15:55 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tuần lễ giới thiệu cam, quýt đặc sản sắp diễn ra tại Hà Nội

Hạ Lan (tổng hợp) | 11:12 11/12/2018

(THPL) - Chiều 10/12, Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) họp báo về Hội chợ “Nông đặc sản vùng miền, Tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang, quýt Bắc Kạn năm 2018”.

Với quy mô khoảng 200 gian hàng, Hội chợ “Nông đặc sản vùng miền, Tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang, quýt Bắc Kạn năm 2018” nhằm tôn vinh sản phẩm đặc sản địa phương, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng giai đoạn 2011-2020; đồng thời, tạo cơ hội giao lưu kinh tế, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm, khảo sát nhu cầu thị trường... từ đó giúp các địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm đặc sản địa phương trở thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại và giá trị gia cao.

Tuần lễ giới thiệu cam, quýt đặc sản sẽ diễn ra từ 19-25/12 tại Hà Nội. (Ảnh: Internet)

Hội chợ cũng là dịp giúp các địa phương thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm đặc sản với quy mô lớn, khuyến khích phát triển tiềm năng du lịch văn hóa, ẩm thực và du lịch xanh.

Trong khuôn khổ Hội chợ sẽ diễn ra các hội nghị, hội thảo như: “Giới thiệu sự kiện Tuần lễ cam, quýt và các đặc sản Bắc Kạn”; “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm Cam sành và đặc sản Hà Giang niên vụ 2018-2019”; Lễ trao giải thưởng “VietFarm-Tự hào nông sản Việt 2018”...

Theo ông Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang, Hà Giang có trên 8.700 ha trồng cam sành cho sản lượng khoảng 40.000 tấn mỗi năm. Năm nay, diện tích cam sành không tăng nhưng nhờ vào việc thâm canh tốt nên sản lượng có thể đạt 62.000 tấn.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 3 cơ sở chế biến cam; trong đó Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Dược Bảo Châu có công suất lớn nhất là 10.000 tấn/năm.

Cam sành Hà Giang có đặc điểm thời vụ ngắn, nhanh hỏng, đòi hỏi chế biến nhanh sau thu hoạch. Do đó, Hà Giang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư thu mua, chế biến, bảo quản cam sành. 

Là tỉnh có đường biên giới giáp Trung Quốc dài, thị trường này cũng rất ưa chuộng cam Hà Giang, ông Nguyễn Khắc Quyền cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm có thể xuất khẩu cam Hà Giang sang Trung Quốc. 

Bắc Kạn cũng là tỉnh miền núi có nhiều sản phẩm nông sản đặc sản như cam, quýt, hồng không hạt, miến dong, gạo Bao Thai... Tỉnh có trên 2.800 ha cam, quýt; trong đó diện tích cho thu hoạch 2.100 ha. Với sản lượng khoảng 17.000 tấn mỗi năm, quýt Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, thực hiện đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP” giai đoạn 2018-2020, tỉnh đã đánh giá, xếp loại 45 sản phẩm OCOP.

Tỉnh đã và đang có nhiều hoạt động tích cực giúp cho các sản phẩm nông nghiệp được khẳng định thương hiệu, tìm chỗ đứng trên thị trường như quảng bá sản phẩm, mạnh dạn tiếp cận thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm… 

"Qua Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cam, quýt và sản phẩm OCOP Bắc Kạn tại Hà Nội, Bắc Kạn mong muốn được tiếp cận với người tiêu dùng Hà Nội, đồng thời tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh nông sản của tỉnh gặp gỡ, giao lưu, kết nối tìm đối tác, ký kết giao thương, tiêu thụ sản phẩm", ông Nguyễn Ngọc Cương kỳ vọng. 

Hội chợ “Nông đặc sản vùng miền, Tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang, quýt Bắc Kạn năm 2018” sẽ diễn ra từ ngày 19/12 đến 25/12 tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.

Hạ Lan (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu