08:49 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Lấp lánh ngàn năm tơ tằm Vọng Nguyệt

Thảo Nguyên | 08:15 23/10/2020

(THPL) - Tơ tằm Vọng Nguyệt nổi danh thiên hạ gần ngàn năm nay bởi sự bền chắc, mượt mà, óng ả hiếm có nhờ được thiên nhiên ưu đãi, cộng với sự cần cù, khéo léo của dân làng Vọng Nguyệt. Trăn trở giữ gìn nghề quý của cha ông để tinh hoa văn hóa dân tộc không bị mai một vẫn là nỗi niềm đau đáu của những người con vùng quê Kinh Bắc.

Làng Vọng Nguyệt thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh được thiên nhiên ưu đãi dành tặng cho bãi tả ngạn sông Cầu rộng mênh mông, phù sa màu mỡ. Bởi thế, theo lời các cụ trong làng, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa gắn bó với người làng Vọng Nguyệt đã gần ngàn năm nay. Những nương dâu xanh rì trải dài tít tắp, nong kén vàng ươm, sợi tơ óng ánh, mềm mại là hình ảnh khắc sâu vào tâm trí bao lớp thế hệ dân làng Vọng Nguyệt.

Sợi tơ vàng óng trong ánh mặt trời. Ảnh: Internet

Tương truyền rằng, mảnh đất này ngày xưa được triều đình giao nhiệm vụ ươm tơ dệt vải cho nhà vua và hậu cung. Khi ấy các dòng họ lớn Nguyễn Hữu, Ngô Quý, Ngô Xuân cùng nhau sống chan hòa, trai thì làm ruộng, gái thì trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải. Làng nghề ươm tơ Vọng Nguyệt được nhiều người biết đến bởi sợi tơ thanh mảnh, bền chắc, bóng mượt.

Mỗi năm 10 tháng, bắt đầu từ độ tháng 2 âm lịch đến giáp Tết nguyên đán, cả làng Vọng Nguyệt, từ cụ già đến em nhỏ mỗi người mỗi việc, nhộn nhịp theo guồng quay công việc trồng dâu, chăn tằm, kéo kén, ươm tơ.

“Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa”, công việc nghe “đầy chất thơ” mà thực sự vất vả, đúng như câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng”.

Bắt đầu từ trồng dâu làm thức ăn cho tằm thôi cũng đủ thấy độ “kỹ” của nghề nông tang. Ông Phạm Văn Lợi, 57 tuổi, gắn bó với công việc trồng dâu, chăn tằm từ khi là cậu bé 12 tuổi cho biết, cây dâu phải được trồng nơi sạch sẽ, không gần ruộng trồng thuốc lào, ớt hay cây trồng khác mà có mùi thuốc trừ sâu. Nếu không, tằm sẽ không ăn hoặc khi ăn vào tằm sẽ chết.

Nuôi tằm vất vả chẳng khác nào chăm con mọn. 

Nuôi tằm rất vất vả, con tằm ăn lá dâu liên tục 3 giờ một lần, nhiệt độ nuôi tằm không được nóng quá hay lạnh quá. Không được cho tằm ăn lá dâu non, lá nhiều nước, lá bị nhiễm bệnh sẽ dẫn tới bệnh đỏ đầu, trong, phù, gai làm hỏng lứa. Vì vậy, người nuôi tằm phải thường xuyên để mắt, luôn tay luôn chân chăm bẵm chúng chả khác nào chăm con mọn.

Vất vả vậy đấy, nhưng thành quả lao động là những lứa tằm chín đều, cuốn kén đầy vàng óng khiến bao mệt nhọc tan biến hết.

Từ những kén tằm, người thợ sẽ bắt đầu phân loại, bảo đảm loại bỏ sạch chất bẩn trên kén, chọn kén tiêu chuẩn trước khi cắt kén để con ngài chui ra.

Cắt kén để con ngài chui ra. 

Tiếp đó là công đoạn kéo sợi tơ tằm, gọi là ươm tơ. Trong quy trình ươm tơ, người Vọng Nguyệt vẫn cơ bản tuân thủ những kỹ thuật của cha ông để lại. Đó là thả kén tằm vào chảo nước sôi, đảo kén thành từng nhóm nổi trên mặt nước, tìm mối tơ gốc rút ra cho quấn vào những con suốt rồi xếp vào guồng tơ tròn bằng gỗ nằm bắc ngang trên nồi nước sôi để kéo hết tơ ở mỗi chiếc kén làm thành con tơ. Kỹ thuật, bí quyết ươm tơ là điều tạo nên sự khác biệt giữa tơ của làng Vọng Nguyệt với sản phẩm của những nơi khác.

Tơ sau khi rút khỏi guồng quay tơ và phơi khô sẽ được thương lái ở nhiều nơi như Nội Duệ, Lim, Hà Nội, Hà Đông… về tận nơi thu mua rồi mang đi bán khắp cả nước và xuất đi nước ngoài. 

Công đoạn quay tơ giờ đây đã có sự hỗ trợ của máy móc nên năng suất cao hơn so với làm thủ công. 

Với giống tằm kén vàng truyền thống của Việt Nam, mỗi kén tằm có thể kéo được 300 mét tơ mềm mại, vô cùng óng ả, lấp lánh như những sợi chỉ vàng. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, Vọng Nguyệt nuôi thêm cả giống tằm trắng nhập ngoại, năng suất cao hơn nhưng nhược điểm sợi tơ chịu nhiệt kém hơn, độ óng ả, mềm mại cũng không bằng tằm kén vàng Việt Nam.

Nhờ tấm lòng trân quý nghề truyền thống của cha ông và sự khéo léo, cần cù, chịu thương chịu khó, làng Vọng Nguyệt vốn nổi danh khoa bảng trở thành chốn giao thương sầm uất, cuộc sống người dân phồn thịnh, đủ đầy suốt nhiều thế kỷ. 

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nghề thủ công truyền thống khác, trước sự biến đổi của thời cuộc, nghề tằm tang Vọng Nguyệt cũng trải qua nhiều nỗi thăng trầm. Nếu như trước đây, cả làng vài trăm hộ đều làm nghề thì đến nay chỉ còn 7, 8 hộ theo nghề, bởi đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh của các loại vải thời trang về giá cả, mẫu mã và tính ứng dụng trong đời sống.

Trước nguy cơ mai một nghề truyền thống, thời gian qua, chính quyền địa phương thường xuyên động viên nhân dân tiếp tục duy trì nghề, đồng thời phối hợp với một số ngân hàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng, chủ động liên hệ các cơ quan chức năng tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Ngô Văn Quây, trưởng thôn Vọng Nguyệt trăn trở: “Người dân Vọng Nguyệt rất mong muốn sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước như chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đầu ra, hỗ trợ đầu tư vốn, tăng cường quảng bá thương hiệu làng nghề để làng nghề bắt kịp những công nghệ sản xuất tiên tiến, sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, sản lượng tiêu thụ ổn định”.

Sợi tơ tằm Vọng Nguyệt ngàn năm lấp lánh trong tâm khảm mỗi người con ngôi làng cổ nổi tiếng vùng Kinh Bắc sẽ còn nối dài mãi nếu những khó khăn cơ bản được giải quyết với sự giúp đỡ của Nhà nước, cùng với đó là sự quyết tâm đồng lòng, chung sức của từng gia đình, thế hệ đi trước nỗ lực truyền niềm đam mê, niềm tự hào về bản sắc văn hóa đặc sắc của làng nghề truyền thống cho những thế hệ đi sau.

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu