09:56 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh miền Trung tập trung đối phó mưa lũ lớn

15:04 08/10/2020

(THPL) - Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, kéo dài tại các tỉnh miền Trung, ngày 8/10, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện số 1372/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung đối phó với mưa lũ.

Theo đó, để chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. UBND các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ:

- Di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối.

- Tìm kiếm người còn mất tích; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân thiếu đói, rét.

- Kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ; căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương quyết định việc cho học sinh nghỉ học.

- Gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xung yếu, nhất là các hồ đập vừa và nhỏ đã đầy nước, có nguy cơ mất an toàn cao cần bố trí trực canh, chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu.

- Chủ các hồ đập chịu trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa nước.

- Hướng dẫn người dân chủ động thu hoạch lúa, hoa màu, thủy hải sản đã đến kỳ thu hoạch, nhất là khu vực có nguy cơ bị ngập sâu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống ngập úng, bảo vệ sản xuất.

- Bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả mưa lũ.

2. Các Bộ NN&PTNT, Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ động vận hành an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, giảm lũ cho hạ du; chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.

3. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 hỗ trợ địa phương sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

4. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; hỗ trợ nhân dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

5. Bộ Giao thông Vận tải bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ; kịp thời khắc phục hậu quả, khôi phục giao thông trên các trục chính, nhất là tuyến Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng đảm an toàn hệ thống thông tin, sẵn sàng khôi phục nhanh thông tin liên lạc khi xảy ra sự cố.

7. Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 tại khu vực sơ tán.

8. Bộ GD&ĐT bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh, hạn chế thấp nhất thiệt hại tại các khu vực bị ảnh hưởng của mưa lũ.

9. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo kịp thời.

10. Các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tăng cường cập nhật, truyền tin về diễn biến mưa lũ để người dân chủ động phòng tránh.

Theo báo Chính phủ đưa tin, để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, sáng 8/10, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ban hành công điện yêu cầu thực hiện một số biện pháp ứng phó phòng, chống mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Theo đó, yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét, sạt lở đất, phương án sơ tán nhân dân trong đó lưu ý đảm bảo thực hiện nghiêm các nội dung biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Tổ chức neo, đậu lồng bè, nuôi trồng thủy sản, nghiêm cấm, không cho người ở lại trên lồng bè. Có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản. Cấm nhân dân và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại trong những vùng trũng thấp và nước lũ; kiên quyết không cho người, phương tiện qua ngầm, cầu tràn…

Mưa lũ diễn biến phức tạp, kéo dài tại các tỉnh miền Trung (ảnh: Internet)

Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an Thành phố và các quận, huyện, đơn vị liên quan khác bố trí đủ lực lượng, phương tiện tại các khu vực, địa bàn xung yếu, trọng điểm, chủ động ứng phó với mưa lũ; phối hợp, hỗ trợ các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai công tác sơ tán nhân dân, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai…

Sở GD&ĐT cho học sinh các trường ở huyện Hòa Vang nghỉ học từ sáng 8/10, các trường ở quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ nghỉ học từ trưa 8/10. 

UBND TP. Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Vùng III Hải quân sẵn sàng lực lượng giúp Thành phố ứng phó, khắc phục hậu quả lũ.

Sáng cùng ngày, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế phát lệnh thực hiện vận hành điều tiết hồ Tả Trạch và hồ Hương Điền để ứng phó với mưa lũ kéo dài. Theo đó điều tiết qua cống tháo sâu và tuabin với lưu lượng tăng dần, thời gian bắt đầu mở cửa cống tháo sâu là vào 11h30 ngày 8/10. Đồng thời, yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền vận hành điều tiết hồ Hương Điền, bắt đầu tăng lưu lượng vận hành lúc 8h ngày 8/10.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng yêu cầu Sở GD&ĐT cho toàn bộ học sinh nghỉ học ngày 8/10.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân, tài sản của nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã có công điện yêu cầu các huyện, thị xã và TP. Huế triển khai sơ tán dân khu vực nguy hiểm; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó; hướng dẫn cho các phương tiện, tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn.

Lãnh đạo các địa phương, đơn vị trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc nghiêm túc thực hiện không lơ là chủ quan, tổ chức trực ban 24/24; theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra và thường xuyên báo cáo tình hình về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh thông tin, lũ trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông La tiếp tục ở xu thế lên với biên độ lũ lên thượng lưu các sông từ 4-8 m, hạ lưu từ 2-4 m. Đỉnh lũ trên thượng lưu các sông này có khả năng ở mức báo động II, có nơi trên báo động II. Từ nay đến ngày 10/10, Hà Tĩnh tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biển từ 200-400 mm/đợt, có nơi trên 500 mm.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động ứng phó.

Chủ động kiểm tra và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, nhất là các tuyến đê biển, đê cửa sông, hồ chứa nước xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao, các công trình thủy lợi trên địa bàn, công trình tiêu, thoát lũ để chủ động vận hành tiêu thoát lũ kịp thời.

Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các công trình thủy lợi Kẻ Gỗ-Bộc Nguyên, Sông Rác-Kim Sơn-Thượng Sông Trí, Ngàn Trươi-Cẩm Trang, Nhà máy thủy điện Hố Hô, Thủy điện Hương Sơn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động điều tiết hồ, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Được biết, theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến sáng 8/10, mưa lũ đã làm 5 người bị chết, trong đó Quảng Trị (1 người), Gia Lai (2 người), Lào Cai (2 người).

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng của triều cường, 9 km bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng, tập trung ở các đoạn qua xã Giang Hải (2,5 km); xã Phú Thuận (2 km); xã Phú Diên (2 km); xã Phú Hải (1,5 km), xã Hải Dương (1 km). Lúc 13h ngày 7/10, tàu Công Thành 27 đi từ Quảng Ninh đến Cần Thơ (chở 4.500 tấn hàng cùng 11 thuyền viên), khi đi ngang qua vùng biển tỉnh Thừa Thiên - Huế thì bị sóng gió lớn làm nước tràn vào tàu gây hỏng động cơ. Tàu phát tín hiệu cầu cứu, 11 thuyền viên đã được cứu hộ, đưa vào bờ an toàn.

Tại tỉnh Quảng Nam, 24 điểm sạt lở xảy ra ở đúng các vị trí sạt lở (huyện Tây Giang) do bão số 5 gây ra.

Sau khi xảy ra thiên tai, chính quyền các địa phương đã tổ chức các lực lượng tìm kiếm thi thể nạn nhân và thăm hỏi, động viên gia đình có người tử nạn, mất tích và chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả...

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu