10:12 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu: Ngôi làng quanh năm đỏ lửa

08:37 27/05/2022

(THPL) - Mảnh đất Thái Nguyên không chỉ nổi tiếng với đặc sản chè Tân Cương thơm ngon, mà còn có một sản vật khác cũng nức tiếng không kém đó chính là bánh chưng Bờ Đậu (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên). Theo thời gian, bánh chưng Bờ Đậu đã và đang khẳng định thương hiệu và trở thành một trong năm làng bánh chưng nổi tiếng nhất miền Bắc.

Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 10km, làng nghề bánh chưng Bờ Đậu nằm trên trục đường chính trên tuyến du lịch ATK Định Hóa, Bắc Kạn, Cao Bằng nên làng nghề bánh chưng Bờ Đậu là điểm dừng chân quen thuộc của du khách gần xa.

Theo lời kể của những người dân địa phương: Tổ nghề của món bánh chưng nơi đây là cụ bà Nguyễn Thị Xuân. Cụ Xuân hay còn gọi là cụ Đấng là người của xã Cổ Lũng.

Từ những năm 1960, cụ Đấng sinh sống bằng nghề làm bánh chưng ở xóm Bờ Đậu. Nhờ tay nghề điêu luyện, những chiếc bánh chưng của cụ Đấng rất ngon khiến khách hàng ăn một lần là nhớ mãi. Tiếng thơm đồn xa, ngày càng có nhiều người nghe truyền tai nhau tìm đến để mua, thương hiệu bánh chưng Bờ Đậu cứ thế lan xa.

Đến khi tuổi cao, cụ Đấng truyền lại nghề cho con cháu. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ bánh chưng Bờ Đậu khá cao, người dân trong làng cũng bắt đầu gói, bánh chưng bán cho khách thập phương. Nghề làm bánh chưng Bờ Đậu được nhân rộng khắp vùng.

Theo thời gian, bánh chưng Bờ Đậu đã và đang khẳng định thương hiệu và trở thành một trong năm làng bánh chưng nổi tiếng nhất miền Bắc.
Những chiếc bánh chưng Bờ Đậu được gói lên không chỉ bằng gạo nếp, đỗ xanh, lá dong mà còn được bao bọc bởi tình cảm, nềm say mê của người dân nơi đây hòa cùng hương vị đất trời riêng của vùng đất này.

Cũng theo chia sẻ của các nghệ nhân trong làng: Nguyên liệu làm bánh Bờ Đậu là gạo nếp vải ở xã Ôn Lương, huyện Phú Lương hoặc từ Định Hóa, là những nơi thổ nhưỡng rất phù hợp với cây lúa nếp. Gạo không ngâm lâu mà chỉ cần vo và gói luôn.

Đỗ phải chọn loại vàng tươi, đãi sạch vỏ, nấu chín rồi đánh nhuyễn. Thịt lợn ba chỉ cũng lấy tại địa phương, chỉ chọn loại tươi ngon. Thịt được rửa sạch dưới vòi nước lạnh, trần se đều rồi thái thành miếng. Mỗi chiếc bánh chứa khoảng hơn 1 lạng thịt, xen lẫn mỡ, nạc để bánh ngon và dễ ăn. Nguyên liệu thịt, gạo, đỗ đều được tính toán bằng cân để có tỉ lệ hợp lý.

Lá dong để gói bánh cũng được lựa chọn kỹ càng từ Bắc Kạn, lá bánh tẻ thì để gói gạo, lá xanh đẹp thì gói bên ngoài để có hình thức bắt mắt hơn, chiếc bánh có hình, có cạnh. Bánh chưng Bờ Đậu dùng lạt giang; lạt nhựa bị cấm sử dụng vì không đảm bảo vệ sinh. Sau khi gói, bánh được luộc trong nồi từ 10 – 11 tiếng. Nước luộc bánh được lấy ở nguồn tự nhiên chảy từ núi Sơn Cẩm, để khi ra lò bánh có màu xanh đẹp mắt.

Nguyên liệu, quy trình chặt chẽ là vậy, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Điểm độc đáo nhất của bánh chưng Bờ Đậu là kỹ thuật gói bánh hoàn toàn bằng tay, thay vì dùng khuôn như nhiều nơi khác. Việc dùng tay gói bánh sẽ giúp chiếc bánh “chặt” hơn, để sau khi luộc sẽ được "rền bánh", hạt gạo chín đều cả nhân. Chiếc bánh chưng không bị rời, nhão nên vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng.

Ngoài ra, việc duy trì kỹ thuật gói tay cũng là cách người dân lưu giữ truyền thống từ xa xưa. Mỗi chiếc bánh được gói cẩn thận bằng tay cũng thể hiện thành ý của người làm bánh. Vì bánh chưng mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt trong mâm cỗ Tết hay ngày lễ nên người nông dân đã mang những nguyên liệu dân dã nhưng ngon, sạch nhất để dâng cúng tổ tiên.

Trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, làng nghề làm bánh bánh chưng Bờ Đậu có gần 100 hộ dân quanh năm làm bánh bán cho du khách. Trung bình mỗi hộ sản xuất được hơn 200 cái/ngày với giá dao động từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/cái. Vào vụ Tết, giá bánh có thể tăng cao hơn vì chi phí nguyên liệu hay nhân công đều tăng, nhất là giá thịt lợn vào dịp Tết thường biến động mạnh.

Có dịp về thăm làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, không khó để chúng tôi bắt gặp hình ảnh người già, người trẻ hối hả rửa lá, vo gạo, gói bánh. Khi trời về chiều cũng là lúc mọi công đoạn gói bánh hoàn tất, bánh được xếp vào những nồi to đặt lên bếp. Ngoài những chiếc bánh chưng truyền thống, người dân làng nghề Bờ Đậu còn sản xuất thêm bánh chưng lá giềng, bánh chưng gấc, bánh chưng nếp cẩm... tạo nên sự phong phú, mới mẻ cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Những chiếc bánh chưng Bờ Đậu được gói lên không chỉ bằng gạo nếp, đỗ xanh, lá dong mà còn được bao bọc bởi tình cảm, nềm say mê của người dân nơi đây hòa cùng hương vị đất trời riêng của vùng đất này. Bánh chưng Bờ Đậu không chỉ là niềm tự hào, là nỗi nhớ thương của những người con Thái Nguyên khi xa quê, mà còn là nỗi nhớ của biết bao thế hệ khi rời xa mảnh đất này, là một hương vị khó quên đối với mỗi du khách khi đặt chân đến với “Thủ đô gió ngàn”.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu