06:54 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Mưa lũ lớn gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh miền Trung

19:59 08/10/2020

(THPL) - Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua ở khu vực miền Trung khiến nhiều địa phương ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chìm trong biển nước, nhiều vùng bị chia cắt, cô lập...gây thiệt hại nặng cho người dân.

Cụ thể, tại Quảng Bình mưa to khiến mực nước sông suối dâng lên rất nhanh, gây ngập lụt và chia cắt nhiều nơi của tỉnh Quảng Bình, 25 thôn, bản của 7 xã bị chia cắt hoàn toàn. Tại rốn lũ Tân Hoá (huyện Minh Hoá) mưa lớn khiến ít nhất 50 ngôi nhà của người dân và hai nhà văn hóa thôn đã bị ngập sâu, có 3 thôn đã bị cô lập, chỗ ngập sâu nhất hơn 1m.

Nhằm đảo bảo an toàn tính mạng và giảm thiểu thiệt hại tài sản cho nhân dân, các đơn vị chức năng tỉnh Quảng Bình chỉ đạo di dời khẩn cấp hàng ngàn người lên địa điểm an toàn. Trong đó, nhiều nhất là huyện Tuyên Hóa đã vận động di dời được 430 hộ dân.

Báo Người lao động đưa tin, theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến 10 giờ hôm nay, toàn tỉnh có 25 thôn, bản thuộc bị chia cắt cục bộ do nước dâng cao gây ngập một số đoạn đường. Huyện Minh hóa có 12 bản, huyện Bố Trạch có 6 bản, huyện Quảng Ninh có 5 bản và một thôn, huyện Lệ Thủy có 2 bản.

Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Quảng Ninh, hiện địa phương này có khoảng 550 nhà dân tại các xã Hàm Ninh, Tân Ninh, Duy Ninh, Xuân Ninh, Hiền Ninh, Trường Xuân, Trường Sơn và thị trấn Quán Hàu bị ngập lụt từ 0,3-0,5m.

Tại Lệ Thủy, mưa lớn khiến một số điểm trên tuyến Quốc lộ 9C bị sạt lở, hư hỏng. Toàn huyện có khoảng gần 600 hộ dân chủ yếu thuộc các xã Lâm Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy, Trường Thủy, An thủy, Lộc Thủy, Sơn Thủy bị ngập.

Do mưa lớn nên lũ trên 3 sông Kiến Giang, Nhật Lệ, sông Gianh đã vượt báo động 3 và đang dâng lên cao.

Mực nước dâng cao khiến nhiều địa phương ở huyện Minh Hóa bị cô lập (Nguồn: PNVN)

Ngoài ra, trước tình hình mưa lũ phức tạp, hôm nay, Sở GD&ĐT Quảng Bình cũng đã có công điện yêu cầu các đơn vị trực thuộc có phương án chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Toàn tỉnh này có 268 trường với trên 87.000 học sinh đã được nghỉ học.

Tại Quảng Trị, mưa lớn trong những giờ qua cũng khiến mực nước ở các sông Thạch Hãn, Hiếu, Bến Hải đang dâng cao. Tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250 mm, có nơi trên 300 mm. Tại hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, một số cầu tràn đã bị ngập nước. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng; ngập úng cục bộ vùng thấp trũng, ven sông suối.

Theo báo Phụ nữ VN cho hay, để chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Công điện số 09/CĐ-UBND yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, chỉ đạo sắp xếp đảm bảo an toàn tàu thuyền, phương tiện tại các nơi neo đậu.

Bên cạnh đó, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo khẩn trương di chuyển, gia cố các lồng, bè nuôi thủy sản trên sông, ao, hồ, đầm phá ven biển, ven sông, suối đảm bảo an toàn; có phương án bảo vệ, phòng tránh các thiệt hại có thể xảy ra tại các khu nuôi thủy sản tập trung, tuyệt đối không để người dân ở trên các lồng, bè nuôi thủy sản khi mưa lũ xảy ra; triển khai sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, gò đồi, ven sông suối, ven biển; khu vực thấp trũng, ngập úng đô thị…

Còn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, do mưa lớn, đoạn đường tại km76, cách Bốt Đỏ khoảng 1km (thuộc huyện A Lưới) đã bị sạt lở, khiến tuyến đường Quốc lộ 49 bị chia cắt. Trong sáng 8/10, các lực lượng chức năng huy động máy móc, phương tiện khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở, nỗ lực thông tuyến đường trong thời gian sớm nhất. Theo đại diện UBND huyện A Lưới, vị trí bị sạt lở cách Bốt Đỏ khoảng 1km, nằm trên tuyến đường chính từ TP. Huế và các huyện, thị lên A Lưới.

Ngay sau khi xảy ra sạt lở, các lực lượng chức năng huy động máy móc, phương tiện khẩn trương khắc phục. Đến thời điểm hiện tại các phương tiện đã có thể lưu thông. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục dọn dẹp bùn đất, vệ sinh tuyến đường, đồng thời túc trực sẵn sàng xử lý khi có trường hợp sạt lở xảy ra trong bối cảnh tình hình mưa lớn vẫn còn tiếp diễn.

Sáng 8/10, bờ biển xã Phú Thuận, xã Phú Hải (huyện Phú Vang) bị sạt lở, xâm thực, trên tổng cộng chiều dài khoảng 5km, do ảnh hưởng bởi mưa lớn. Riêng xã Phú Hảig bị xâm thực, biển "lấn" đất liền 3-4m, trên tổng chiều dài khoảng 2km, qua 4 thôn Cự Lại Bắc, Cự Lại Trung, Cự Lại Đông, Cự Lại Nam. Tuy nhiên, các hộ dân không bị ảnh hưởng gì. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Phú Hải, thông tin, sau nhiều kiến nghị, đề xuất, dự án xây dựng kè chống sạt lở cho bờ biển xã Phú Hải, nối tiếp từ địa phận xã Phú Thuận sẽ thi công trong thời gian sắp tới.

Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cho biết, ảnh hưởng bởi mưa lớn từ ngày 7/10, bờ biển xã Phú Thuận bị sạt lở, xâm thực qua các thôn Tân An, Trung An, Xuân An, tổng chiều dài khoảng 3km, đoạn sâu nhất gần 7m. Trong đó, thôn Tân An bị ảnh hưởng nặng nhất. 10 hộ dân trên địa bàn xã bị ảnh hưởng do sạt lở. Lãnh đạo xã cùng các lực lượng đang kiểm tra địa bàn, vận động người dân. Các hộ chuẩn bị sẵn sàng di dời đến nơi an toàn.

Cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đại học Huế  cũng đã có công văn hỏa tốc thông báo cho học sinh, sinh viên trên toàn tỉnh được nghỉ học. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng có công điện yêu cầu các hồ thủy lợi, thủy điện Tả Trạch, Hương Điền điều tiết, xả lũ từ 8h ngày 8/10.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu