01:48 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Giá lợn hơi liên tục giảm khiến người chăn nuôi gặp khó khăn

15:30 09/03/2023

(THPL) - Thời gian gần đây, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước liên tiếp giảm xuống vùng thấp khiến cho người chăn nuôi và cả doanh nghiệp lớn đều gặp khó.

Theo đó, tại miền Bắc, giá lợn hơi dao động ở mức 48.000 - 49.000/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với tuần trước. Cụ thể, mức giá thấp nhất khu vực là 48.000 đồng/kg được thương lái thu mua tại các tỉnh phía Bắc như: Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động 47.000 - 52.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, giá lợn hơi dao động 50.000 - 52.000 đồng/kg, ổn định so với tuần trước.

Theo một số hộ chăn nuôi, nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm mạnh là do nguồn cung thực phẩm nội địa và nhập khẩu đều tăng trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng lạm phát . Dự báo, xu hướng giá lợn hơi thấp sẽ còn kéo dài ít nhất hết quý I/2023.

Sức tiêu thụ thịt lợn tại các nhà hàng, quán ăn, khu công nghiệp... hiện xuống mức thấp, đã đẩy giá lợn hơi tiếp tục lao dốc kỷ lục trong 2 năm qua khi chỉ ở quanh mức 47.000 - 49.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi không giảm đang gây áp lực rất lớn cho người chăn nuôi hiện nay.

Giá lợn hơi liên tục giảm khiến người chăn nuôi gặp khó. Ảnh minh hoạ

Theo chia sẻ của anh Minh (huyện Quốc Oai, Hà Nội), anh đã bỏ chuồng từ hơn 1 năm nay. Anh vẫn mong khi các loại chi phí giảm, giá lợn hơi tăng lại để vào đàn nhưng như hiện nay việc duy trì đã là rất khó.

Giá lợn hơi giảm, mức tiêu thụ ít đi đang là thực tế khiến cho ngành chăn nuôi gập khó khăn hơn bao giờ hết. Nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm và duy trì ở mức thấp chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng thấp, không phải xuất phát từ việc tăng nguồn cung. Vì vậy, để người chăn nuôi có lãi thời điểm này là rất khó khăn.

Áp lực từ giá thức ăn chăn nuôi cao, trong khi giá bán thấp đang khiến 3/4 số hộ chăn nuôi tại xã Đồng Quang - thủ phủ chăn nuôi của huyện Quốc Oai phải bỏ chuồng. Chắc chắn việc vào đàn thời điểm này sẽ rất khó khăn khi không có sự thay đổi trong thời gian tới.

Lo ngại về giá thịt lợn hơi hiện nay, ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai từng thông tin, từ tháng 6/2022 đến nay giá lợn hơi liên tục ở mức thấp và đang bán dưới giá thành sản xuất nên số lượng người chăn nuôi “bỏ chuồng” nhiều. Về nguyên nhân, vị này khẳng định, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, Covid-19, cung vượt quá cầu (doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi có vốn FDI mở rộng sản xuất), nhập khẩu thịt với mức giá rẻ của các nước quá nhiều nên thị trường trong nước không cạnh tranh nổi.

“Dự báo, trong năm 2023 tình hình chăn nuôi lợn tiếp tục gặp khó khăn, do đó cần có nhiều giải pháp để cứu ngành chăn nuôi trong nước” - ông Đoán nhấn mạnh và cho rằng, cần phải cân đối cung – cầu mặt hàng này, nghĩa là phải quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, tránh tình trạng nhập quá nhiều thịt heo giá rẻ của các nước. Quản lý giá cần hợp lý vì nhập 70 – 80% nguyên vật liệu giá cao nhưng giá bán thành phẩm ở mức quá thấp nên người chăn nuôi và người tiêu dùng thiệt thòi.

Đề cập đến nguồn nguyên vật liệu, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có giải pháp để hạ giá thành đầu vào. Trước đây để nuôi một con lợn hơn một tạ chỉ mất khoảng hơn 1 triệu đồng tiền cám, thế nhưng nay phải mất 3,9 – 4 triệu đồng.

Theo các hộ chăn nuôi, 2 năm qua giá nguyên liệu tăng 30% nhưng giá thành phẩm lại thấp nên người chăn nuôi thua lỗ. Giải pháp phát triển bền vững sắp tới cho ngành chăn nuôi chính là phải xây dựng cho được vùng nguyên liệu thức ăn trong chăn nuôi, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu các nước. Song song đó, cần tạo ra một chuỗi cung ứng liền mạch, trong đó có sự liên kết giữa các bên.

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu