nhưng cuối cùng đã rời xa trần thế bởi căn bệnh u mầm thận quái ác. Đó là trường hợp của em Mai Trí Thực ở thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công.

Mẹ Thực trước đó là người đàn bà quá lứa lỡ thì, đến khi gặp được một người đàn ông có vợ từ nơi khác thường xuyên đến làng mình mua cá giống, bà đã năn nỉ để có một đứa con. 35 tuổi, mẹ Thực sinh ra Thực. Ai cũng mừng cho người đàn bà nhiều thiệt thòi này, bởi lẽ Thực sinh ra là một đứa trẻ kháu khỉnh. Thực càng lớn càng tỏ ra là một đứa trẻ thông minh và rất ham học. Suốt 7 năm liền, Thực đều là học sinh giỏi.

Nhưng đến năm lớp 8, Thực thường xuyên đi tiểu ra máu, bụng mỗi ngày một trương phình lên. Khi mẹ đưa em đi chụp chiếu thì các bác sĩ kết luận em bị u mầm thận, muốn trị bệnh thì phải cần rất nhiều tiền.

“Đến bây giờ tôi vẫn day dứt về trường hợp của Thực, bởi tôi được biết đến bệnh tình của em muộn quá. Phải gần một năm sau khi bác sĩ phát hiện bệnh, tôi mới được một cô giáo cùng trường kể cho nghe về hoàn cảnh của em. Ngay buổi hôm đó, sau khi hết tiết dạy, tôi đã đạp xe từ trường xuống nhà em ở. Ngôi nhà dột nát, không có bất kể một vật dụng gì đáng giá. Khi tôi bước vào nhà, thấy Thực đang nằm thở khẽ, bụng chướng to. Đôi mắt Thực khi ấy nhìn tôi như cầu cứu, van xin. Lúc đó tôi tự nhủ lòng phải cố gắng hết sức để có tiền giúp em chữa khỏi bệnh.

Từ nhà Thực trở về, tôi đã điện thoại cho con gái cả cũng đang là phóng viên của một tờ báo nhờ con về viết bài kêu gọi ủng hộ. Ngay khi bài báo ấy được phát hành, buổi trưa hôm đó tôi nhận được không dưới 30 cuộc điện thoại của các tấm lòng hảo tâm. Người nói sẽ gửi thuốc, người nói sẽ gửi tiền để giúp Thực chữa bệnh. Quả thực cảm giác của tôi lúc đó vui lắm, vui như thể chính bản thân mình sắp được cứu sống vậy” - thầy giáo Ngô Mạnh Cường chia sẻ.

Ngay sau khi bài báo đầu tiên về Thực có được hiệu ứng tốt, thầy Cường lại tiếp tục liên hệ tới một số tờ báo khác và cả truyền hình Quân đội. Kết quả, thầy đã kêu gọi được hơn 200 triệu đồng để chữa bệnh cho Thực.

“Nhưng bệnh của Thực khi ấy đã nặng quá rồi, các tế bào ung thư đã bị di căn, quấn chặt mầm thận nên các bác sĩ đã không thể tác động bất kể một phương pháp điều trị nào nữa. Em ấy đã kết thúc cuộc đời của mình khi mới chỉ đang học lớp 12, ước mơ được vào đại học và trở thành một kỹ sư công nghệ mãi mãi dở dang” - thầy Cường tâm sự với chúng tôi với đôi mắt đỏ hoe.

thay giao 2
Nhiều hoàn cảnh khó khăn được thầy Cường giúp đỡ.

"Cho đi là còn mãi"

Hơn một thập kỷ làm công tác từ thiện nhưng không phải lúc nào thầy giáo Ngô Mạnh Cường cũng gặp thuận lợi. "Cũng có trường hợp khiến tôi mất ngủ nhiều ngày vì mãi vẫn chưa tìm ra cách gì kêu gọi. Như trường hợp của bé Nguyễn Thị Hồng Vân là một ví dụ. Mẹ của bé Vân bị mắc chứng thần kinh hoang tưởng, Vân bị bệnh tim bẩm sinh. Có lần, Vân bị ngất, mẹ cháu đưa cháu vào bệnh viện, đến khi các bác sĩ bảo phải mổ thì mẹ Vân lại bế con trốn về vì làm gì có tiền đâu. Một hôm tôi đang ở nhà soạn bài thì mẹ Vân bế cháu lên vừa khóc vừa nói: "Em xin thầy, thầy cứu con em"".

Sau hôm đó, thầy giáo Ngô Mạnh Cường cứ trăn trở, không biết phải làm cách nào để cứu bé Hồng Vân. Thầy bảo, nghĩ đến hoàn cảnh của Vân mà rớt nước mắt. Nếu không có tiền mổ tim thì Vân sẽ chết. Nhiều đêm thầy bất ngờ tỉnh giấc bật dậy. Nghĩ đến mạng sống của Vân đang bị đe dọa, trong lòng thầy Cường lại cảm thấy nhói đau.

Cuối cùng thầy đã tìm đến chương trình "Trái tim cho em". Tại đây, thầy được người ta phát cho một lá đơn. Về nhà thầy Cường tự điền các thông tin về Vân, rồi sau đó cũng tự thầy xuống UBND xã xin xác nhận hộ nghèo cho Vân. Cuối cùng, nhờ sự tận tình của thầy giáo Ngô Mạnh Cường, bé Hồng Vân đã được mổ tim miễn phí và hiện đang sống khỏe mạnh cùng với mẹ của mình.

thay giao 5
Thầy Cường luôn đồng hành cùng các em học sinh.

Trong quá trình quay phim tư liệu về thầy Cường, chúng tôi đã có mặt tại gia đình ông Trần Gia Sản, 85 tuổi, quê ở thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công (Hà Nội). Khi nói về ân nhân của mình, ông Sản đã không giấu được sự xúc động: “Gia đình tôi mang ơn thầy Cường nhiều lắm. Nếu không có thầy tận tâm giúp đỡ thì chắc giờ này gia đình tôi vẫn phải chui rúc trong căn nhà mục nát, chỉ một cơn bão to là sập”.

Vợ chồng ông Sản năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn phải lao động rất vất vả để nuôi người con trai thần kinh và hai đứa cháu nội đang tuổi ăn tuổi học. Con dâu ông Sản – người được coi là trụ cột trong gia đình đã qua đời cách đó vài năm vì căn bệnh hở van tim. Khi biết được hoàn cảnh đáng thương của gia đình ông Sản, thầy giáo Ngô Mạnh Cường đã liên lạc với các nhà hảo tâm để kêu gọi trợ giúp.

Kết quả, không chỉ nhờ các nhà hảo tâm hỗ trợ học phí cho hai cháu của ông Sản học hết phổ thông trung học mà thầy Cường còn kêu gọi các mạnh thường quân xây cho gia đình ông Sản một ngôi nhà khang trang, trị giá khoảng 300 triệu đồng. Không chỉ gia đình ông Sản, gia đình chị Nguyễn Thị Viết ở thôn Hoàng Dương cũng đã có một ngôi nhà đàng hoàng thay vì túp lều trước đó cũng nhờ sự kêu gọi, trợ giúp của thầy giáo Ngô Mạnh Cường.

Năm 2015, vì muốn giúp đỡ nhiều hơn những học trò nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thầy Cường đã kêu gọi thành lập nhóm "Chia sẻ yêu thương". Thành viên chủ yếu là các đồng nghiệp đang công tác cùng thầy tại trường Trung học cơ sở Sơn Công và các học trò cũ của thầy.

Chia tay người thầy giáo nhân hậu ấy, cảm giác đọng lại trong chúng tôi chính là triết lý sống “cho đi là còn mãi”. Những món quà mà thầy nhận được vào mỗi dịp lễ Tết không phải là những thứ có thể quy đổi ra tiền. Đó có thể là mớ rau sạch, mấy bắp ngô non mới bẻ hay con gà tự nuôi mà các học trò và những người luôn coi thầy là ân nhân mang tặng.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu