11:11 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Làng bánh chưng Tranh Khúc hối hả rộn ràng vào vụ Tết

| 15:56 11/01/2017

(THPL) – Mỗi dịp Tết đến, làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội lại tất bật với nghề làm bánh chưng truyền thống của mình. Không biết nghề có từ bao giờ, nhưng hiện nay bánh chưng Tranh Khúc đã vươn xa ra cả thị trường quốc tế.

Người dân làng Tranh Khúc đang tất bật làm bánh chưng vào mỗi dịp Tết đến

Không biết làng nghề có từ bao giờ

Nổi tiếng với nghề làm bánh chưng truyền thống, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, cả làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội lại rộn ràng tất bật với những đơn đặt hàng của mình. Nhà nhà đều tràn ngập sắc xanh của lá dong, mùi thơm của đậu xanh, thịt lợn. Nghề truyền thống làm bánh chưng tại đây đã có từ rất lâu đời. Ông Nguyễn Văn Bảy, năm nay cũng đã ở độ tuổi "thất thập cổ lai hy", cho biết: “Không rõ nghề gói bánh chưng có từ bao giờ, chỉ biết từ đời cụ, đời ông, đời bố đã làm, rồi đến đời tôi cũng làm, con tôi, cháu tôi cũng sinh sống bằng nghề này”.

Hàng năm, mỗi gia đình tại làng cung cấp hàng chục nghìn chiếc bánh chưng ra thị trường. Riêng dịp giáp Tết, mỗi ngày một hộ dân nơi đây sản xuất cả nghìn cái bánh chưng. Trao đổi với PV, Trưởng thôn Tranh Khúc - bà Lý Thị Thiệp cho biết, làng Tranh Khúc có 281 hộ thì hơn 100 hộ làm nghề và sống bằng nghề truyền thống gói bánh chưng. Thời điểm rộn ràng nhất thường bắt đầu từ mùng 10 tháng Chạp cho đến 30 Tết. Vào những dịp này, các đơn hàng dồn dập đến, nhân lực trong làng không đủ nên phải thuê thêm nhân công thời vụ. Mỗi nhà sẽ thuê khoảng 4 - 5 người để phụ làm bánh. Những công nhân này chủ yếu làm những công việc đơn giản như rửa lá dong, phụ gói bánh... còn những công đoạn chính thì phải chính tay những người trong làng thực hiện. Bởi chỉ họ mới biết được cách để làm ra được 1 chiếc bánh chưng ngon và mang đậm thương hiệu làng Tranh Khúc.

Yếu tố đảm bảo vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu

Lá dong rừng được vận chuyển về với bà con làng Tranh Khúc

Để làm ra được 1 chiếc bánh chưng ngon, người làng Tranh Khúc làm theo những công đoạn truyền thống cực kỳ tỉ mỉ, cẩn thận. Từ chọn lá dong, rửa sạch, để ráo nước, rồi đến khâu chọn thịt, đồ - nắm đậu, rồi đến vo gạo, gói bánh và luộc. Chất lượng phải luôn được đảm bảo hàng đầu, từ khâu chọn lá, chọn gạo rồi đến chọn đỗ. Gạo đều được đặt từ Hải Hậu, Nam Định đã xát trắng. Đỗ xanh phải to đều và thơm, được mua từ Hưng Yên, Hà Nam. Gạo được vo sạch ráo nước, đỗ được xay vỏ sau đó cho vào nồi đồ cho chín bở đỗ. Lá thì phải là lá dong nếp rừng xanh, rửa bằng nước sạch để khô ráo rồi tước cuống đi.. Những chiếc lá không đủ to, héo, rách đều bị loại, chỉ giữ lại những chiếc lá đều, xanh, lành lặn. Với thịt để làm nhân, bà con phải tìm mua tại những cơ sở uy tín, có kiểm định về vệ sinh an toàn thực phẩm, có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng. “Chúng tôi làm nghề truyền thống, sống và tồn tại bằng nghề nên dù có thế nào cũng không thể để khách hàng có bất kỳ phàn nàn gì” – Anh Nguyễn Tuấn Hải, con ông Nguyễn Văn Bảy ở làng Tranh Khúc chia sẻ với PV.

Lá rong được lựa chọn và rửa kỹ càng

Khi PV hỏi vì sao bánh chưng Tranh Khúc lại nổi tiếng như vậy? Phải chăng làng có bí quyết gì? Anh Hải cười và chỉ tay về hướng ông Bảy: "Có khi bố tôi cũng không biết rõ vì sao, nhưng có lẽ một phần nào đó là do chúng tôi đã gắn bó với nghề từ nhiều đời nay, lớn lên nhờ bánh chưng, tồn tại nhờ bánh chưng, thế nên mỗi khi làm bánh, chúng tôi chỉ tâm niệm 1 điều rằng phải làm sao làm ra được những chiếc bánh ngon và đảm bảo nhất".

Đỗ xanh nấu bánh chưng phải là đỗ mới, bở, vàng, đẹp, được nấu chín và nghiền nhuyễn

Hàng ngày, mỗi gia đình có thể làm đến vài nghìn chiếc bánh. Khác với nhiều nơi, người dân ở đây không gói bánh bằng khuôn mà chỉ gói bằng tay. Họ đã quá quen với công việc gói bánh. Ông Bảy giải thích rằng, nếu bây giờ cho chúng tôi gói bánh bằng khuôn chúng tôi sẽ không thể gói được, vì nó chậm, không được chắc và được đẹp như gói bằng tay. Trước đây, mỗi khi luộc bánh, người làng Tranh Khúc dùng những chiếc nồi nhôm, nồi đồng 50 lít, mỗi lần luộc sẽ được khoảng 20-30 chiếc bánh, nhưng bây giờ với số lượng hàng nghìn chiếc mỗi ngày họ đã “nâng cấp” bằng nồi hơi, nồi điện. Mỗi nồi có thể luộc đến cả nghìn chiếc bánh. Điều đó không những tăng số lượng bánh được luộc, mà còn bảo vệ môi trường. Trước đây, người dân phải luộc bằng củi, bằng than nên thường có khói, mùi than gây ô nhiễm bầu không khí trong làng.

Người làng Tranh Khúc gói bánh không dùng khuôn vì bánh sẽ không được chặt và mất thời gian hơn

Thương hiệu bánh trưng Tranh Khúc vươn ra thị trường quốc tế

Hiện nay bánh chưng Tranh Khúc có mặt khắp mọi nơi trên cả nước. Riêng tại thị trường Hà Nội, bánh chưng Tranh Khúc chiếm đến 70% thị phần. Không chỉ cung cấp trong nước, hiện nay bánh chưng Tranh Khúc đã được xuất khẩu, phục vụ cho bà con kiều bào đón Tết, cũng như quảng bá văn hóa ẩm thực của nước nhà đến với thị trường quốc tế.

Gói bánh sẽ được chia làm 2 công đoạn: Một người sẽ gói và 1 người sẽ buộc lạt

Hiện nay, thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc ngày càng nổi tiếng, đã góp phần ổn định kinh tế cho người dân cũng như giúp họ yên tâm gắn bó với nghề. Số lượng đặt hàng ngày càng nhiều. Vào dịp giáp Tết, những người mua buôn quen thuộc cũng như những khách hàng mới sẽ liên hệ để đặt hàng làm những chiếc bánh theo yêu cầu. Thông thường, giá mỗi chiếc bánh chưng sẽ dao động từ 35 đến 80 nghìn đồng.

Mỗi nhà có 2-3 nồi hơi, nồi điện để luộc bánh, với số lượng 1.000 chiếc mỗi nồi

Anh Hải cho biết: “Tùy theo ý muốn của khách hàng, chúng tôi sẽ làm theo đơn đặt hàng, có thế giá mỗi chiếc bánh chỉ khoảng 30 nghìn, thế nhưng có những người muốn đặt những chiếc bánh cả trăm nghìn chúng tôi đều làm theo ý muốn. Với mỗi giá tiền khác nhau, chất lượng mỗi chiếc bánh cũng sẽ khác nhau. Thế nhưng chúng tôi không bao giờ nhận sản xuất những chiếc bánh không đủ tiêu chuẩn cơ bản”.

Bánh sẽ được xếp chặt trong nồi, tránh trường hợp bánh bị phồng trong khi luộc, điều đó sẽ giúp bánh giữ nguyên được khuôn mẫu ban đầu

Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai không xa. Bởi theo ông Nguyễn Đăng Ngữ, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Khúc (gồm làng Tranh Khúc và Văn Yên): "Hiện nay, Tranh Khúc đã được UBND thành phố Hà Nội cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống làm bánh chưng, bánh chưng Tranh Khúc cũng đã có logo, mã số, mã vạch, bao bì đã được đăng ký bản quyền. Chính quyền địa phương đang định hướng kết hợp tuyến du lịch sông Hồng với làng nghề nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc".

Hoàng Đạt

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu