14:12 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hội thảo khoa học “Truyền thống văn hóa, khoa bảng dòng họ Trần Điền Trì ở Hải Dương

Ngân An | 06:34 14/06/2019

(THPL) - Buổi hội thảo đã diễn ra vào chiều ngày 13/6 tại Tiền đường Nhà Thái học - Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, số 58 phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội.

Nhân kỷ niệm 380 năm ngày sinh của Tiến sĩ Trần Thọ (1639-2019), 335 năm ngày sinh của Tiến sĩ Trần Cảnh (1684-2019), 310 năm ngày sinh của Tiến sĩ Trần Tiến (1709-2019) - các danh nhân khoa bảng của dòng họ Trần Điền Trì, tỉnh Hải Dương, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám  phối hợp với Viện Sử học, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo khoa học “Truyền thống văn hóa, khoa bảng dòng họ Trần Điền Trì xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương” nhằm đánh giá những đóng góp của các danh nhân khoa bảng dòng họ Trần Điền Trì đối với sự nghiệp văn hóa, giáo dục của đất nước.

Phát biểu của Hậu duệ dòng họ Trần Điền Trì.

Trần Thọ (1639-1700) tự Nhuận Phủ, người xã Điền Trì, huyện Chí Linh - nay thuộc thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách. Năm 32 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670) đời Lê Huyền Tông. Gần 30 làm quan, Trần Thọ được chúa Trịnh khen “rất trung cần, mẫn cán”, từng trải qua các chức Giám sát Ngự sử; Lê khoa Cấp sự trung, Phó Đô Ngự sử… Năm Chính Hòa thứ 9 (1688), ông cùng với Trấn thủ Tuyên Hưng Lê Huyến, Đốc đồng Đặng Đức Nhuận đưa thư sang Vân Nam đòi lại đất biên giới của Đại Việt. Năm Chính Hòa thứ 11 (1690), Trần Thọ tham gia đoàn đi sứ nhà Thanh nộp lễ tuế cống. Năm Chính Hòa thứ 14 (1693), ông được thăng làm Phó Đô Ngự sử kiêm Bồi tụng. Năm Chính Hòa thứ 21 (1700), Trần Thọ mất.

Bên cạnh sự nghiệp chính trị, ông còn để lại cho hậu thế một số bài văn bia có tiêu đề Tạo phối thần bi; Sáng tạo đình miếu/Công đức bi; Nhị xã/Tạo lập/Phụng tự/Hậu thần. Ngoài ra, ông còn có 3 bài thơ được chép trong Toàn Việt thi lục. Có thể nói, Trần Thọ là người khai khoa cho dòng họ, tạo bước tiền đề cho con cháu tiếp tục đỗ đạt, làm quan. Với những đóng góp nhất định của ông đối với quê hương, đất nước, ông được sử gia triều Nguyễn đánh giá là một trong những nhân vật tiêu biểu đời Hậu Lê của tỉnh Hải Dương.

Phát biểu của PGS.TS.Nguyễn Đức Nhuệ -Phó Viện trưởng Viện Sử học.

Trần Cảnh (1684-1758) là con của Trần Thọ, húy là Chiêu, tự là Oánh Phủ. Năm 35 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718) đời Lê Dụ Tông. Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Tiến sĩ Trần Cảnh qua các tư liệu lịch sử, gia phả, văn bia, sắc phong, ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ như Giám sát Ngự sử, Phủ doãn phủ Phụng Thiên, Tế tửu Quốc Tử Giám, Tham tụng, Thượng thư. Theo đó, Trần Cảnh từng giữ chức vụ Thượng thư của 4 bộ Công, Binh, Hình, Lễ. Bên cạnh đó, Trần Cảnh từng được triều đình cử đi tiễu trừ giặc cỏ, từng làm Khuyến nông phủ sứ Nam Sách. Đối với giáo dục, ông từng làm Giám thí tại trường Sơn Tây (năm Bảo Thái thứ 7 (1726), trường Tuyên Quang (năm Vĩnh Hựu thứ 1 (1735), trường Nghệ An (năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738), Đề điệu trường Thanh Hoa (năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743). Về trước tác, ông từng viết Minh nông chiêm phả vào năm Quý Hợi (1743), nhuận văn bia Hậu thần bi kí/Hậu thánh bi kí. Ngày 5 tháng 6 năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758), ông mất, thọ 75 tuổi, thụy Trung Nhã, tặng Thiếu bảo, được bầu Hậu ở chùa Dâu (nay thuộc xã Thuận Thành, Bắc Ninh), được thờ ở Văn chỉ Linh Khê (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương ngày nay). Ông được sử gia triều Nguyễn ghi nhận “có nhiều công trạng, được thăng tước Quận công”.

Trần Tiến (1709-1770) là con của Trần Cảnh, cháu của Trần Thọ, người đỗ đại khoa cuối cùng của dòng họ Trần Điền Trì. Tiếp bước thành công của ông và cha mình, Trần Tiến đã đỗ Tiến sĩ khoa khoa Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) đời Lê Hiển Tông khi 40 tuổi. Ông từng làm Giám thí khoa thi Kỷ Sửu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 (1769). Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị độc. Một số trước tác của ông hiện còn đó là văn bia Hiệp bảo Hậu thần bi ký/Lưu truyền phụng tự khoán văn/Tế văn/Tế điền; Hậu thần bi kí/Hậu thánh bi kí, các sách Đăng khoa lục sưu giảngNiên phả lục. Sau khi mất, ông được chúa Trịnh truy tặng chức Công bộ Hữu Thị lang, tước Bá.

Ths. Vũ Đình Tiến-Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương phát biểu tại Hội thảo khoa học

Với 26 bài tham luận của các nhà khoa học gửi tới Hội thảo, tập trung nghiên cứu, đánh giá các nội dung sau:

1. Nam Sách - vùng đất địa linh, nhân kiệt, quê hương của họ Trần Điền Trì.

2. Danh nhân khoa bảng họ Trần Điền Trì.

3. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dòng họ Trần Điền Trì.

TS Lê Xuân Kiêu-Giám đốc Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám khẳng định “Họ Trần ở làng Điền Trì, một dòng họ với ba bậc “kế thế đăng khoa” là cha-con, ông-cháu trong cùng một nhà đã tạo nên truyền thống văn hóa, khoa bảng với nhiều giá trị tốt đẹp. Đây là là trường hợp tiêu biểu của các dòng họ Việt Nam. Nối tiếp dòng mạch truyền thống của cha ông, đi cùng với sự phát triển của đất nước trong thời đại mới, nhiều người con của dòng họ Trần Điền Trì đã kế thừa và phát huy truyền thống của dòng họ, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước”.

Ngân An

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu