17:07 ngày 28/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Lịch sử thăng trầm của làng nghề kim hoàn Định Công

16:05 02/02/2022

(THPL) - Làng nghề kim hoàn Định Công (Quận Hoàng Mai – Hà Nội) có bề dày lịch sử với rất nhiều những thăng trầm. Ngày nay chỉ còn lại một số nghệ nhân “bám” nghề, như nhắc nhở cháu con về một lịch sử vang danh mà cha ông đã dày công gây dựng.

Làng nghề Định Công xưa, nay thuộc phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được biết đến là trung tâm chế tác vàng bạc lớn nhất đất Thăng Long với các tác phẩm vô cùng tinh xảo. Theo sử sách, vào thế kỷ VI, thời Tiền Lý, làng Định Công có ba anh em tổ nghề họ Trần là Trần Điền, Trần Điện, Trần Hòa, từ lâu đã đi vào tiềm thức và lòng tự hào của mỗi dân làng, đồng thời nhắc nhở các thế hệ thợ nghề luôn nhớ về cái nôi ban đầu của làng nghề kim hoàn gồm ba lĩnh vực: Trơn, chạm, đậu.

Những sản phẩm kim hoàn của người thợ làng Định Công ngày càng có nhiều mẫu mã phong phú và được chạm trổ sắc nét.

Ba anh em họ Trần là những người có đóng góp cải tiến quan trọng về mặt kĩ thuật. Họ học được nghề làm đồ trang sức bằng vàng bạc (nghề đậu bạc) và mở cửa hàng lấy tên là “Kim hoàn”. Nhờ cần cù, khéo léo nên sản phẩm họ làm ra rất tinh xảo.

Họ dạy dân làng cùng làm nghề, truyền từ đời này sang đời khác. Từ đó, nghề làm vàng bạc làng Định Công được khắp nơi biết đến. Để ghi nhớ công ơn, dân làng Định Công lập đền thờ ba anh em họ Trần, vào ngày 12 tháng Hai âm lịch hằng năm tổ chức lễ hội tri ân ba vị tổ nghề rất trang trọng.

Thợ kim hoàn Định Công khi chế tác sản phẩm vàng bạc tinh xảo luôn đòi hỏi phải nắm vững 3 khâu kỹ thuật quan trọng nhất của nghề là chạm, đậu và trơn. Chạm tức là chạm trổ các hình vẽ, hoa văn, hoạ tiết trên mặt các đồ trang sức hay các đồ bằng vàng, bạc. Đồ chạm ngày trước thường là các loại khánh, vòng, kiềng, chóp nón, ống nhổ, ống vôi...

Đậu tức là kéo vàng bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ vàng, bạc rồi từ những sợi chỉ này chuyển thành những hình hoa lá, chim muông gắn vào những đồ trang sức. Khâu này đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo và cẩn thận để làm.

Tiếp đó là kỹ thuật trơn, tức là người thợ không cần chạm trổ mà chỉ cườm cho sản phẩm nhẵn, bóng, trơn. Người thợ kim hoàn làm nghề phải giỏi cả ba kỹ thuật chuyên môn trên và biết thủ thuật luyện kim cổ truyền. Theo kinh nghiệm, muốn có vàng tốt tức là vàng 10, người ta tiến hành theo kỹ xảo cổ truyền gọi là "chở vàng".

Chiêm ngưỡng các tuyệt tác đậu bạc cực kỳ tinh xảo của các nghệ nhân ở Định Công.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, ngày trước các họ nghề Mai, Lê, Quách, Trần, Nguyễn… theo nghề đều ở thôn Thượng. Họ Quách chuyên về đậu bạc, họ Trần, Mai chuyên làm vàng. Sau chiến tranh, nơi đây người làng di tản đi tứ phương, nghề kim hoàn biến mất khỏi làng Định Công. Mãi tới đầu thập niên 1990, hai nghệ nhân nhà họ Quách là Quách Văn Trường và Quách Văn Hiểu mới khôi phục, duy trì sản xuất thường xuyên lại nghề truyền thống theo tính “cha truyền con nối”. Đặc biệt, nghệ nhân Quách Văn Trường là người có công gây dựng lại nghề truyền thống và nghệ nhân Quách Văn Hiểu là người quảng bá đưa hình ảnh nghề đậu bạc tới gần hơn với công chúng và bạn bè quốc tế. 

Các nghệ nhân Quách Văn Trường và Quách Văn Hiểu nhớ lại: "Với bề dày kinh nghiệm, gia đình chúng tôi có 4 thế hệ theo nghề đậu bạc truyền thống. Thời kỳ trước, đất nước vô cùng khó khăn về mọi mặt nên vàng bạc bị Nhà nước quản lý chặt chẽ. Vàng bạc là thứ quý hiếm, đắt đỏ nên người dân trong làng phải thay thế vàng bạc bằng nguyên liệu đồng nên nghề kim hoàn cũng không còn phát triển mạnh… Cứ thế, nghề kim hoàn tại Định Công dần mai một và suốt một thời gian dài chẳng ai còn theo nghề. Hiện nay, đất nước đã và đang phát triển hơn, chúng tôi mong muốn các thanh niên trẻ sẽ yêu thích và cố gắng gây dựng, đóng góp trong việc giữ gìn, duy trì nghề truyền thống ngày càng khởi sắc hơn".

Là một trong số rất ít người trẻ có tình yêu với nghề thủ công của ông cha để lại, nghệ nhân đậu bạc Quách Phan Tuấn Anh là con trai của nghệ nhân Quách Văn Trường, ngay từ nhỏ anh đã được tiếp xúc với nghề nên tình yêu trong anh rất lớn. Anh luôn mong muốn xưởng đậu bạc được mở rộng, nhằm duy trì và gây dựng lại nghề cha ông xưa truyền lại, đồng thời muốn quảng bá, giới thiệu cho khách hàng trong và ngoài nước biết đến về một làng nghề nức tiếng, gắn bó với người dân nơi đây từ xa xưa. Hơn bao giờ hết, anh sẵn sàng dạy nghề miễn phí cho những ai có niềm đam mê với nghề đậu bạc.

Các dòng sản phẩm lưu niệm như: Tháp Rùa, Phố cổ, Khuê Văn Các…
...được nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh chế tác rất công phu và ý nghĩa.

Để có được những sản phẩm độc đáo, người tiêu dùng ưa chuộng và đặc biệt để những người thợ làm nghề ở xưởng có một công việc lâu dài và thu nhập ổn định, anh đã nảy ra ý tưởng sản xuất thêm sản phẩm độc quyền và ký gửi tại các cửa hàng vàng bạc. Dần dần, tên tuổi của xưởng được khẳng định trên thị trường, đến nay, các dòng sản phẩm lưu niệm như: Tháp Rùa, Phố cổ, Khuê Văn Các…được anh chế tác rất công phu và ý nghĩa”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh luôn mong muốn xưởng đậu bạc được mở rộng, nhằm duy trì và gây dựng lại nghề cha ông xưa truyền lại.

Được biết, năm 2007, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh trở thành đại diện duy nhất của nghề kim hoàn Việt Nam dự chương trình trao đổi văn hóa do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức. Tại cuộc thi sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), sản phẩm Trâu vàng của anh cũng được trao giải “Sản phẩm thủ công tinh xảo”.

Sự phát triển của thời kinh tế mở cửa, làng cổ Định Công giờ đây đã đô thị hóa mạnh mẽ, không còn là một làng quê đơn thuần. Nó đã trở thành phố phường sầm uất, nhà cao tầng, hàng quán mọc lên san sát. Trong cuộc sống mưu sinh nơi đô thành, người dân từ khắp nơi đổ về đây làm ăn buôn bán. Song, có lẽ ít người biết, nơi đây từng là làng nghề nổi tiếng kinh kỳ Thăng Long về nghề kim hoàn. Nhiều chủ vàng lớn trên phố Hàng Bạc (phố cổ Hà Nội) có gốc tích từ làng Định Công và họ đã từng dựng miếu thờ tổ nghề tại đó.

Đền thờ tổ làng nghề kim hoàn Định Công.

Qua những hoa văn, hoạ tiết trang trí trên các sản phẩm, ta nhận thấy rõ đức tính kiên trì, sự thông minh khéo léo, óc sáng tạo của những người thợ kim hoàn Việt Nam. Đặc biệt, những năm gần đây, tinh hoa nghề cổ lại được bồi đắp thêm bởi sự đam mê “tầm sư học đạo” của các thế hệ trẻ. Dù trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề kim hoàn Định Công và nghề kim hoàn ở Hà Nội nói chung bắt đầu được hồi sinh, khởi sắc và ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng lớn ở trong, ngoài nước.

Diệu Huyền

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu