22:34 ngày 09/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ngọc Lặc - Thanh Hóa: Người dân gặp khó khi vay vốn ngân hàng

19:21 15/12/2021

(THPL) – Mới đây tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật nhận được thông tin vụ việc bà Quách Thị Ngân (trú tại làng Lộc Nam, xã Lộc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) có làm hồ sơ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Ngọc Lặc để đầu tư trang trại làm kinh tế gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình giải ngân vốn vay, mặc dù chưa giải ngân đầy đủ, nhưng Ngân hàng đã tạm dừng không cấp tín dụng tiếp theo cho bà Ngân mà không hề có thông báo cho gia đình bà.

 

Đơn kêu cứu của bà Quách Thị Ngân 

Cụ thể, để đầu tư trang trại làm kinh tế gia đình (Vườn - Ao - Chuồng), bà Quách Thị Ngân có làm hồ sơ vay vốn để bổ sung vào việc xây dựng trang trại chăn nuôi. Bà đã làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) từ năm 2015 đến năm 2018. Bà đã thế chấp cho ngân hàng 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam  - Chi nhánh huyện Ngọc Lặc cũng đã phê duyệt đồng ý cho bà vay 4.360.000.000 đồng (Bốn tỷ ba trăm sáu mươi triệu đồng). 

Thế nhưng, trong suốt thời gian ngân hàng giải ngân dần theo các khoản vay của Hợp đồng tín dụng, bà Ngân chỉ được Ngân hàng giải ngân 3.700.000.000đ (Ba tỷ bảy trăm triệu đồng). Sau đó, Ngân hàng tạm dừng không cấp tín dụng tiếp theo cho bà Ngân. Ngân hàng không có thông báo nêu lý do không giải ngân như đã được phê duyệt. Việc thu hồi vốn và tạm dừng chấm dứt việc cho vay phía ngân hàng không thông báo bằng văn bản, hay trả lời bằng lý do chính đáng nào để người dân có phương án giải quyết việc đầu tư kinh doanh của mình.

Hợp đồng tín dụng vay vốn giữa bà Quách Thị Ngân và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Ngọc Lặc

Theo hồ sơ vụ việc, nếu bà Ngân vay ngân hàng thế chấp bằng tài sản của mình diễn ra bình thường thì không có gì đáng bàn. Nhưng đáng chú ý là bà Ngân cũng đã trả ngân hàng tiền lãi vay và một phần tiền gốc vay theo các hợp đồng tín dụng, cụ thể như sau:

Hợp đồng tín dụng số 3510LAV201507374 ngày 24/9/2015, số tiền phê duyệt 560.000.000 đồng, ngày hết hạn hợp đồng 16/9/2018. Tính đến ngày 19/6/2017, căn cứ hợp đồng này, bà Ngân chỉ còn nợ Ngân hàng 200.000.000 đồng.

Hợp đồng tín dụng số 3510LAV201704029 ngày15/6/2017, số tiền phê duyệt 3.500.000.000 đồng, ngày hết hạn hạn mức 15/6/2018. Tính đến ngày 22/3/2018 căn cứ hợp đồng này, bà Ngân chỉ còn nợ Ngân hàng 1.536.000.000 đồng.

Hợp đồng tín dụng số 3510LAV201804729 ngày 15/6/2018, số tiền phê duyệt 2.500.000.000 đồng, ngày hết hạn hạn mức 15/9/2019. Khoản vay này không được giải ngân mà chuyển toàn bộ số dư nợ của Hợp đồng 1 và Hợp đồng 2. Tổng số dư nợ là 1.736.000.000 đồng.

Hợp đồng tín dụng số 3510LAV201804187 ngày 6/7/2018, số tiền phê duyệt 1.300.000.000 đồng, ngày hết hạn hợp đồng 5/7/2023. Ghi nhận nợ ngày 6/7/2018, số tiền vay 1.000.000.000 đồng. Đáng lưu ý là bà Ngân ký hợp đồng này là (HĐ số 3510LAV201804187 ngày 6/7/2018) là ký khống với Ngân hàng và Ngân hàng chưa giải ngân khoản vay một tỷ đồng này. 

Ngày 27/11/2020, Tòa án Nhân dân huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã đưa vụ án "Tranh chấp hợp đồng tín dụng" giữa nguyên đơn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Ngọc Lặc và bị đơn là bà Quách Thị Ngân và ông Tô Như Ý (chồng bà Ngân). 

Tại phiên xét xử do bà Ngân bị ốm (thai nghén) nên vợ chồng bà Ngân đều không có mặt tại phiên tòa. Tòa án vẫn đưa vụ án ra xét xử và quyết định của bản án buộc bà Ngân phải trả cho Ngân hàng tổng số tiền gốc và lãi trong các hợp đồng tín dụng (kể cả hợp đồng ký ngày 6/7/2018) tổng số tiền bà Ngân phải trả cho ngân hàng là 3.493.918.549 đồng (Ba tỷ, bốn trăm chín mươi ba triệu, chín trăm mười tám nghìn, năm trăm bốn mươi chín đồng).

Bản án dân sự sơ thẩm số 09/2020/DS-ST ngày 27/11/2020 của Tòa án Nhân dân huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa)

Không đồng ý với kết luận của bản án dân sự sơ thẩm, bà Ngân một mực kêu oan về việc Ngân hàng không giải ngân khoản vay một tỷ đồng. Tòa án cũng không đưa ra được chứng cứ mà quyết định bà Ngân phải trả toàn bộ các khoản vay nợ gốc và lãi đã ký với Ngân hàng. Bà Ngân đã có đơn đề nghị gửi lên Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội khiếu nại bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Ngọc Lặc và đã được tiếp nhận. Đồng thời, bà Ngân cũng gửi đơn tới Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa, và sau đó Công an tỉnh Thanh Hóa đã chuyển đơn của bà Ngân tới Công an huyện Ngọc Lặc để giải quyết theo thẩm quyền.

Chúng tôi đang chờ kết luận của cơ quan điều tra để thông tin tới bạn đọc.

Giấy biên nhận của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về đơn đề nghị giám đốc thẩm bản án dân sự sơ thẩm số 09/2020/DS-ST ngày 27/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa

Trao đổi với luật sư Nguyễn Tuấn Anh - Văn phòng luật sư Anh Tuấn - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Theo ông, việc bà Quách Thị Ngân kêu oan có bằng chứng nộp cho luật sư đủ căn cứ để xác định ngân hàng chưa giải ngân khoản vay một tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng số 3510LAV201804187 ngày 06/7/2018. Bởi lẽ ngày ký hợp đồng trên ngân hàng cũng đã yêu cầu bà Ngân ký giấy nhận nợ (ký ngày 06/7/2018) đồng thời ngân hàng yêu cầu bà Ngân ký sẵn bảng kê dự kiến mua hàng cùng ngày 06/7/2018 (mục đích sử dụng vốn là mua vật liệu xây dựng của ông Phạm Duy Thành có tài khoản số 3510205141379 ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Ngọc Lặc). Ngân hàng yêu cầu bà Ngân ký khống vào các văn bản này cùng một ngày điều này thể hiện ngân hàng đã làm trái quy định của các tổ chức tín dụng trong việc vay và cho vay. Việc bà Ngân vay ngân hàng, ngân hàng sẽ giải ngân theo nhiều đợt chứ không phải giải ngân luôn một tỷ cho bà Ngân. Bà Ngân còn thắc mắc bà Ngân vay ngân hàng thì phải chuyển tiền trực tiếp cho bà Ngân chứ tại sao ngân hàng lại chuyển tiền cho ông Phạm Duy Thành (bà Ngân không hề mua bán vật liệu xây dựng của ông Thành, không biết mặt ông Thành, chưa bao giờ gặp). 

Mặt khác tại quyết định của bản án sơ thẩm, tòa án đã không xem xét kỹ, không quyết định rõ bà Ngân phải trả gốc ngân hàng bao nhiêu và trả lãi bao nhiêu mà quyết định gộp cả gốc và lãi buộc bà Ngân phải trả 3.493.918.549đ (Ba tỷ, bốn trăm chín mươi ba triệu, chín trăm mười tám nghìn, năm trăm bốn mươi chín đồng). Như vậy, bản án cũng đã vi phạm về tố tụng. Luật sư còn cho biết luật sư cũng đã tư vấn giúp đỡ gia đình bà Ngân gửi đơn kháng nghị tới Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội để yêu cầu giám đốc thẩm lại vụ án. Ngày 23/11/2021 vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã nhận đơn của gia đình bà Ngân.

Luật sư Tuấn cho biết thêm ông đã về liên hệ làm việc với các ban ngành của huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa và cũng xin làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Ngọc Lặc để đề nghị cung cấp chứng từ việc giao nhận tiền trong khoản vay một tỷ đồng để hòa giải các bên nhưng Giám đốc ngân  hàng: ông Phan Văn Hùng không tiếp với lý do chúng tôi đã đưa vụ án ra khởi kiện thì các ông cứ căn cứ vào bản án...

Thiết nghĩ vụ án rất đơn giản, cơ quan điều tra công an huyện Ngọc Lặc chỉ cần yêu cầu ngân hàng cung cấp các chứng từ bà Ngân đã nhận một tỷ đồng từ ngân hàng thì vụ việc trên sẽ không có ai cần phải khiều kiện kêu oan.

Phóng viên Thương hiệu và Pháp luật cũng đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Hùng – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, ông Hùng cho biết vụ việc đã được chuyển sang Chi Cục Thi hành án huyện Ngọc Lặc, cần biết thông tin gì liên hệ làm việc trực tiếp với cơ quan Thi hành án.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ thông tin tới bạn đọc khi có kết luận của cơ quan điều tra.

PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu