14:43 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thêu ren Văn Lâm – Nét tinh hoa ấp ủ trong từng đường kim mũi chỉ

16:32 23/09/2020

(THPL) – Với những sợi chỉ mảnh mai, đôi bàn tay khéo léo tuyệt vời của những người thợ làng thêu truyền thống Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Ninh Bình, đã tạo nên nhiều tác phẩm thêu ren vô cùng tinh xảo, độc đáo, chinh phục được khách hàng ở các thị trường khó tính nhất thế giới.

Làng nghề thêu ren Văn Lâm nằm ngay ở khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, trong vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.

Tương truyền, bà Trần Thị Dung, vợ Thái sư Trần Thủ Độ theo triều đình nhà Trần về vùng đất Ninh Bình và truyền dạy cho người dân địa phương nghề thêu ren. Như vậy, làng Văn Lâm có lịch sử hơn 700 năm gắn bó với nghề thêu. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, cũng như nhiều nghề thủ công truyền thống khác, nghề thêu ren Văn Lâm cũng đã có thời điểm rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, những nghệ nhân của làng vốn lớn lên cùng cây kim, sợi chỉ, trót mang “cái nghiệp” của tổ tiên, nên quyết tâm bằng mọi giá gìn giữ và phát huy nghề quý. Đó là những nghệ nhân như ông Vũ Thanh Luân, nghệ nhân Vũ Thị Hoàng Yến, nghệ nhân Chu Quốc Động, nghệ nhân Đinh Thị Nguyên...

Thêu ren Văn Lâm sở hữu những kỹ thuật độc đáo, được giữ gìn, phát triển qua hàng trăm năm. 

Thêu Văn Lâm độc đáo bởi những kỹ thuật thêu do người thợ Văn Lâm sáng tạo nên qua hàng trăm năm lao động, tích lũy, kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc. Đó là các kỹ thuật thêu như thêu nối đầu, thêu đâm xôi, bó hạt... Dưới đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân làng Văn Lâm, các tác phẩm thêu hiện ra với vẻ uyển chuyển, mềm mại, thanh tú tuyệt vời, sống động đến nỗi khiến người xem tưởng như đang ngắm cảnh thật. 

Cùng với nghệ thuật thêu truyền thống, Văn Lâm còn sở hữu nghệ thuật ren dua bắt nguồn từ nước Pháp. Theo lịch sử làng ghi chép lại, năm 1910, dưới thời thuộc địa của thực dân Pháp, có 2 người thôn Văn Lâm là cụ Đinh Ngọc Hênh và Đinh Ngọc Xoan đã học được nghề thêu ren của người Pháp. Khi đã học được nghề, các cụ về truyền dạy lại cho dân làng.

Kể từ đó, làng Văn Lâm có thêm nghề nghề thêu ren dua và cũng nhờ đó tạo bước chuyển cho làng nghề. Với đôi bàn tay khéo léo tài hoa, nghề ren Văn Lâm mau chóng phát đạt và trở thành một trong những làng nghề làm ren dua đẹp nhất Việt Nam.

Nghệ nhân Vũ Thanh Luân chia sẻ: “Lúc đầu, các cụ đem về được một số kỹ thuật làm dua như dua sàng, dua tranh, dua cuốn.... Trải qua quá trình lao động nghệ thuật cần mẫn, người thợ làng Văn Lâm đã sáng tạo ra hàng trăm mẫu dua, ứng dụng trên nhiều sản phẩm như: khăn trải bàn, ga giường, quần áo, giày dép... Nhiều khách nước ngoài đến địa phương đặt hàng còn phải ngỡ ngàng và trầm trồ trước kỹ thuật ren dua vượt bậc của Văn Lâm”.

Nghệ nhân Vũ Thanh Luân luôn trăn trở  phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch địa phương

Hiện nay, làng có hơn 1000 hộ dân với hơn 3000 nhân khẩu thì gần như 100% đều làm nghề thêu. Gia đình nào cũng có nhiều loại khung thêu khác nhau, có loại to tới gần 2m, có loại chỉ nhỏ cỡ bàn tay.

Nhiều doanh nghiệp được thành lập như Công ty TNHH Thêu ren Mặt Trời Xanh; Tam Cốc, Mỹ Hương, Cty Minh Trang, An Lộc... với những chiến lược kinh doanh bài bản đã góp phần đẩy mạnh, đưa sản phẩm thêu, ren truyền thống của làng Văn Lâm ra khắp thế giới. Sản phẩm thêu ren nghệ thuật Văn Lâm chinh phục được những thị trường khó tính như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản.... nhờ đáp ứng tốt thị hiếu của từng thị trường kết hợp với nghệ thuật thêu ren tinh xảo của Văn Lâm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. 

Năm 2007, làng nghề thêu ren Văn Lâm đã được công nhận là một trong 12 làng nghề tiêu biểu cấp quốc gia. Năm 2010, làng nghề đã thực hiện bức tranh thêu tay lớn nhất Việt Nam với kích thước lên tới 5,5x31m để thể hiện tình yêu quê hương đất nước và trưng bày trong dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.

Bức tranh thêu tay lớn nhất tay lớn nhất Việt Nam do những nghệ nhân làng Văn Lâm thực hiện. 

Điều khiến các nghệ nhân làng Văn Lâm trăn trở ngoài đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài hay mở rộng thị trường trong nước, đó là việc đẩy mạnh phát triển nghề thêu ren gắn với “mỏ vàng” du lịch địa phương. 

Mặc dù nghệ nhân Vũ Thanh Luân đã có sáng kiến đầu tư xây dựng dịch vụ homestay ngay trên mảnh đất nhà mình để du khách kết với tham quan du lịch với tìm hiểu nghề thêu ren, tuy nhiên, ông Luân cho biết: “Tuy có những kết quả bước đầu, khách du lịch khu danh thắng nghỉ dưỡng tại homestay được tận mắt xem cách người thợ Văn Lâm tạo ra những sản phẩm thêu ren tuyệt đẹp, thúc đẩy nhu cầu mua sắm của du khách. Song điều tôi làm còn vô cùng nhỏ bé, chưa thực sự xứng đáng với giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa mà nghề truyền thống của cha ông đang lưu giữ trong mình, cũng như chưa xứng đáng với giá trị của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cố đô Hoa Lư nói chung”.

Du khách nước ngoài rất hứng thú với nghệ thuật thêu ren Văn Lâm. 

Cùng chung mong muốn với ông Luân, người dân địa phương rất mong chờ những chính sách mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa từ chính quyền để nghệ thuật thêu ren Văn Lâm được quảng bá rộng rãi, gắn bó chặt chẽ với du lịch địa phương, trở thành chuỗi liên kết du lịch hấp dẫn, đậm chất văn hóa, truyền thống dân tộc, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị vùng đất cố đô.

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu