04:13 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề bánh đa nem Trung Hà “đỏ lửa” phục vụ dịp Tết Nguyên đán

Mạnh Hùng | 09:10 17/01/2024

(THPL) - Những ngày này, hơn 500 hộ gia đình ở làng nghề bánh đa nem thôn Trung Hà (xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội) như chạy đua với thời gian, đỏ lửa ngày đêm làm bánh cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024.

Khác với mọi năm, bánh đa nem thôn Trung Hà đã thay da đổi thịt, thoát khỏi tình trạng “lõi mình vỏ người” bằng việc tạo thương hiệu và chất lượng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây cũng là mong mỏi của rất nhiều hộ dân tại thôn Trung Hà suốt nhiều năm qua, nay đã được yên lòng. 

Làng nghề bánh đa nem thôn Trung Hà được công nhận theo quyết định số 88/86/25/12/2017 của UBND TP Hà Nội, mãi cho đến năm 2022, Hợp tác xã (HTX) bánh đa nem thôn Trung Hà mới được ra đời, ông Lê Ngọc Thanh được tin tưởng và trở thành Giám đốc của HTX. 

Công đoạn đưa bánh vào lò nướng tại làng nghề bánh đa nem thôn Trung Hà
Các hộ gia đình đều đỏ lửa ngày đêm để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. 

Anh Phan Văn Ba, hộ gia đình thành viên của HTX chia sẻ: “Từ ngày sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và có bao bì, thương hiệu riêng, lượng bánh đa nem được sản xuất trong 1 ngày luôn trong tình trạng cháy hàng, lượng tiêu thụ tăng gấp đôi từ 250-300kg, có những đơn đặt hàng phải hẹn khách trả muộn vì không thể sản xuất kịp”. 

Tuy nhiên, điều anh Ba cũng như nhiều hộ gia đình khác tại thôn Trung Hà lo lắng là giá gạo vẫn liên tục tăng, còn giá bánh thì không đổi, duy trì ở mức ổn định. Theo đó, gạo Đài thơm 8 bán ở mức 14.050 - 14.150 đồng/kg; gạo ST 24 dao động quanh mốc 18.000 – 18.300 đồng/kg, ST 21 ở mức 17.300 - 17.500 đồng/kg…mà giá bánh được bán với mức 9.800 - 10.000 đồng/chục bánh. 

Theo anh Ba, những hộ gia đình chưa có điều kiện áp dụng chuyển đổi máy sấy vào công đoạn phơi bánh thì đều phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu gặp trời mưa, bánh sẽ bị mốc còn nắng to hoặc quá hanh khô, bánh lại dễ nứt vỡ.

Tiếp nối truyền thống của gia đình, anh Đào Đức Tuấn trở thành đời thứ 4 làm bánh đa nem ở thôn Trung Hà. Thay vì sản xuất thủ công bằng tay, anh Tuấn mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hoàn toàn bằng máy móc, từ khâu đánh bột, nướng bánh đến thành phẩm…

Phơi bánh thủ công tại làng nghề Trung Hà 
Bánh đa nem Trung Hà được đóng gói cung ứng cho thị trường tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán. 
Ông Lê Ngọc Thanh, Giám đốc HTX bánh đa nem Trung Hà.

“Nếu như trước kia tôi phải thuê 10 nhân công thì bây giờ chỉ cần 3-4 người, ngày cao điểm thì 5 người. Chi phí sản xuất bỏ ra ban đầu sẽ rất lớn nhưng bù lại sẽ ổn định chi phí sau này, tiết kiệm phần chi phí nhân công mà lại đảm bảo  vệ sinh an toàn thực phẩm, số lượng làm ra còn tăng cao”, anh Tuấn nói. 

Ông Lê Ngọc Thanh, Giám đốc HTX bánh đa nem Trung Hà cho biết, muốn xóa sổ tình trạng “lõi mình vỏ người” của làng nghề bánh đa nem Trung Hà cấp thiết phải thành lập hợp tác xã. Nhờ đó mà ông đã cùng các hộ làm nghề nỗ lực để bánh đa nem Trung Hà có hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã QR gắn thương hiệu chuyên nghiệp, đạt chuẩn OCOP 3 sao. 

Với 12 thành viên ban đầu, đến nay, HTX bánh đa nem Trung Hà đã phát triển thành 300 thành viên/500 hộ gia đình của toàn thôn. Khi tham gia HTX, các hộ sản xuất đều phải tuân thủ quy trình từ khâu sản xuất trong nhà xưởng, chế biến, thành phẩm.

Ông Thanh cho biết thêm: Tháng 8/2023 vừa qua, sản phẩm bánh đa nem Trung Hà cũng được công nhận đạt tiêu chuẩn HACCP - TCVN 5603:2023 là một cơ sở thích hợp làm chuẩn để doanh nghiệp áp dụng vào thực tế sản xuất kinh doanh, nhằm đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Việc này đã góp phần tạo tiền đề cho thương hiệu bánh đa nem Trung Hà tiến sâu vào các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, hướng tới được ưu đãi giá gạo nhằm ổn định sản xuất. 

Mạnh Hùng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu