21:15 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề đan lát Ba Đông, Phú Thọ: Còn mây tre thì còn nghề!

Thảo Nguyên | 18:15 21/09/2020

(THPL) - Đến với mảnh đất Thanh Thủy – Phú Thọ, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến sự thay da đổi thịt từng ngày của vùng đất đầy tiềm năng này. Bên cạnh đó, nhiều giá trị văn hóa tại các làng nghề truyền thống vẫn được người dân nơi đây lưu giữ và phát triển, trong đó có nghề đan lát Ba Đông, Hoàng Xá.

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng: Không biết nghề đan lát thôn Ba Đông có từ bao giờ, chỉ biết từ xa xưa, làng Ba Đông sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và đánh bắt thủy sản. Điều kiện tự nhiên của thôn là vùng chiêm trũng, đến mùa nước ngập, cá tôm trong các cánh đồng nhiều, bà con đã mày mò học được nghề đan lát như lờ đánh cá, rậm đánh cá, đan lưới và giăng lưới để đánh bắt cá.

Và có lẽ, cũng từ những vật vô tri vô giác của tự nhiên có sẵn trong vùng như cây tre, cây giang, cây nứa… bà con đã "thổi hồn" vào để thành những dụng cụ thủ công giúp cho việc đánh bắt thủy sản ngày được thuận lợi hơn. Cứ từ đời này qua đời khác truyền nghề cho nhau và lan rộng trong khắp thôn, xã.

Hỏi thăm các nghệ nhân đan lát lâu năm trong làng, chúng tôi được biết: Nghề đan luôn đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỷ mỉ từ công đoạn chọn nguyên vật liệu cho đến hoàn thiện sản phẩm.

Nghề đan luôn đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỷ mỉ từ công đoạn chọn nguyên vật liệu cho đến hoàn thiện sản phẩm.
Nghề đan lát đã giúp toàn thôn giải quyết việc làm cho trên 100 lao động địa phương với thu nhập ổn định 

Tre, nứa dùng để pha nan, làm cật phải là thân cây thẳng, không già quá, cũng không non quá mới có độ dẻo dai, sản phẩm làm ra mới bền và đẹp. Để sợi nan dẻo dai hơn, sau khi pha nan, nan tre được ngâm qua nước, đem phơi khô. Sau cùng là công đoạn đan và hoàn thiện để tạo ra thành phẩm là những chiếc rổ, rá, hay các loại ngư cụ như chúm tôm, lờ cá… 

Đặc biệt, kể từ khi Nhà nước xây dựng thủy điện Hòa Bình thì nghề đan chúm của làng Ba Đông ngày càng phát triển mạnh. Sản phẩm làm ra không chỉ được tiêu thụ trong huyện mà còn phục vụ cho người dân đánh bắt tôm ở thượng nguồn sông Đà như: Hòa Bình, Sơn La. Nghề đan chúm mang lại thu nhập không nhỏ cho mỗi gia đình. 

Hiện thôn Ba Đông còn trên 40 hộ gia đình duy trì nghề truyền thống. Mỗi năm làng nghề sản xuất và bán ra thị trường hàng triệu sản phẩm đan lát các loại, doanh thu bình quân đạt trên 2,6 tỷ đồng. Nghề đan lát đã giúp toàn thôn giải quyết việc làm cho trên 100 lao động địa phương với thu nhập bình quân 2,8 triệu đồng/người/tháng.

Những sản phẩm rổ, rá, hay các loại ngư cụ với đủ màu sắc được tạo ra dưới những đôi bàn tay lành nghề của các nghệ nhân 

Cũng trong câu chuyện với các nghệ nhân làm đan lát truyền thống tại thôn Ba Đông, chúng tôi nhớ lại câu chuyện mà nghệ nhân Phan Văn Đèn (khu 10, Làng Ba Đông, xã Hoàng Xá) chia sẻ: “Vợ chồng tôi đã làm nghề trên 50 năm, trung bình mỗi ngày có thể đan từ 8-10 sản phẩm tùy loại. Với giá trung bình từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng, trừ chi phí nguyên liệu, mỗi ngày cũng thu lãi khoảng 100-150 nghìn đồng. Nghề đan lát vẫn là nghề đem lại thu nhập chính của gia đình tôi trong nhiều năm nay”

Trong căn nhà nhỏ của mình, ông bà vẫn tranh thủ thời gian để chỉ bảo, truyền dạy nghề đan cho cô cháu gái nhỏ. Tận mắt chứng kiến, ông Đèn đưa đôi bàn tay thoăn thoắt, khéo léo lùa những sợi nan vào khung, vừa uốn vừa đan, chẳng mấy chốc chiếc chúm tôm đã thành hình.

Đến với thôn Ba Đông, tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất thủ công đan lát mới thấy hết sự đa dạng trong kiểu dáng và mẫu mã. Những sản phẩm rổ, rá, hay các loại ngư cụ với đủ màu sắc được tạo ra dưới những đôi bàn tay lành nghề của các nghệ nhân trong làng khiến chúng tôi không khỏi thích thú và tò mò. Những sản phẩm này không chỉ làm vật dụng trong gia đình, mộc mạc đậm chất làng quê mà còn mang nét tự nhiên hết sức quyến rũ, có giá trị sử dụng và yếu tố thẩm mỹ.

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu