10:37 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Không tăng học phí để chia sẻ khó khăn với người học

PV | 11:37 20/08/2023

(THPL) -Đại diện Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, nhằm chia sẻ khó khăn với người học nên nhà trường không tăng học phí. Mức học phí 11,7 triệu đồng/năm học được trường duy trì suốt 4 năm qua. Nhiều giải pháp để đầu tư, tăng thu nhập cho cán bộ và giảng viên đã được nhà trường thực hiện.

Trường đã có những giải pháp kịp thời trong công tác quản trị, kiện toàn, gia tăng tính hiệu quả hoạt động để vừa tăng thu nhập cho giảng viên vừa đầu tư cơ sở vật chất nâng cao điều kiện giảng dạy trong điều kiện tự chủ và không tăng học phí.

Khi trường quyết định không tăng học phí, cán bộ giảng viên dao động. Trường phải họp khẩn toàn bộ viên chức và người lao động và cam kết sẽ tăng thu nhập. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế thu nhập của cán bộ, giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã được tăng dù không nhiều.

Trường Đại học Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh (UTH) và Tập đoàn Đèo Cả (Đèo Cả) đã có buổi làm việc để cụ thể hóa hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giữa hai bên.

Giải thích lý do vì sao trường không tăng học phí, ông Nguyễn Xuân Phương, hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM chia sẻ: “Trong những năm qua, trường thực sự rất khó khăn trong việc xác định không tăng học phí. Bên cạnh chỉ đạo từ Chính phủ, chúng tôi cũng nhận thấy đó cũng là một phần trách nhiệm của trường với xã hội: đồng hành và chia sẻ khó khăn với người học. 

Trường chúng tôi đào tạo các ngành khá đặc thù. Sinh viên chủ yếu đến từ các vùng quê, nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Trường khó khăn nhưng tìm cách thích ứng dần. Tăng học phí có thể làm tăng lạm phát, quyền tiếp cận đại học của sinh viên nghèo bị ảnh hưởng.

Việc trường không tăng học phí cũng xem như là trách nhiệm với cộng đồng, tạo điều kiện cho thí sinh khó khăn có thể tiếp cận đại học một cách bình đẳng. Sau khi tốt nghiệp, trong số đó sẽ có bạn quay về quê, góp phần cải thiện hạ tầng, phát triển kinh tế địa phương. Như vậy sẽ có thêm nhiều học sinh tiếp tục được học đại học.

Để tăng thu nhập cho giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất nhà trường đã phải co kéo, tiết kiệm để có thể có thêm thu nhập cho người lao động. Quản trị đại học tinh gọn hơn theo hướng kiện toàn bộ máy, chuyển đổi số giúp tiết giảm họp hành, giảm bớt giấy tờ và lao động gián tiếp, tiết kiệm thời gian và chi phí trong vận hành. 

“Ngoài ra, việc kết hợp đào tạo với doanh nghiệp giúp trường giảm chi phí chi trả cho giảng viên. Giảng viên ngoài lương cơ bản sẽ có thu nhập vượt giờ. Trường cố gắng để trả 130.000 đồng/tiết. Mức chi trả vượt giờ này gần bằng các trường tư thục và giúp thu nhập giảng viên tăng lên. Các đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cũng là một nguồn thu của trường tuy chưa đáng kể.

Khó khăn nhất là đầu tư cơ sở vật chất. Trường thực sự không có tiền để đầu tư phòng thí nghiệm, thực hành mới. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ và cho cơ chế để trường kêu gọi doanh nghiệp thuộc bộ hợp tác. Trước đây việc hợp tác thường dưới hình thức doanh nghiệp trao học bổng, nhưng nay trường kêu gọi doanh nghiệp tham gia đào tạo”, ông Nguyễn Xuân Phương nói. 

Bên cạnh đó, trường tiến tới thành lập Viện nghiên cứu - đào tạo Đèo Cả chuyên đào tạo nhân lực cho tập đoàn này. Doanh nghiệp sẽ cung cấp thiết bị, công nghệ, đầu tư phòng thí nghiệm, nhân sự tham gia giảng dạy. Trong đó có thiết bị lần đầu được đầu tư tại Việt Nam. Một doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã quyết định đầu tư phòng thí nghiệm về trạm sạc cho xe điện tại trường.

PV

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu