06:30 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hoàng loạt vi phạm tại Trường Đại học Trưng Vương: Liệu mùa tuyển sinh năm 2024 có tái phạm?

07:44 12/03/2024

(THPL) - Vi phạm quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, xây dựng và công bố đề án tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, kết quả tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo, bảo đảm điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu,… là những vi phạm của Trường Đại học Trưng Vương vừa được Thanh tra Bộ GD&ĐT chỉ ra trong Kết luận số 03/KL-TTr ngày 25/1/2024. Và, liệu rằng, năm 2024 Trường Đại học Trưng Vương có rút ra bài học kinh nghiệm hay sẽ tái diễn vi phạm và nếu tái phạm thì Bộ GD&ĐT có biện pháp xử lý ra sao?

Mất cân đối trong công tác tuyển sinh

Trường Đại học Trưng Vương (đ/c: thị trấn Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) được thành lập theo Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 18/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Trường được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo 08 ngành trình độ đại học và 02 ngành trình độ thạc sĩ.

Kế hoạch tuyển sinh năm 2024 

Tuy nhiên, bảng thống kê năm 2020, 2021, 2022 cho thấy hiện tượng mất cân đối trong công tác tuyển sinh giữa hệ đại học chính quy và hệ vừa làm vừa học, cụ thể: Năm 2020, Trường không tuyển được sinh viên đại học chính quy cho Khối ngành III, Khối ngành VI; Năm 2021, Trường chỉ tuyển sinh được 7 sinh viên đại học chính quy cho Khối ngành III, 3 chỉ tiêu cho Khối ngành VI; Năm 2022, Trường tuyển được 03 chỉ tiêu hệ chính quy ở nhóm ngành Pháp luật, được 10 chỉ tiêu nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý.

Ngược lại, năm 2020 Khối ngành III, ở hình thức vừa làm vừa học (bao gồm liên thông), Trường tuyển được 747 sinh viên/100 chỉ tiêu thông báo (vượt 647 chỉ tiêu, tương đương 647%); Khối ngành VI, tuyển được 34 sinh viên/30 chỉ tiêu thông báo (vượt 04 chỉ tiêu, tương đương 13,3%); Năm 2021, Khối ngành III, ở hình thức vừa làm vừa học (bao gồm liên thông), Trường tuyển được 237 sinh viên, trong đó đại học liên thông là 108 sinh viên/54 chỉ tiêu theo năng lực (vượt 54 chỉ tiêu, tương đương 100%); Năm 2022, Trường tuyển đại học hệ vừa làm vừa học được 739 sinh viên, số thực học là 699 chỉ tiêu. Trong đó, số thực học ở ngành Sức khỏe hệ vừa làm vừa học được 536 sinh viên/64 chỉ tiêu năng lực (tuyển vượt 472 chỉ tiêu, tương đương vượt 737,5%).

Bảng thống kê kết quả tuyển sinh, quy mô sinh viên tại thời điểm thanh tra

Cùng với đó, bức tranh đào tạo cũng cho thấy, tại thời điểm thanh tra: Ngành Luật kinh tế có 03 sinh viên chính quy, 703 sinh viên hệ vừa làm vừa học, 438 sinh viên hệ liên thông; Ngành Quản trị kinh doanh có 13 sinh viên chính quy, 95 sinh viên hệ vừa làm vừa học, 24 sinh viên hệ liên thông; Ngành kế toán có 06 sinh viên hệ chính quy, 28 sinh viên hệ vừa làm vừa học, 67 sinh viên hệ liên thông; Ngành Điều dưỡng có 08 sinh viên hệ chính quy, 796 sinh viên hệ vừa làm vừa học; Ngành Ngôn ngữ Anh có 03 sinh viên hệ chính quy; Ngành ngôn ngữ Trung có 15 sinh viên hệ chính quy; Còn lại các ngành Quản lý kinh tế, Thương mại điện tử, Tài chính - Ngân hàng không có sinh viên.

Thực tế kiểm tra, phát hiện vi phạm

Ngành Điều dưỡng đang trở thành ngành “hót” của Trường nhưng chương trình đào tạo chưa bảo đảm, chưa có minh chứng về chương trình đào tạo thực hành đối với ngành Điều dưỡng năm 2020, chưa có Hợp đồng chi tiết về đào tạo thực hành các năm 2020, 2021 theo quy định, chưa xây dựng Kế hoạch đào tạo thực hành năm học 2020 - 2021 theo quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP.

Đề án tuyển sinh các năm có vi phạm và năm 2023

Đoàn thanh tra đã kiểm tra xác suất hồ sơ đào tạo Lớp ĐD12208 ngành Điều dưỡng chính quy năm 2022. Kết quả cho thấy, trong 01 năm học có giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm giảng dạy 31 tín chỉ (91%), giảng viên cơ hữu giảng dạy 3 tín chỉ (9%);

Lớp Điều dưỡng vừa học vừa làm C1ĐD220C cũng cho thấy: Giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm giảng dạy 99 tín chỉ (79%), giảng viên cơ hữu chỉ giảng dạy 27 tín chỉ (21%);

Lớp Điều dưỡng ĐĐ12214 (23 sinh viên) hệ vừa làm vừa học năm 2022 có giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm giảng dạy 41 tín chỉ (93%), giảng viên cơ hữu chỉ giảng dạy 3 tín chỉ (7%). Sổ lên lớp không có chữ ký của giảng viên theo quy định.

Còn kết quả kiểm tra lớp Luật kinh tế hệ vừa học vừa làm LK12103, B2LT120A, LK12202 cũng cho thấy: Thiếu chữ ký của giảng viên trong Bảng điểm danh, thiếu chữ ký Phòng đào tạo tại Phiếu điểm thành phần; không có Quyết định công nhận hoàn thành chương trình; có lớp Trường đã công nhận kết quả học chuyển đổi của một số học phần trong chương trình đào tạo Luật kinh tế trước thời điểm có công nhận trúng tuyển.

Kế hoạch thực hiện nghiệm vụ các năm của Trường 

Ngoài ra, kết luận thanh tra cũng cho thấy: Trường Đại học Trưng Vương thực hiện đào tạo lớp A1LT220A và một số lớp khác ngành Luật Kinh tế tại Hà Nội là không đúng quy định tại Thông tư 06/2017/TT- BGDĐT ngày 15/3/2017 của Bộ GDĐT nay là Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT. Trường ghi đối với Lớp LK12109 Luật kinh tế có đơn vị liên kết đào tạo là Trường Trung cấp Trường Sơn (tỉnh Đắk Lak) trên cơ sở Công văn số 5467/BGDĐT-GDĐH ngày 03/12/2019 của Bộ GDĐT về việc cho phép Trường thực hiện liên kết đào tạo. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại Công văn số 5467/BGDĐT-GDĐH cho thấy chỉ giao chỉ tiêu tuyển sinh liên kết đào tạo tại Trường Trung cấp Trường Sơn nằm trong tổng chỉ tiêu năm 2019 theo hình thức vừa làm vừa học của Trường Đại học Trưng Vương đã được xây dựng và xác định theo quy định.

Chưa soạn giáo trình

Ở chương trình đào tạo, tại thời điểm thanh tra, Trường chưa thực hiện biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học theo quy định tại Thông tư số 35/2021/TT-BGDĐT ngày 06/12/2021.

Trong thời kỳ thanh tra, Trường chưa thực hiện phê duyệt, lựa chọn giáo trình/sách theo đúng quy định tại Thông tư số 35/2021/TT-BGDĐT ngày 06/12/202. Trường sử dụng giáo trình/sách của các cơ sở giáo dục khác đã xuất bản và được Trường đưa vào trong đề cương chi tiết môn học cùng chương trình đào tạo.

Để xảy ra vi phạm trên, trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách và các khoa của Trường.

Tại thời điểm thanh tra, đội ngũ giảng viên của ngành Thương mại điện tử đào tạo trình độ Đại học chưa bảo đảm theo quy định tại Thông tư 17/2021/TT-BGDDT; Tỉ lệ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy trong chương trình đào tạo chưa đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 22/2017-BGDĐT, Thông tư 09/2017/TT-BGDĐT nay là Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT.

Để xảy ra những vi phạm trên, trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách và các khoa của Trường.

Hiện nay, Trường Đại học Trưng Vương đang chuẩn bị cho kế hoạch tuyển sinh năm 2024. Nhưng trước hết, Thanh ra Bộ GD&ĐT yêu cầu Trường phải rà soát toàn bộ các quy định nội bộ, kịp thời sửa đổi, bổ sung để phủ hợp với quy định; Thực hiện xác định chỉ tiêu, xây dựng đề án tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh các trình độ của giáo dục đại học đảm bảo đúng quy định; Rà soát tất cả hồ sơ sinh viên, học viên trúng tuyển, nhập học, quá trình tổ chức tuyển sinh, quản lý quản lý đào tạo, quản lý văn bằng, chứng chỉ, các điều kiện bảo đảm chất lượng, kịp thời phát hiện sai phạm (nếu có), xử lý theo quy định pháp luật; Thực hiện xây dựng, chỉnh sửa, ban hành các chương trình đào tạo theo đúng quy định; Thực hiện biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học theo quy định; Thực hiện quản lý đào tạo trình độ đại học theo đúng Quy chế đào tạo trình độ đại học; Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ theo quy định pháp luật; Báo cáo kết quả rà soát về Bộ GD&ĐT sau 30 ngày kể từ ngày Kết luận này được ký ban hành.

Mùa tuyển sinh năm 2024 đang đến gần cũng là một thách thức lớn đối với Trường Đại học Trưng Vương. Nhưng sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc Trường phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật trong tuyển sinh, đào tạo. Và, liệu rằng, năm 2024 Trường Đại học Trưng Vương có rút ra bài học kinh nghiệm từ những vi phạm hay sẽ tái diễn vi phạm? Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc nội dung này!

HUÊ MINH

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu