01:09 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề gốm cổ Bồ Bát “hồi sinh” sau nhiều năm thất truyền

09:33 14/09/2021

(THPL) - Nhắc tới làng gốm truyền thống, nhiều người vẫn thường nghĩ ngay tới những cái tên quen thuộc như: Bát Tràng, Phù Lãng, Thanh Hà… Thế nhưng, ít ai biết rằng “tổ nghề” của làng gốm Bát Tràng ngày nay lại là làng gốm cổ Bồ Bát (Yên Thành, Yên Mô, Ninh Bình) - nơi được xem là làng nghề gốm sứ thuở sơ khai.

Theo sử sách ghi lại: Năm 1.010, vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Lúc này, những nghệ nhân giỏi của làng gốm Bồ Bát đã theo triều đình về Thăng Long, định cư ở vùng ven sông Hồng - nơi có vùng đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và tạo nên làng gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng.

Ở đình làng Bát Tràng hiện vẫn còn đôi câu đối ghi dấu việc di cư này: "Bồ di thủ nghệ khai Đình vũ - Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần. (Có nghĩa: Đem nghề nghiệp từ làng Bồ Bát ra đây để xây dựng đình miếu - Lòng dân thành kính tựa hương lan, dâng lên cúng thánh thần).

Sau khi những người thợ gốm dời làng, Bồ Bát bấy giờ chỉ còn ít người giữ được nghề nhưng sau đó cũng chật vật với cuộc sống mưu sinh. Nhiều người dần chuyển qua cấy lúa, làm ruộng. Từ đó, nghề gốm của làng bị lãng quên theo thời gian, dần mai một và thất truyền.

Sản phẩm gốm Bồ Bát được Bộ Công thương vinh danh trong Lễ công bố và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2015.
Các sản phẩm gốm Bồ Bát đều được chế tác tinh xảo, phủ màu men gan – loại men giả cổ, trắng và sâu men, độ bền cơ học tốt, độ mịn cao.

Gốm Bồ Bát tưởng chừng bị lãng quên theo thời gian, ấy thế mà cách đây hơn 10 năm, điều bất ngờ đã xảy ra khi những sản phẩm gốm Bồ Bát xuất hiện trở lại trên thị trường trong và ngoài nước.

Hỏi thăm các nghệ nhân làng gốm, chúng tôi được biết: Loại đất sét làm ra gốm Bồ Bát được lấy ở các đồi xung quanh khu vực xã Yên Thành - đây cũng là nơi xa xưa cha ông làng Bồ Bát lấy đất làm gốm cổ. Qua bàn tay khéo léo của người thợ, đất được tạo dáng, vuốt tay, be trạch trên bàn xoay ra các bình hoa, lọ, chén bát đĩa, chuông gió, tranh mỹ nghệ, tượng gốm nghệ thuật… Nhìn chung, các sản phẩm gốm Bồ Bát đều được chế tác tinh xảo, phủ màu men gan – loại men giả cổ, trắng và sâu men, độ bền cơ học tốt, độ mịn cao.

Cũng trong câu chuyện với các nghệ nhân làng gốm, chúng tôi được nghe nghệ nhân quốc gia Phạm Văn Vang – người đã khôi phục lại nghề gốm cổ Bồ Bát chia sẻ: “Điều tạo nên sự đặc biệt riêng có của gốm Bồ Bát có lẽ là phần nguyên liệu, nguồn đất sét trắng quý chỉ vùng đất nơi đây mới có đã tạo nên một loại gốm không có nồng độ chì, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dùng, cũng như giữ được nét đặc trưng, độ bền bóng của men, hạn chế sứt mẻ”.

Nghệ nhân quốc gia Phạm Văn Vang, người hồi sinh làng gốm cổ Bồ Bát. 

Có lẽ vì thế mà vào năm 2010, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng này đã được tỉnh Ninh Bình chọn đi dự hội chợ triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội” chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; nhiều sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Ninh Bình năm 2012. Đặc biệt năm 2015, sản phẩm gốm Bồ Bát được Bộ Công thương vinh danh trong Lễ công bố và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Kế thừa những tinh hoa của nghệ thuật, nét đặc trưng văn hóa của một vùng đất, các nghệ nhân làng gốm Bồ Bát đã tạo ra những sản phẩm gốm không chỉ phục vụ cho cuộc sống đời thường mà còn tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. 

Cùng với các sản phẩm gốm lưu niệm khác, sản phẩm gốm Bồ Bát còn gắn liền với các hình ảnh du lịch đặc trưng của mảnh đất Cố đô như: khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, chùa Bái Đính… và trở thành món quà không thể thiếu của mỗi du khách khi về Ninh Bình. Mong rằng theo thời gian, sản phẩm gốm Bồ Bát sẽ tiếp tục phát triển và khẳng định vị trí với bí quyết của một làng nghề gốm sứ thuở sơ khai.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu