12:11 ngày 21/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Lễ hội “thề không tham nhũng”: Vì sao vẫn chỉ có “quan chức” cấp thôn thề?

14:22 13/02/2017

(THPL) - Vừa qua, tại khuôn viên di tích quốc gia đền - chùa Hòa Liễu (Làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) đã diễn ra lễ hội độc đáo Minh thề - nơi ngày xưa các vị chức sắc cùng nhau hô vang lời thề minh bạch, không tham nhũng. Tuy nhiên, vẫn như mọi năm, các vị lãnh đạo thành phố, huyện, xã về dự chứ không… thề.

Độc đáo lễ hội thề minh bạch, không tham nhũng

Lễ hội Minh thề, có nơi gọi là Miêng thề, với ý nghĩa là ‘thề minh bạch’, là phần mở đầu của lễ hội đền - chùa Hòa Liễu diễn ra trong 3 ngày tại thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Phần khai hội được tổ chức hằng năm vào ngày 14 tháng giêng âm lịch, thu hút đông đảo sự tham gia của nhân dân gần xa.

Đến dự Lễ khai hội năm nay, ngoài các chức sắc thôn Hòa Liễu còn có sự góp mặt của có nhiều lãnh đạo UBND huyện Kiến Thụy và UBND xã Thuận Thiên.

Đồng chí Nguyễn Trọng Khải – Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên đọc lời phát biểu và đánh 3 hồi trống chính thức khai mạc lễ hội chùa Hòa Liễu, mở đầu với phần nghi lễ Minh thề.

Đồng chí Nguyễn Trọng Khải – Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên đánh trống chính thức khai mạc Lễ hội chùa Hòa Liễu, mở đầu với phần nghi lễ Minh thề.
Sau 3 hồi trống to dõng dạc như "mở lòng" trời đất, các vị chức sắc, trưởng lễ trong những bộ lễ phục truyền thống đẹp mắt, cung kính tiến vào lễ đài trong tiếng trống vang, cờ mở. Đi sau đoàn tiến lễ là các vị phụ lễ, tùy tùng với gươm đao, giáo mác, cờ, quạt uy nghi và trọng thị.
Bàn thờ trong Hội Minh thề được bài trí rất nghiêm trang. 
Đứng trước lễ đường, vị trưởng lễ nhận dao theo phong tục, xoay người một vòng, cắm mạnh dao xuống đất thể hiện ý chí cao ngất trời. Sau đó, vị chủ tế dõng dạc đọc Hịch văn tế, đáng chú ý có đoạn: “Phàm kẻ nào thực thi công vụ, dĩ công vi công, nguyện chư thần ủng hộ; dĩ công vi tư, nguyện chư thần đả tử. Y như văn thề” (Ai dùng của công vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt).

Phần cuối lễ là nghi thức cắt tiết gà tế lễ, nhỏ vào bình rượu truyền thống. Sau khi tiết gà và rượu đã hòa chung với nhau, rượu được rót ra thành nhiều chén nhỏ. Các vị chức sắc, từ trưởng lễ đến phục lễ thay phiên nhau uống cạn chén rượu theo đúng nghi lễ truyền thống đã có từ lâu đời. Sau khi uống rượu xong, phần nghi lễ cũng kết thúc, mở đầu phần hội với nhiều hoạt động thú vị như: diễn văn nghệ, đánh cờ người, đá gà…

Các vị chức sắc trong thôn cùng giơ cao tay thề không tham ô tham nhũng, không lấy của công dùng vào việc tư.

Tại sao chỉ có "quan chức" cấp thôn giơ tay thề?

Theo sử sách ghi lại, lễ hội Minh thề xuất hiện từ năm 1561. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ sau cách mạng tháng 8, lễ hội phải tạm dừng do vào lúc đó, các chức danh cũng như cơ cấu hành chính làng, xã lúc đó không còn tương ứng với các chức tước theo đúng phong tục của lễ hội.

Từ năm 2003 đến nay, lễ hội Minh thề chính thức được phục dựng, mà công đầu là bởi cụ ông Phạm Đăng Khoa, người có nhiều tâm huyết với truyền thống dân tộc.

Tham dự lễ hội Minh thề, du khách thập phương đều hồi hộp, chăm chú theo dõi phần đọc lời thề không tham nhũng của các vị chức sắc. Tuy nhiên, đã gần 15 năm kể từ khi “hội thề” được khôi phục, chiếu thề vẫn dừng lại ở cấp thôn. Theo đó, thành phần dự thề cao nhất trong ngày hội này vẫn chỉ là Trưởng thôn. Các vị quan chức cấp thành phố, huyện, xã có về dự nhưng không “thề”, bởi họ chỉ đi theo diện khách mời danh dự, không nằm trong cơ cấu chức sắc phải tham gia phần lễ Minh thề, đúng như truyền thống đã có từ lâu đời.

Tuy vậy, nhân dân từ lâu vẫn mong mỏi lễ hội độc đáo này sẽ được nâng cấp, mở rộng ra hơn, không chỉ dừng lại ở cấp thôn mà còn ở các cấp cao hơn.

Trả lời báo chí về lý do tại sao chiếu thề chỉ dừng lại ở cấp thôn, không có lãnh đạo xã, huyện hay lãnh đạo cấp cao hơn tham gia uống rượu và “thề không tham nhũng”, một vị quan chức huyện Kiến Thụy, Hải Phòng cho biết, lễ hội Minh thề là lễ hội truyền thống của làng Hòa Liễu. Các vị chức sắc thực hiện nghi lễ truyền thống trước thần linh của làng Hòa Liễu. Còn cán bộ, đảng viên, lãnh đạo huyện, tỉnh… thì “thề” trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật chứ không thề trước thần linh.

Trao đổi với Thương hiệu và Pháp luật, cụ ông Phạm Đăng Khoa cho biết: “Ngày xưa, muốn biết các quan có ‘dấu hiệu’ tham quan hay không thì cứ cắt cử người mật phục trước cổng đình vào đêm trước hội thề. Nếu là quan tham, họ sẽ ra khấn thần linh mong được các ngài đại xá cho việc tham quan, bởi các vị này sợ khi đọc lời thề độc mà lòng bất minh, sẽ bị linh ứng, trời tru đất diệt”.

Bài, ảnh: Ngọc Phương

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu