03:20 ngày 17/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Về thăm làng nghề Thụy Ứng với thương hiệu lược sừng độc đáo

14:32 21/03/2023

(THPL) - Có một ngôi làng mà ở đó con trâu, con bò còn hơn cả "đầu cơ nghiệp". Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, những con vật này không chỉ kéo cày, lấy thịt... mà tất cả những thứ tưởng chừng bỏ đi như sừng, móng, xương... khi qua bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề đều trở thành những chiếc lược đẹp mắt và tinh xảo. Đó chính là làng nghề Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) - làng nghềduy nhất trên cả nước làm lược bằng sừng trâu, bò.

Lược vốn là vật dụng không thể thiếu, nhất là đối với chị em phụ nữ. Lược gỗ mộc mạc, lược nhựa tiện dụng, nhưng giá trị và độc đáo hơn cả phải nói đến lược sừng ở làng nghề Thụy Ứng. Làng nghề này là một trong bốn làng của xã Hòa Bình, du khách chỉ cần đi từ trung tâm Hà Nội theo đường quốc lộ 1A về phía nam, đến ga Thường Tín rẽ theo tỉnh lộ 427 về hướng tây, đi chừng 3 cây số nữa là đến.  

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại rằng: Làng nghề lược sừng Thụy Ứng được hình thành cách đây hơn 400 năm vào giữa thế kỷ XVI, do vị Tổ nghề họ Trần truyền dạy. Những chiếc lược sừng trâu, bò vừa bền, vừa tiện dụng, thẩm mỹ cao, được xuất khẩu đi nước ngoài và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.

Làng nghề lược sừng Thụy Ứng được hình thành cách đây hơn 400 năm vào giữa thế kỷ XVI, do vị Tổ nghề họ Trần truyền dạy.
Hầu hết các hộ ở Thụy Ứng đều làm lược và chế tác đồ mỹ nghệ, khoảng 80% số hộ làm nghề lược sừng, 20% làm lược gỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất lớn. 

Cũng theo nghệ nhân Nguyễn Văn Sử, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết: Hầu hết các hộ ở Thụy Ứng đều làm lược và chế tác đồ mỹ nghệ, khoảng 80% số hộ làm nghề lược sừng, 20% làm lược gỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất lớn. 

“Làng có khoảng 600 hộ gia đình (chiếm 60%) tổng số hộ làm nghề sừng. Ðặc biệt, các mặt hàng này hiện đang có thế mạnh trong xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Thái Lan, Anh, Mỹ... và là sản phẩm du lịch độc đáo của Việt Nam”, ông Sử chia sẻ.

Cách cổng làng một đoạn không xa, gia đình ông Nguyễn Xuân Huy là một trong những hộ gia đình làm nghề “cha truyền con nối”, đến nay cũng có 4-5 đời theo và giữ nghề. Qua thăng trầm, người dân nơi đây không chỉ giữ được nghề, làm giàu từ nghề mà còn có thể tự hào quảng bá sản phẩm làng nghề. Bình quân mỗi tháng, gia đình nhập hơn 3 container nguyên liệu, chủ yếu là sừng trâu từ Ấn Độ và một số nước châu Phi, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động.

“Những năm gần đây, nghề xương, sừng ở Thụy Ứng phát triển, hầu như các hộ đều có máy móc hỗ trợ sản xuất, như: Máy cưa để cắt sừng, máy thủy lực ép các đoạn sừng vào phôi, máy chà cho nhẵn và chuốt bóng sản phẩm… nên năng suất cao, sản phẩm phong phú", ông Huy cho hay.

Tìm hiểu về các công đoạn sản xuất lược sừng, chúng tôi được giới thiệu chị Hoàng Thị Huế - người có thâm niên trong làng nghề tâm sự: Để làm ra một chiếc lược sừng thì người phải thực hiện ít nhất 4 công đoạn: Cắt, ép, xẻ, mài.

Cụ thể: Từ một ống sừng nguyên vẹn sẽ được cắt xẻ ra thành từng miếng nhỏ. Sau đó, sừng sẽ được ép phẳng để thuận tiện cho việc vẽ hình lược. Kế đến là công đoạn cắt răng lược, chà mài hàng nhỏ, tỉa tách công đoạn thô cho đến công đoạn mịn. Cuối cùng là làm bóng để hoàn thiện sản phẩm lược hoàn chỉnh.

“Tuy nhiên, công đoạn đầu tiên cũng sẽ là công đoạn là khó nhất là chọn chiếc sừng tùy theo màu khách đặt. Nhưng, người thợ phải chọn ra những chiếc sừng đẹp thì mới có thể làm ra sản phẩm đạt chất lượng. Điều quan trọng hơn cả là làm nghề phải làm từ cái tâm yêu nghề và tỉ mỉ trong từng giai đoạn.

Đó là còn chưa kể đến việc, người làm nghề phải biết sáng tạo các kiểu dáng lược đẹp theo ý khách, hoặc là tạo ra các mẫu ưa chuộng với thị trường và phù hợp với cuộc sống để tạo niềm tin cho người tiêu dùng”, chị Huế chia sẻ.

Từ chiếc lược có hình vuông lúc sơ khai, sau đã cải tiến thành hình cong như múi bưởi khiến chiếc lược không những đẹp hơn mà còn có độ bền lâu. Mặc cho thời gian cứ trôi, nghề chế tác lược từ sừng trâu, bò vẫn được nhiều thế hệ trong làng lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ở mỗi lớp thợ đều có tính kế thừa và sáng tạo để các sản phẩm của làng nghề vừa lưu trữ được nét truyền thống, vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Hiện nay, để đáp ứng thị hiếu của người sử dụng, làng nghề Thụy Ứng còn cho ra đời nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, có giá trị kinh tế cao như: Thìa, muôi, bát… các loại tranh, đồ trang sức được ưa chuộng và xuất khẩu sang các nước, trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ vô cùng độc đáo của Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, làng nghề lược sừng Thụy Ứng đã đón nhiều đoàn khách trong nước và ngoài nước đến mua sắm, tham quan, trải nghiệm.

Trong nhiều năm qua, làng nghề lược sừng Thụy Ứng đã đón nhiều đoàn khách trong nước và ngoài nước đến mua sắm, tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu sản phẩm độc đáo từ sừng truyền thống. Điều đó là phải nhắc tới công sức từ đôi bàn tay tài hoa của các thế hệ người dân nơi đây. Nhờ có vậy mà sản phẩm từ chất liệu sừng ngày càng phong phú, khiến điểm du lịch làng nghề thực sự hấp dẫn đối với khách du lịch.

Để phát triển làng nghề, xã đã quy hoạch 4 khu du lịch, thu hút khá đông khách. Khu một là trung tâm, diện tích 3,99ha bao gồm: Trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa thể thao. Khu 2 là điểm mua sắm kết hợp dịch vụ ăn uống và các dịch vụ tiện ích khác. Khu 3 và  khu 4 với diện tích 61,26ha tập trung các hộ làm nghề, cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm của làng nghề lược sừng Thụy Ứng.

Cũng tại nơi đây, du khách được tham quan làng nghề truyền thống lâu đời, giếng đá cổ, nhà cổ, cây đa di sản kết hợp trải nghiệm, lưu trú, chiêm bái đình, chùa, Đền thờ Tổ làng nghề lược sừng… Trong đó, làng có nhà thờ Tổ nghề lược sừng, cây đa di sản, giếng đá cổ, đình Thụy Ứng được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1991, chùa Thụy Ứng xếp hạng di tích cấp thành phố năm 2008.

Về hướng phát triển cho làng nghề địa phương, ông Bùi Công Thản - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết: “Huyện cùng xã Hòa Bình tiếp tục tập trung huy động nguồn lực để xây dựng điểm tiểu thủ công nghiệp, du lịch làng nghề thôn Thụy Ứng; xây dựng hệ thống thu gom rác thải tập trung, hệ thống xử lý nước thải bảo đảm theo quy định. Để thúc đẩy du lịch, các tuyến giao thông vào điểm du lịch làng nghề đều được trải nhựa và lắp đặt hệ thống chiếu sáng đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm và đi lại của du khách”. 

Huyền Linh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu