18:02 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Gạo Việt Nam tăng trưởng khá, nhiều loại có giá cao hơn Thái Lan và Ấn Độ

Tuấn Minh (t/h) | 15:32 15/06/2023

(THPL) - Giá của gạo Việt Nam tăng cao và ổn định thời gian qua một phần là do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng, nhưng phần khác cũng khẳng định chất lượng, uy tín hạt gạo Việt Nam ngày càng rõ nét ở nhiều phân khúc hàng hóa khác nhau.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá nhiều loại gạo của Việt Nam vẫn duy trì mức cao hơn Thái Lan, Ấn Độ. Theo đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 498 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo 25% tấm ở mức 478 USD/tấn; gạo Jasmine 578 USD/tấn.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo tháng 5/2023 ước đạt 1 triệu tấn, trị giá 489 triệu USD, đưa tổng khối lượng xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2023 đạt gần 3,9 triệu tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và tăng 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Dự báo, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng đến cuối năm do lượng gạo tiêu thụ trên thế giới tăng cao kỷ lục trong niên vụ 2022-2023, trong khi tồn kho gạo toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Gạo Việt Nam tăng trưởng khá, nhiều loại có giá cao hơn Thái Lan và Ấn Độ. Ảnh minh hoạ

Còn theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2023, sản lượng lúa toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn đạt khoảng hơn 24 triệu tấn. Đây sẽ là nguồn cung gạo hàng hóa lớn cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Liên quan đến nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, ông Phan Minh Thông, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn (Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp) cho rằng, điểm mấu chốt là nâng cao năng lực và hiện đại hóa từ khâu sấy lúa và kho dự trữ lúa gạo; Tăng cường chế biến sâu và chế biến phụ phẩm từ cây lúa để nâng cao giá trị gia tăng.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An thông tin thêm: Công ty không chỉ xuất khẩu gạo mà còn đang mở rộng xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu từ gạo như: mì, phở, bún... vào các thị trường Mỹ, châu Âu. Đây là phân khúc giá trị rất cao, vì nếu loại gạo chế biến có mức giá gần 700 USD/tấn thì giá trị đem lại của sản phẩm chế biến có thể nâng giá trị của 1 tấn gạo đó lên đến 2.500- 3.000 USD...

Để sản xuất lúa gạo sát với nhu cầu tiêu dùng của nhiều quốc gia trên thế giới và phù hợp với định hướng phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam, cuối tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.

Theo đó, chuyển dịch cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo hướng giữ tỷ trọng gạo trắng, hạt dài phẩm cấp cao ở mức hợp lý (khoảng từ 15 - 20%). Giảm tỷ trọng gạo phẩm cấp trung bình và thấp, tăng tỷ trọng gạo thơm, gạo đồ, gạo japonica, gạo hữu cơ; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo, gạo có vi chất dinh dưỡng, bột gạo, mỹ phẩm từ gạo…

Tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối Tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%; nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán.

Phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice vào năm 2030. Cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới.

Đến năm 2025, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 22%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 4%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 3%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 7%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.

Đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 23%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 5%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 5%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 8%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu