00:14 ngày 19/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Mắc chứng trầm cảm sau sinh, người mẹ có thể làm hại con bất cứ lúc nào

16:57 14/06/2017

(THPL) – Khi mắc chứng trầm cảm sau sinh, nhiều bà mẹ đã giết chết con mình hoặc tự sát, đó là những cảnh báo của TS Tô Thanh Phương về sự nguy hiểm của căn bệnh này.

Trước vụ án thương tâm mẹ dìm chết con trai 33 ngày tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội, TS.BS Tô Thanh Phương – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TW 1 cho biết trên báo Khám phá: “Theo thống kê tài liệu nước ngoài, sản phụ mắc hội chứng trầm cảm sau sinh chiếm khoảng 0,15% trong số những sản phụ sinh con. Họ có những biểu hiện như có cảm giác buồn, lo lắng, suy nghĩ và tủi thân. Khi đó, gia đình và người chồng cần động viên, chia sẻ với sản phụ. Sau 1 tuần, biểu hiện trên sẽ chấm dứt”.

TS.BS Tô Thanh Phương. Ảnh: Internet.

Bác sĩ Tô Thanh Phương lý giải, trong quá trình mang thai, hormone estrogen và chất dưỡng thai trong cơ thể thai phụ rất cao. Sau khi sinh, chúng giảm nhanh chóng, sinh ra rối loạn tâm thần. Vì vậy, nhiều thai phụ đã mắc hội chứng trầm cảm sau sinh.

Trong trường hợp sản phụ có biểu hiện lo lắng, tủi thân,…kéo dài hơn 1 tuần, họ sẽ rơi vào tình trạng loạn thần, người ta gọi là ngày thứ 3 sau sinh. Đối với sản phụ lần đầu mắc bệnh, họ rơi vào trạng thái hoang mang, lo âu, căng thằng và luôn tập trung vào đứa trẻ. Thậm chí, họ hoang tưởng và nảy sinh hành vi giết con.

“Cách tốt nhất, gia đình nên cách ly người mẹ khỏi đứa trẻ. Sau đó, người mẹ trầm cảm cần phải đưa đến bệnh viện tâm thần hoặc chuyên khoa tâm thần để khám và điều trị”, bác sĩ Tô Thanh Phương khuyến cáo.

Vậy triệu chứng của bệnh trầm cảm sau sinh như thế nào?

Trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh. Những phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu. Trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài. Bệnh có thể điều trị và trong một số trường hợp có thể dự phòng.

 Phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu. Ảnh: Internet

Ảnh hưởng của trầm cảm sau sinh đến sức khỏe

- Ảnh hưởng đến bản thân người mẹ: Về thể chất: sụt cân, suy dinh dưỡng; về tinh thần: suy nhược thần kinh, hoang tưởng, hành vi nguy hiểm.

- Ảnh hưởng đến người thân: Nhẹ: Chồng và con không được chăm sóc tốt. Gia đình không được vui vẻ.

- Nặng: Người bị trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự tử (41.2%).  Một số người rối loạn tâm thần, luôn có cảm giác bị hại nên tìm cách trả thù hay đối phó. Có những bà mẹ nghĩ con mình bị ma quỉ nhập nên tìm cách trừ tà, như vậy rất nguy hiểm đến tính mạng của bé. Ngay cả những người thân khác trong gia đình cũng vậy, có khi bà mẹ mang dao đâm người thân chỉ vì hoang tưởng bị hại.

Nguyên nhân bệnh trầm cảm sau sinh  

- Thay đổi về nội tiết: Sau khi sinh, việc giảm đột ngột estrogen và progestrogen góp phần gây nên. Hormones tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm.

- Thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc.

- Mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân.

- Khó khăn trong chăm sóc bé. Nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé. Từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân.

- Yếu tố di truyền: Trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha) thì nguy cơ bị bệnh cao.

Điều trị bệnh trầm cảm sau sinh 

Hỗ trợ từ người thân

Bạn bè và gia đình chắc chắn rằng người mẹ bị trầm cảm đang được bác sĩ chỉ định điều trị. Nếu đơn thuốc không thích hợp thì phải động viên bệnh nhân trở lại bác sĩ và yêu cầu thay đổi đơn thuốc.

Gia đình nên hiểu rằng bệnh đang ở giai đoạn tạm thời và sự giúp đỡ của họ có thể giúp cho người mẹ phục hồi nhanh chóng.

Đừng quên rằng người mẹ không được khỏe và đừng quấy rầy. Hãy cố gắng đối xử với người bệnh như một căn bệnh bình thường.

Hãy nhớ rằng trầm cảm không phải là một dấu hiệu của bệnh. Thường thì một người mẹ trầm cảm không thích sự cô độc, do vậy hãy cố gắng sắp xếp để lúc nào cũng có 1 người mà cô ta có thể tin tưởng ở bên cạnh.         

Điều trị bằng thuốc

Khi người mẹ nghĩ rằng mình bị trầm cảm sau sinh thì nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt, nếu không thể được thì mời bác sĩ đến nhà.

Cố gắng báo với bác sĩ về tất cả các triệu chứng gây khó chịu, điều này sẽ giúp cho thầy thuốc chẩn đoán chính xác về bệnh hơn. Thuốc được kê toa thông thường hoặc là thuốc an thần hoặc là thuốc chống trầm cảm. Nhiều phụ nữ nhận thấy rằng thuốc an thần không hiệu quả và quay trở lại bác sĩ yêu cầu đổi thuốc. Với thuốc chống trầm cảm thì người bệnh có cảm giác khô miệng và buồn ngủ.

Nếu dùng thuốc làm người bệnh cảm thấy khó chịu hơn thì nên đến bác sĩ đổi thuốc, nếu bạn dùng thuốc trong vài tuần mà không hiệu quả thì cũng nên đến bác sĩ thay đổi thuốc khác mạnh hơn hoặc tăng liều.

Bên cạnh việc dùng thuốc thì điều quan trọng là phải duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp nên được dùng.

Nếu thuốc thích hợp với bạn thì đừng nên rút ngắn thời gian điều trị bởi vì trầm cảm cần thời gian điều trị kéo dài để được phục hồi hoàn toàn. Nếu sau khi ngưng thuốc mà các triệu chứng tái phát thì đừng nên thất vọng mà nên đến bác sĩ tư vấn thêm. Thông thường bác sĩ tiếp tục điều trị với thuốc trước đó. Sau đó nếu có hiệu quả thì giảm liều dần, và điều này dự phòng được việc tái phát.

Tư vấn

Chuyên gia tư vấn có thể giúp ích.

- Nếu trầm cảm nhẹ thì việc tư vấn đơn thuần có thể giúp người bệnh vượt qua được.

- Nếu trầm cảm nặng có điều trị thuốc thì việc tư vấn cũng giúp ích cho bệnh nhân.

- Tư vấn có thể mỗi tuần 1 lần hoặc hơn.

Vai trò của bản thân

Điều quan trọng nhất là bạn phải tin tưởng rằng mình sẽ tốt hơn, bạn cần sự kiên nhẫn và nhận thức rằng sự phục hồi sẽ đến sớm. Bạn nên biết đau và nhức là xuất hiện khá nhiều ở phụ nữ bị bệnh trầm cảm sau sinh, và đó không phải là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng. Nhiều phụ nữ nghĩ rằng nhức đầu do u não, đau ngực do bệnh  tim, vì vậy nó làm cho bệnh trầm cảm nặng nề hơn. Hãy thư giãn và quên đi đau đớn thì căn bệnh trầm cảm sẽ dần dần tan biến.

Hãy nghỉ ngơi nhiều bởi vì sự mệt mỏi sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Tránh thức khuya và hãy nhờ người khác cho con bú. Đừng quên ăn uống đầy đủ vì nếu hạ đường huyết cũng sẽ làm cho bệnh nặng nề hơn. Nên ăn nhiều trái cây và rau quả khi bạn cảm thấy đói. Nên uống viên đa sinh tố mỗi ngày.

Đừng ép bản thân làm những điều mình không thích hoặc những điều gây khó chịu.

Lan Anh (T.H)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu