03:15 ngày 20/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề đúc đồng Diên Khánh: Hơn một thế kỉ vẫn “đỏ lửa”

08:27 19/03/2023

(THPL) - Những ngày tháng 3, chúng tôi có cơ hội ghé thăm làng nghề Diên Khánh để tìm hiểu về nghề đúc đồng. Được những nghệ nhân lớn tuổi hào hứng kể về ký ức của một thời, khi mà cả làng rộn ràng, mải mê làm việc khiến chúng tôi không khỏi ấn tượng trong suốt hành trình khám phá tỉnh Khánh Hòa.

Nằm tại thôn Phú Lộc Tây thuộc thị trấn Diên Khánh, làng nghề đúc đồng này lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói hay ánh lửa bập bùng sáng suốt ngày đêm. Nơi đây, từ lâu đã nổi tiếng là một trong số ít làng nghề được vua Tự Đức ban tặng sắc phong công nhận làng nghề. Qua thời gian miệt mài lao động và sáng tạo của nhiều thế hệ, làng nghề đúc đồng Diên Khánh đã sinh ra vô số nghệ nhân có tay nghề điêu luyện.

Chia sẻ nhiều hơn về câu chuyện nghề, chuyện đời của những người dân trong làng, chúng tôi may mắn được ông Nguyễn Văn Nhường - Giám đốc HTX Đức Phú Lộc cho biết: “Căn cứ vào sổ sách và chiếu theo vua Tự Đức sắc phong thì làng nghề đã tồn tại hơn trăm năm. Nơi đây, chuyên sản xuất các sản phẩm bằng đồng dùng để thờ cúng như: Lư hương, chân đèn, lục bình, đài đựng nước...”

Làng nghề đúc đồng Diên Khánh lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói hay ánh lửa bập bùng sáng suốt ngày đêm (Ảnh: Nhatrangtoday)
Nghệ nhân Nguyễn Thị Cạn kể cho chúng tôi nghe về quá trình làm ra một sản phẩm đúc đồng hoàn chỉnh.

Theo ông Nhường, các sản phẩm ở đây được làm hoàn toàn thủ công bởi bàn tay từ những nghệ nhân sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất này. Những nghệ nhân ấy đã dùng khối óc, bàn tay tinh hoa, sự sáng tạo của mình để cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý… nên được khách hàng gần xa biết đến.

Vì khách ưng chất lượng sản phẩm tốt nên có thời điểm, làng nghề “cháy hàng”, không đủ để giao bán. Nhờ có nghề này mà làng nghề đúc đồng Diên Khánh trở thành điểm sáng so với nhiều làng nghề khác tại địa phương và giải quyết được vấn đề miếng cơm, manh áo cho người dân lúc đó.

Cũng theo Giám đốc HTX Đức Phú Lộc, thời điểm bấy giờ, rất nhiều gia đình cất được nhà mới, nuôi được con ăn học thành tài bằng chính tay nghề giỏi của những người thợ lành nghề. Thợ lành nghề đúc đồng Diên Khánh đi đến đâu cũng được trọng vọng.

Trải qua bao thăng trầm, đến năm 2016, làng nghề đúc đồng Diên Khánh được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh. Hiện nay, có 40 hộ dân với 100 lao động vẫn đang gắn bó với nghề.

Thế nhưng, trong câu chuyện vang bóng một thời ấy, giờ đây chỉ còn một tấm biển được treo trên con đường nhỏ đi vào làng. Tấm biển ấy đã bị phai mờ theo năm tháng, nằm chìm khuất giữa những tán cây.

Khi chúng tôi hỏi về những nghệ nhân khác có thâm niên trong nghề, ông Nhường liền giới thiệu nghệ nhân Nguyễn Thị Cạn (sinh năm 1966) và nghệ nhân Biện Cư (sinh năm 1950), cách nhà ông Nhường không xa. Trong buổi chiều hôm đó, chúng tôi được biết nhiều hơn về quá trình làm ra một sản phẩm đúc đồng hoàn chỉnh.

Hóa ra, đặc trưng của nghề đúc đồng thủ công ở Diên Khánh là cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo của người thợ. Để cho ra một sản phẩm bằng đồng hoàn chỉnh, phải trải qua ít nhất 6 công đoạn. Mỗi công đoạn cần nhiều người thợ lành nghề khác nhau thực hiện và tất cả các công đoạn được đòi hỏi sự phối hợp ăn ý từ khi nung cho đến đúc đồng và khi gia công hoàn thành ra sản phẩm.

Chi tiết về quá trình đúc đồng, nghệ nhân Biện Cư (sinh năm 1950) cho hay, để có một sản phẩm tinh xảo, người thợ đúc đồng phải thực hiện nhiều công đoạn như làm khuôn đúc, nung khuôn, nấu đồng và rót đồng vào khuôn, gia công hoàn chỉnh một sản phẩm. Trong đó, công đoạn làm khuôn rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng và độ tinh xảo của sản phẩm.

Khuôn đúc đồng được làm bằng đất sét dẻo trộn chung với một số nguyên liệu để đảm bảo độ liên kết. Người thợ sẽ tạo các họa tiết trên khuôn. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo của nghệ nhân để tạo ra bề mặt khuôn phải mịn, không tì vết.

Khuôn sau đó được đưa vào lò nung. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải luôn kiểm soát được ngọn lửa đều để khuôn không bị "sống" hoặc quá lửa. Sau khi làm khuôn, thợ bắt đầu nổi lửa nấu đồng. Đồng phôi được đổ vào lò nung ở nhiệt độ hơn 1.000 độ C từ 10 đến 12 giờ. Thợ nấu phải đổ thêm đồng vào lò nấu đồng thời vớt bỏ những tạp chất trong đồng để có được mẻ đồng nguyên chất.

Sau khi nấu, đồng sẽ được rót vào các khuôn để tạo sản phẩm. Người thợ phải rót liên tục không ngừng tay để sản phẩm không bị những vết chắp nối. Mặc dù làm việc ở môi trường có nhiệt độ cao nhưng người thợ luôn phải cẩn thận, tỉ mỉ từng động tác. Đồng sau khi đúc sẽ được gia công cắt gọt, tiện, làm gai…

“Chính vì trải qua nhiều công đoạn, mà giá của các sản phẩm đúc đồng cũng khác nhau. Bộ chân đèn loại lớn giá 4,5 triệu đồng, loại trung 3,5 triệu đồng và loại nhỏ 2,5 triệu đồng. Một số khách hàng đặt thêm bình hoa, chân hạc, các mặt hàng trang trí khác cũng được đáp ứng”, ông Cư cho biết.

Các nghệ nhân ở làng nghề đúc đồng Diên Khánh vẫn hằng ngày gắn bó, duy trì với nghề để giữ gìn và phát triển làng nghề có hàng trăm tuổi (Ảnh: Nhatrangtoday)

Cũng theo ông Cư trước đây làng nghề vốn hoạt động theo quy mô nhỏ, các sản phẩm được gia công và sản xuất theo từng hộ gia đình. Rồi, những năm gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khí hậu biến đổi thất thường, nên các sản phẩm gia công tiêu thụ chậm. Bên cạnh đó, giá đồng và các nguyên vật liệu tăng mạnh khiến người làm nghề khó khăn.

“Công việc đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ là thế, nhưng đứng trước những tác động của cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa khiến nghề đúc đồng đang trong tình trạng mất nghề truyền thống. Thêm nữa, thu nhập không còn ổn định như thời gian trước, nên những lao động trẻ trong làng không còn ai có tư duy muốn theo nghề của tổ tiên”, ông Cư trăn trở.

Thông tin từ một số nghệ nhân lớn tuổi, trong làng những người biết nghề thuần thục nhất là những người có thể tự thao tác, thực hiện được tất cả các công đoạn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, tất cả họ đều đã hơn 60 tuổi. 

Hiện nay, sản phẩm của Diên Khánh được tiêu thụ mạnh bởi đời sống của người dân đã được nâng cao, việc sắm một bộ đồ thờ bằng đồng không còn vượt quá khả năng kinh tế của gia đình. Bên cạnh đó, sáng tạo của các nghệ nhân, đã biến món đồ tưởng chừng không có gì cầu kỳ thành một thứ trang trí mỹ thuật trong nhà.

Đứng trước nguy cơ bị mai một từng ngày, nhưng các nghệ nhân ở làng nghề đúc đồng Diên Khánh vẫn gắn bó, duy trì với nghề để giữ gìn và phát huy làng nghề hàng trăm tuổi.

Quang Linh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu