23:25 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ngành mía đường kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực

17:10 25/08/2022

(THPL) - Niên vụ 2021-2022, toàn ngành mía đường đã ép được 7,5 triệu tấn mía, sản xuất được gần 741.700 tấn đường. Với việc chủ động áp thuế chống bán phá giá đường mía nhập khẩu cũng như tăng cường kiểm tra của cơ quan chức năng, ngành mía đường kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực.

Báo Công thương đưa tin, theo chia sẻ của các doanh nghiệp mía đường, từ năm 2018 đến nay, ngành mía đường trong nước bị thiệt hại rất lớn bởi sức ép từ đường Thái Lan bán phá giá, nhập lậu và gian lận thương mại. Trước thực trạng này, tháng 2/2021 - sau 5 tháng điều tra, Bộ Công Thương đã đánh giá thiệt hại của ngành mía đường trong nước và áp mức thuế chống bán phá giá tạm thời 48,88% đối với đường từ Thái Lan, đến tháng 6/2021 mức thuế chống bán phá giá chính thức được áp là 42,99% và chống trợ cấp 4,65%, tổng cộng 2 loại thuế này là 47,64%, thời hạn áp dụng 5 năm.

Tuy vậy, sau khi bị áp thuế thì đường Thái Lan lẩn tránh thuế bằng cách chuyển đường có nguồn gốc từ Thái Lan sang 5 nước ASEAN là Lào, Campuchia, Indonesia và Myanmar vào Việt Nam. Vì vậy, đầu tháng 8/2022 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1514/QĐ- BCT áp dụng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp là 47,64% đối với đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar có nguồn gốc nguyên liệu của Thái Lan. Chính sách này được áp dụng từ ngày 9/8/2022 đến 15/6/2026, gieo thêm kỳ vọng phục hồi cho ngành mía đường Việt Nam sau một thời gian dài chịu sức ép lớn từ đường bán phá giá, nhập lậu và gian lận thương mại.

Ngành mía đường kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực. Ảnh: Internet

Không chỉ tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại mà thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước cũng rất tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường để truy quét đường nhập lậu, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Theo đó, tại các địa phương là điểm nóng về hàng lậu ở khu vực biên giới Tây Nam như An Giang, Đồng Tháp và Long An, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường các biện pháp chống buôn lậu, kịp thời chặn đứng nhiều vụ nhập lậu đường từ Campuchia vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường (VSSA) cho biết: "Việc triển khai đồng loạt các biện pháp chính thức chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh là thành công rất lớn của doanh nghiệp ngành mía đường và các cơ quan quản lý chức năng, trong đó có vai trò chủ đạo của Bộ Công Thương, tạo công bằng cho các doanh nghiệp trong nước với đường né thuế và đường nhập lậu. Về ngắn hạn sẽ giúp các doanh nghiệp đường tiêu thụ được sản phẩm và có lợi nhuận, về dài hạn sẽ giúp phục hồi vùng nguyên liệu mía của Việt Nam đang bị giảm sút nghiệm trọng. Bên cạnh đó, với "gọng kìm" chống buôn lậu, hiện đường lậu cũng được đẩy lùi, mang lại cơ hội tăng trưởng mới cho doanh nghiệp ngành mía đường".

Hiện nay, để đón đầu cơ hội từ chính sách, mỗi doanh nghiệp mía đường đã chủ động mở rộng vùng nguyên liệu, tăng quy mô sản xuất.

Báo Đầu tư đưa tin, theo lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) cho biết, trong những năm qua, trước áp lực nguồn cung đường từ các nước ASEAN sau khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực, giá đường trong nước đã rơi xuống mức thấp, các nhà máy đường buộc lòng phải thu mua mía với giá dưới 1 triệu đồng/tấn. Điều này dẫn tới người nông dân trồng mía thua lỗ, chán nản chuyển sang trồng cây khác, vùng nguyên liệu liên tục bị thu hẹp. Năm 2021, Bộ Công thương đã điều tra và có quyết định chống bán phá giá đường từ Thái Lan, qua đó, giúp giá đường phục hồi và trở lại mức hợp lý.

Để khôi phục lại vùng nguyên liệu, các nhà máy từ vụ sản xuất 2021 - 2022 đã tăng giá thu mua mía lên trên 1 triệu đồng/tấn. Thường với các nhà máy đường, chi phí nguyên liệu chiếm từ 75 - 80% giá thành sản xuất, do đó, việc tăng giá mía sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất. Việc giá mua mía tăng chỉ có cơ hội khi giá đường tăng phù hợp và ổn định.

Từ năm ngoái, Lasuco đã chú trọng mở rộng vùng nguyên liệu với các chính sách thu hút người dân tham gia. Lasuco là doanh nghiệp sản xuất đường tinh luyện lớn nhất tại miền Bắc, tập khách hàng chủ yếu là khách hàng công nghiệp lớn. Công ty có 70% diện tích trồng mía được trồng trên đất đồi và đang có hướng dịch chuyển xuống vùng đất thấp hơn để đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ...

Chủ động vùng nguyên liệu trong bối cảnh giá đường được kỳ vọng sẽ có đà tăng và áp lực cạnh tranh với đường nhập khẩu giảm bớt khi chính sách phòng vệ thương mại có hiệu lực từ tháng 8/2022, doanh nghiệp mía đường trong nước sẽ có đà bứt lên.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu