13:45 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng vứt lợn chết ra môi trường

16:04 07/10/2019

(THPL) - Tại một số địa phương trên địa bàn, hộ chăn nuôi thiếu ý thức vứt xác lợn bệnh, nghi bệnh hoặc chết ra môi trường gây ô nhiễm, lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tình hình dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu giảm với nhiều diễn biến phức tạp. Tại một số địa phương trên địa bàn, hộ chăn nuôi thiếu ý thức vứt xác lợn bệnh, nghi bệnh hoặc chết ra môi trường gây ô nhiễm, lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian gần đây, xuất hiện trở lại tình trạng người dân vứt xác lợn chết, lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh DTLCP ra môi trường tại một số địa phương như: Hậu Giang, Đồng Nai, Quảng Nam... Điều này làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường (sông ngòi, kênh rạch, bãi rác...), gây bức xúc cho dư luận, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Thú y và các quy định khác của pháp luật hiện hành.

Tại TP. Hà Nội, nhằm chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh và chấm dứt ngay tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường, UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống bệnh DTLCP.

UBND TP yêu cầu UBND cấp huyện, cấp xã huy động các lực lượng của địa phương (bao gồm lực lượng ngành nông nghiệp, môi trường, công an, dân quân, các tổ chức đoàn thể...) tổ chức phát hiện, kịp thời thu gom, tiêu hủy xác lợn chết vứt ra ngoài môi trường (sông, ngòi, kênh, rạch, vườn, bãi rác...) trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện xác lợn chết theo quy định; chấm dứt ngay tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường. Thường xuyên theo dõi, điều tra, bắt và xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác lợn chết, lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh.

 Ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vứt lợn chết ra ngoài môi trường. (ảnh minh họa)

Tại tỉnh Nghệ An, DTLCP bùng phát trở lại gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi. Xã Diễn Nguyên (huyện Diễn Châu) đã có hơn 1.450 con lợn phải tiêu hủy do dịch. Các xã khác trong huyện như Diễn Đồng, Diễn Bình, Diễn Xuân, Diễn Thái… cũng xuất hiện dịch trở lại. Tỉnh đã gấp rút triển khai nhiều giải pháp phòng, chống DTLCP đang có nguy cơ bùng phát trở lại, yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để hướng dẫn hộ chăn nuôi tuân thủ đúng quy trình phòng, chống dịch; tăng cường thêm lực lượng phòng chống, dịch tại những nơi có nguy cơ lây lan và xuất hiện dịch nhiều; duy trì các tổ kiểm soát cơ động liên ngành.

Ngoài ra, tình trạng xác lợn bị vứt bừa bãi trên sông Đào, đoạn chảy qua xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An khiến người dân rất hoang mang và lo lắng.

Tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú, y, trong ngày 4/10, trên địa bàn Nghệ An phát sinh thêm 12 ổ dịch tả lợn châu Phi mới tại các huyện Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP.Vinh và TX.Cửa Lò. Như vậy trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã 21 huyện, thị xã, thành phố của Nghệ An xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh Trần Hùng cho biết: “Hiện tại, toàn tỉnh đã có hơn 11.000 lợn ốm, chết, tiêu hủy, nhiều nhất là ở các địa phương như: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc. Đến thời điểm này, Nghi Xuân là địa phương duy nhất trong toàn tỉnh chưa “dính” DTLCP”.

Đây là kết quả của nỗ lực không biết mệt mỏi của cả hệ thống chính trị huyện Nghi Xuân và người dân các xã, thị trấn trước khi DTLCP xâm nhập vào Hà Tĩnh. So với 3 địa phương Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, số hộ chăn nuôi và số lượng lợn ở Nghi Xuân có phần ít hơn (1.015 hộ chăn nuôi, tổng đàn lợn 17.569 con) nên nguy cơ DTLCP có xác suất thấp hơn.

Nhưng, Nghi Xuân lại nằm cận kề tỉnh Nghệ An - địa phương được công bố DTLCP vào ngày 14/3/2019 nên được các đối tượng từ địa bàn khác “ưu tiên” lựa chọn là nơi tiêu thụ lợn ốm.

Xuân Lộc

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu