11:41 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Lưu giữ và phát triển làng nghề dệt Triều Khúc

Phương Nhi | 08:56 07/08/2021

(THPL) - Làng Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) nức tiếng Hà Thành bởi truyền thống lâu đời về sản xuất các mặt hàng bằng tơ lụa như: quai thao nón thúng, se chân chỉ hạt bột, phất trần, dệt thủ công và sản xuất những phụ kiện may mặc …Hiện nay Triều Khúc chỉ còn lại vài nghề chính yếu, nhưng giá trị của một làng nghề vẫn nguyên vẹn đến ngày nay.

Những ngày đầu tháng 8, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) như bận rộn, tất bật hơn. Từ xa xưa, Tân Triều nổi tiếng với làng nhiều nghề, nay tuy có mai một dần nhưng vẫn duy trì được những hoạt động chính yếu. Tân Triều có 2 thôn là Triều Khúc và Yên Xá, trước đây Tân Triều được biết đến như một làng nhiều nghề "bách nghệ" của Hà Nội với 18 nhóm ngành nghề khác nhau.

Lưu giữ và phát triển làng dệt Triều Khúc.

Làng Triều Khúc xưa có tên gọi là Đơ Thao hay Kẻ Đơ, không chỉ nổi tiếng đất Hà Thành khi còn lưu giữ được những nét cổ kính đặc trưng của ngôi làng xưa Bắc Bộ, mà còn nức tiếng là làng nhiều nghề thủ công về thêu, dệt the, dệt khăn mặt, tơ lụa, nhuộm áo, nghề nhuộm, sản xuất chỉ, thu gom và tái chế phế liệu, lông vũ… Còn thôn Yên Xá thì có nghề làm giày dép thời trang đã đi vào thơ ca, đến nay vẫn còn được truyền tụng: "Tân Triều làng cổ ngoại thành - Hai thôn đều có nghề mình làm riêng - Yên Xá nghề guốc cổ truyền - Tôn cho phái nữ gót sen tươi hồng..." .

Khi nhắc đến làng Triều Khúc (Xã Tân Triều), các cụ cao niên trong làng thường kể lại, nơi đây nổi tiếng là làng thủ công của đất Thanh Oai (Hà Đông) xưa. Nổi tiếng nhất là nghề dệt từ nguyên liệu thô, sần - là những phế liệu từ dệt lĩnh dệt lụa thải ra, được chuốt lọc lại thành những con tơ, cuộn sợi nhuộm đủ màu rồi mới dệt thành vải để làm quai nón. Câu ca "Ai làm ra nón quai thao, để cho anh thấy cô nào cũng xinh" có lẽ bắt nguồn từ làng quê này. 

Nghề dệt cần phải tinh tế, tỉ mỉ, chỉ được tết rất chi tiết, đều, đẹp, chắc chắn.

Dân làng còn nổi tiếng bởi nghề đi khắp nơi thu lượm lông gà, lông vịt về phân loại, làm sạch, phơi khô. Từ các nguyên liệu này, mọi người trong nhà, mỗi người mỗi việc làm thành khá nhiều sản phẩm. Hiện tại làng còn lưu truyền bài ca Nôm (cả bằng văn bản) do một tác giả ký tên là "ấp tử Giáo Hồng" (ông giáo Hồng là người con của làng) sáng tác năm 1915, chỉ với 36 câu mộc mạc nhưng đã phác họa nghề của dân làng làm ra 34 sản phẩm từ các nguyên liệu này. Nhờ nghề này mà đời sống của dân làng xưa cũng như nay đều ổn định và khá giả hơn các làng quê khác trong vùng. 

Ngày nay, truyền thống "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" của Triều Khúc vẫn được phát huy và mở rộng thành nhiều nghề khác, có sự "phân công " theo các dòng họ, như họ Hoàng Đình chuyên làm băng hiệu, tua cờ và mũ phục vụ lễ hội và cả quân đội; họ Nguyễn Hữu lại chuyên về dệt thảm, trang trí nội thất với những mặt hàng được cả khách hàng ở nhiều nước đến mua. Làng dệt Triều Khúc hiện nay không những không bị mai một mà còn được phát triển rất mạnh, với những nhà máy sản xuất quy mô lớn.

Bà Nguyễn Mai - người làm nghề dệt nhiều năm ở Triều Khúc chia sẻ: "Vốn làm quen với việc thêu dệt từ nhỏ, tôi sớm dệt thành thạo các loại chân chỉ. Những tấm chân chỉ hạt bột, chân chỉ quả chữ thọ, loại hàng kỹ để đính vào y môn, vào tàn, vào tán của các nhà làm đồ thờ… Đối với bà, nghề làm dệt cần phải tinh tế, tỉ mỉ, chỉ được tết rất chi tiết, đều, đẹp, chắc chắn. Nguyên liệu được chọn phải là chỉ màu đẹp, tơ bóng, như vậy sản phẩm dệt lên mới nổi bật. Điển hình như chân chỉ hạt bột được làm rất tinh tế tỉ mỉ: các sợi chỉ mảnh mai được tết đan xen cùng hạt nhựa cứng tạo nên một dải đa mầu sắc, có tua rua phía dưới làm điểm nhấn. 

Một trong những khâu khó nhất là nhuộm màu. Người thợ phải nhuộm sợi tơ tằm sao cho giống hệt với màu trong mẫu vẽ, nếu pha màu sai quy cách một chút cũng coi như hỏng một mẻ nhuộm”.

Chị Trần Phương – Sinh sống tại làng Triều Khúc cho biết, hơn chục năm trở lại đây, cùng với các nghề truyền thống, Tân Triều còn phát triển thêm nhiều ngành nghề mới như xây nhà cho thuê, dịch vụ ăn uống, giải khát, sửa chữa xe máy, đồ điện gia dụng... làm cho đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. 

Bên cạnh đó, riêng với nghề dệt, người dân đã không chuyên vào sản xuất khăn mặt hay hàng thổ cẩm như xưa mà chuyển sang dệt băng phù hiệu, cấp hiệu cho bộ đội, công an và lực lượng dân sự, dệt vải và túi đựng tiền các loại... Bàn tay khéo léo của người Tân Triều nói chung và Triều Khúc nói riêng còn làm ra những quả "cù" dùng trong ngày Tết - một nét đặc trưng của văn hóa người Việt, để treo trên bàn thờ, mong muốn một năm với nhiều niềm vui mới, sung túc, an lành và làm ăn phát đạt, chị Phương cho biết.

Bên cạnh những sản phẩm được làm bằng thủ công truyền thống thì sản xuất cũng được chuyển đổi sang quy mô công nghiệp.

Được đi thăm toàn bộ khu nhà xưởng nơi đây, chúng tôi đã hiểu rõ tại sao một làng nghề dệt thủ công truyền thống lại có được những bước phát triển mạnh mẽ và bền vững như ngày hôm nay. Đó chính sự nhạy bén với nhu cầu thị trường, cùng sự sáng tạo, tìm tòi học hỏi của người dân nơi đây đã giúp họ không chỉ gìn giữ được nghề truyền thống còn làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình. Đặc biệt, để lưu giữ nghề truyền thống không chỉ là mối bận tâm của nghệ nhân, làng nghề mà còn ảnh hưởng tới các ngành sử dụng sản phẩm đó. Vì vậy, cần phải có sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc bảo tồn, khôi phục các giá trị truyền thống.

Phương Nhi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu