00:46 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội khai thác tốt thị trường EU nhờ EVFTA

10:47 28/11/2022

(THPL) - Sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, nhiều ngành hàng như giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả… đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu.

Hiện, EU là đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu của cả nước (2015 - 2021).

Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN, và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU chứng kiến sự chuyển dịch tích cực, không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ vào EU như Đức, Hà Lan, Pháp… mà đang dần được đẩy mạnh sang thị trường ngách như Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.

Theo số liệu từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) sau 2 năm đầu tiên thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn tới 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm của giai đoạn 2016-2019 trước đó.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang EU đạt xấp xỉ 40 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ 2021.

Liên quan đến tận dụng cơ hội từ EVFTA, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản (Vasep) cho hay,  EU từng là thị trường số 1 của thuỷ sản Việt Nam, nhưng sau đó bị rơi xuống đứng thứ 4, sau cả Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ. Xuất khẩu cá tra, tôm, hải sản khác vào EU liên tục bị sụt giảm. Tuy nhiên, kể từ năm 2020, EVFTA có hiệu lực đã mang lại kỳ vọng lớn cho xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường này. Theo đó, nhóm thuỷ sản chủ lực, như tôm chiếm 40-50% xuất khẩu sang EU, cá tra chiếm 10-16%, các mặt hàng hải sản khác chiếm 35%... Có thể nói, các nhóm mặt hàng thuỷ sản chính đều được hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực.

Năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu thuỷ sản đã hồi phục rõ rệt, tăng 8% so với cùng kỳ và xu hướng đó tiếp tục trong năm 2021. Cụ thể, năm 2021, sau khi EU mở cửa lại thị trường, thuỷ sản xuất khẩu tăng mạnh, đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12%.

Đến năm 2022, hết quý II, EU là thị trường nằm trong ba nhóm xuất khẩu thuỷ sản cao nhất của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, nhưng với các thuế quan ưu đãi của EVFTA đã bộc lộ rõ nét, xuất khẩu thuỷ sản tăng 40%, đạt gần 700 triệu USD, xuất khẩu các dòng thuỷ sản chính kể cả cá tra đã tăng 30-39%, trong đó cá tra đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Còn theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ: EVFTA đã mở đường để Trung An tăng tốc xuất khẩu gạo chất lượng cao sang EU. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tăng tới 68% so với cùng kỳ Trong đó thị trường châu Âu trở thành thị trường chính của doanh nghiệp, gạo chất lượng cao là mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp được xuất sang thị trường này.

Doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội khai thác tốt thị trường EU nhờ EVFTA. Ảnh minh hoạ

Cũng liên quan đến Hiệp định EVFTA, bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: EU là một thị trường truyền thống của Việt Nam, qua theo dõi số liệu có thể thấy, qua 2 năm thực thi EVFTA một số thị trường ngách khác cũng đã bắt đầu được quan tâm và thúc đẩy xuất khẩu, điều này được thể hiện trong số liệu cấp giấy chứng nhận xuất xứ.

Tức là trong năm đầu tiên thực thi EVFTA thì kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam sang EU chỉ chủ yếu tập trung tại một số quốc gia như Hà Lan, Đức, Bỉ, nhưng từ năm 2021 đến nay hầu hết các thị trường đều có kim ngạch cấp giấy chứng nhận xuất xứ.

“Điều đó cho thấy, chúng ta đã bắt đầu tận dụng được nhiều sang các thị trường ngách ở khu vực EU” – bà Nguyễn Cẩm Trang nhấn mạnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, EU là một thị trường tiềm năng của Việt Nam, hàng hoá của Việt Nam và EU cũng có tính bổ sung cho nhau, nên đây là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường này.

Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU khá tích cực sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, nhưng hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng nhu cầu nhập khẩu mỗi năm của thị trường 27 nước thành viên EU. Một số mặt hàng thế mạnh như rau quả chưa chiếm đến 4%, thủy sản 8%, xuất khẩu gạo vào EU vẫn rất thấp, cũng có rất ít hàng hóa được xuất khẩu với thương hiệu Việt vào EU.

Theo đó, để tận dụng được những ưu đãi cũng như những điều kiện bắt buộc của EVFTA từ đầu năm tới, bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng: Bản thân doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ Hiệp định EVFTA, đặc biệt cần nắm bắt các quy định, bao gồm cả những quyết định liên quan đến quy tắc xuất xứ cũng như theo dõi lộ trình cam kết của các mặt hàng, từ đó sẽ tìm được cơ chế ưu đãi tốt nhất để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này.

Ngoài ra không chỉ là câu chuyện về quy tắc xuất xứ mà là câu chuyện là đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn lao động, những yêu cầu của thị trường EU đối với mặt hàng của chúng ta sản xuất, chẳng hạn đối với mặt hàng gỗ thì chúng ta phải quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc gỗ theo quy định hoặc là đối với thủy sản cũng vậy. Chúng ta đã có những bài học liên quan đến thẻ vàng đối với thủy sản, đó là những vấn đề rất cần được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm khi chinh phục hiệu quả thị trường EU.

Theo các chuyên gia kinh tế, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU có tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng thế mạnh như thủy sản, rau quả, dệt may lại có thị phần thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU. Trong đó, rau quả chiếm hơn 3%, thủy sản hơn 4%, may mặc 4%... Hiện, một số doanh nghiệp đã tham gia chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm cho xuất khẩu sang EU, nhưng phần nhiều vẫn chỉ gia công hàng hóa xuất khẩu.

Để tận dụng cơ hội từ EVFTA, theo các chuyên gia và nhà quản lý, trước hết doanh nghiệp Việt Nam cần bỏ tư duy và cách kinh doanh theo lối an toàn, chỉ tập trung vào thị trường truyền thống, mà cần tìm kiếm thị trường mới. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động tạo chỗ đứng trên thị trường bằng cách bảo đảm chất lượng hàng hóa với giá cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, đồng thời quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ…

Để gia tăng sự hiện diện của hàng hoá Việt Nam tại thị trường EU, các chuyên gia đề xuất, Bộ Công Thương cần chuyển từ xúc tiến thương mại cho sản phẩm sang xúc tiến thương mại cho cả một ngành hàng; Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, vượt qua những rào cản về mặt kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì sản phẩm...

Thanh Mai

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu