03:20 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Mưa lũ kéo dài tại miền Trung khiến 11 người chết và mất tích

10:24 09/10/2020

(THPL) - Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho biết, mưa lớn kéo dài tại miền Trung đã khiến 11 người chết và mất tích, nhiều địa phương chìm trong biển nước, gây nhiều thiệt hại về tài sản.

Cụ thể, mưa lớn gây ngập lụt sâu trên diện rộng đã khiến 4 người thiệt mạng. Trong đó, Đắk Lắk: 1 người, Gia Lai: 1 người, Quảng Trị: 1 người, Quảng Ngãi: 1 người.

Ngoài ra, mưa lũ cũng đã khiến 7 người bị mất tích. Trong đó, Quảng Trị: 5 người, Thừa Thiên Huế: 1 người, Gia Lai 1 người.

Cũng theo Ban chỉ đạo T.Ư cho biết, đến chiều 8/10, lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và hạ lưu sông Thu Bồn (Quảng Nam) đang dao động ở mức đỉnh. Lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế đang lên chậm, các sông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi đang xuống. Dự báo, lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế tiếp tục lên, các sông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi tiếp tục xuống.

Trước tình hình mưa lũ, ngập lụt trên diện rộng, các địa phương ở miền Trung đã tổ chức di dời, sơ tán 3.250 hộ dân với gần 11.000 người tại khu vực ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, trong đó, lớn nhất là ở Quảng Trị gần 10.150 người, Thừa Thiên-Huế gần 800 người, Đà Nẵng hơn 70 người.

Phố cổ Hội An ngập trong biển nước (Ảnh: báo Tiền phong)

Tại Quảng Bình, 25 thôn, bản thuộc 7 xã của các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy bị chia cắt cục bộ; 50 hộ dân tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa bị ngập sâu 0,5m; các quốc lộ 15, 12, 9B, 12A bị ngập với độ sâu 0,5 - 1m; tỉnh lộ 562, 559B bị ngập 1,5 - 2m gây cản trở giao thông.

Tại Quảng Trị, 20 xã, phường bị ngập lụt, chia cắt cục bộ (7 xã của huyện Hướng Hóa, 4 xã của huyện Đakrông, 3 xã của huyện Cam Lộ và 6 phường tại thành phố Đông Hà).

Tại Thừa Thiên Huế, quốc lộ 49B đoạn qua huyện Phong Điền bị ngập, chia cắt nhiều đoạn, sâu nhất 0,8 - 1m; nhiều tuyến tỉnh lộ tại các huyện Phong Điền, Nam Đông, Phú Vang, Phú Lộc ngập sâu 0,2 - 0,5m; các thôn Tam Lanh, xã Lâm Đớt và Thôn A Hưa, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới bị ngập nước, cô lập.

Tại Đà Nẵng, có 8/11 xã có thôn bị ngập lũ, chủ yếu ở các vùng trũng thấp, dọc các tuyến sông.

Hiện các địa phương đang tích cực tổ chức tìm kiếm người mất tích, di dời, sơ tán dân ra khỏi khu vực ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Cử các đoàn công tác xuống hiện trường chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, từ nay đến ngày 10/10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250 - 350mm, có nơi trên 400mm; ở Nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50 - 100mm, có nơi trên 100mm. Từ ngày 11/10, các tỉnh Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn tiếp theo và kéo dài.

Trước tình hình trên, để tiếp tục ứng phó với mưa lớn diện rộng, đặc biệt tại khu vực Trung Bộ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn diện rộng, lũ quét, sạt lở đất và các hình thái thời tiết bất thường, trong đó tập trung vào việc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; Thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại.

Các tỉnh, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và các địa bàn thường xuyên bị lũ chia cắt, cô lập; Chủ động triển khai sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản; Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, cây trồng, vật nuôi, trong đó chủ động thu hoạch lúa, hoa màu đã đến kỳ thu hoạch và sẵn sàng di dời gia súc, gia cầm tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn.

Các địa phương cần tổ chức lực lượng kiểm soát, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc, tàu thuyền neo đậu tại các cửa sông để đảm bảo an toàn.

Các đơn vị chức năng cần tổ chức vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và hạ du, đặc biệt cần sẵn sàng phương án sơ tán dân khu vực hạ du có nguy cơ chịu ảnh hưởng; Kiểm tra, rà soát phương án ứng phó, bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước, nhất là các hồ nhỏ; chủ động nắm bắt và xử lý thông tin kịp thời khi có tình huống.

Các địa phương cần chuẩn bị dự trữ lương thực thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết đề phòng lũ cao kéo dài. Quyết định cho học sinh vùng ngập lũ nghỉ học khi cần thiết để đảm bảo an toàn; Rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó cho phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại địa phương, đảm bảo an toàn chống dịch COVID-19; Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu