13:21 ngày 24/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh - xu thế tất yếu của nền kinh tế

11:18 13/09/2022

(THPL) - Hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh là xu thế tất yếu mà doanh nghiệp cần chủ động xây dựng, hướng đến phát triển mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ và chú trọng yếu tố phát triển xanh, bền vững.

Theo báo Đầu tư, đây là xu hướng phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các chuyên gia nhận định, bất động sản công nghiệp đã và đang trải qua 4 lần “lột xác”.

Thứ nhất, mô hình KCN với đất sạch, dịch vụ được cung cấp đến hàng rào là mô hình công nghiệp truyền thống. Thứ hai, mô hình công nghiệp - đô thị, bao gồm các loại hình mô hình nhà xưởng xây sẵn để các chủ đầu tư vào chỉ lắp đặt máy móc và phát triển sản xuất, cùng hệ thống nhà ở cho công nhân, chuyên gia làm việc trong KCN.

Thứ ba, mô hình KCN - đô thị - dịch vụ, gồm KCN hiện đại, chuyên biệt, phát triển theo xu hướng xanh, sạch; hệ thống đô thị quy tụ các sản phẩm bất động sản từ nhà cho công nhân, đến các chung cư cao cấp cho quản lý cấp trung, biệt thự cho chuyên gia…; hệ thống trung tâm thương mại, dịch vụ giải trí và hạ tầng đi kèm (trường học, bệnh viện…).

Thứ tư, mô hình phát triển “hệ sinh thái công nghiệp”, trong đó, công nghiệp tiếp tục là “trái tim” và hệ thống đô thị - dịch vụ sẽ hoàn chỉnh như một “thành phố vệ tinh”, nhưng chú trọng hơn các yếu tố phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… Đây là mô hình đang được nhiều tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới áp dụng, như Khu phức hợp Samsung ở Hàn Quốc, Foxcom ở Đài Loan…

“Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như EVFTA sẽ thúc đẩy nhiều nhà đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam. Tuy nhiên, bất động sản công nghiệp không phải đơn thuần là cho thuê đất hay xây nhà xưởng rồi cho thuê, mà phải hướng tới KCN - đô thị - dịch vụ. Xu hướng hiện nay phải là KCN khép kín, có đầy đủ hạ tầng xã hội như nơi ở, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí…”, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nói.

“Hệ sinh thái công nghiệp” - xu thế tất yếu của nền kinh tế. Ảnh minh hoạ

Đánh giá về công nghiệp, báo Công thương đưa tin, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, công nghiệp hiện trở thành ngành đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước và đóng vai trò quan trọng trong phát triển của nền kinh tế. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cung cấp khoảng 25,8% việc làm cho nền kinh tế và bình quân mỗi năm tạo thêm khoảng 300.000 việc làm. Về cơ cấu đã giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp còn yếu về nội lực, phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. "Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ và cạnh tranh được về công nghệ nguồn trong sản xuất, chưa có sản phẩm công nghiệp thương hiệu Việt Nam có hàm lượng công nghệ và giá trị cao. Do đó, đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu"- ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh và chia sẻ thêm rằng, ngành công nghiệp đang phát triển mất cân đối phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI. Việc các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu cũng khiến sản phẩm công nghiệp thiếu sự cạnh tranh, giá trị gia tăng không cao. Thời gian qua, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất công nghiệp chủ yếu đến từ khu vực các doanh nghiệp FDI chứ không phải các doanh nghiệp nội địa; chưa tận dụng được những lợi thế cạnh tranh của việc kết nối giữa khu vực kinh tế với các địa phương để tạo ra các chuỗi sản xuất công nghiệp.

Chia sẻ về những khó khăn nội tại của doanh nghiệp ngành công nghiệp, ông Đinh Quốc Thái- Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam - cho biết, mặc dù ngành thép đã có sản lượng năm khoảng 30 triệu tấn thành phẩm, nhưng đến 90% cung cấp cho nhu cầu xây dựng, kể cả thép xuất khẩu cũng chủ yếu phục vụ xây dựng.

"Bài toán ở đây không hẳn là vấn đề về năng lực sản xuất thép mà còn ở câu chuyện nhu cầu thép hợp kim, thép chế tạo phục vụ cho hộ tiêu dùng cuối cùng ở các ngành, lĩnh vực kinh tế có số lượng nhỏ (hàng nghìn tấn/năm) và phân chia ra các loại sản phẩm khoảng hàng trăm, hàng triệu khác nhau rất chi tiết, vì thế không tương thích với quy mô lớn của nhà máy thép, nhà máy luyện kim (sản lượng hàng trăm nghìn tấn cho đến hàng triệu tấn/năm)" - ông Thái nêu vấn đề.

Để đẩy mạnh nền công nghiệp mang tính tự chủ, vững mạnh, theo Bộ Công Thương, trọng tâm thời gian tới ngành cần tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại, xây dựng những tập đoàn kinh tế đủ mạnh dẫn dắt các ngành công nghiệp và công nghiệp phụ trợ. "Song song với phát triển công nghiệp nền tảng, cần phát triển các ngành sản xuất nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: Công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, hóa chất và công nghiệp vật liệu…" - ông Phạm Tuấn Anh nói.

Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng những khu, cụm liên kết ngành quy mô lớn để thu hút đầu tư cũng như xây dựng chuỗi sản xuất công nghiệp. Đồng thời, bộ sẽ đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực công nghiệp để khắc phục những hạn chế, yếu kém, hỗ trợ về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh trong tương lai.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu