03:37 ngày 08/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp Việt sẵn sàng vào guồng sản xuất kinh doanh ngay sau Tết

12:07 09/02/2023

(THPL) – Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên cả nước đã sẵn sàng vào guồng với khí thế sôi nổi, tinh thần quyết tâm cao và chủ động tăng tốc ngay từ đầu năm, góp phần hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Theo mục tiêu của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng khoảng 8 - 9%. Và để có thể hiện thực hóa mục tiêu này, ngay trong tuần làm việc đầu tiên của năm mới Quý Mão, các doanh nghiệp công đã tăng tốc sản xuất, đầu tư.

Đơn cử như Công ty Xe đạp Thống Nhất tại thời điểm này đã hoạt động 100% công suất, hiện Công ty đang đẩy mạnh bán hàng tại thị trường miền Bắc, phát triển thị trường miền Trung, miền Nam. Không chỉ phục vụ nhu cầu tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp cũng có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất cho xuất khẩu.

Với Công ty Intech Group, mỗi tháng có khả năng sản xuất gần 30.000 con lăn công nghiệp và hiện tại họ đã nhanh chóng đầu tư thêm các máy cắt laser công nghệ cao, với mục tiêu tăng năng suất, sản lượng 30% trong năm 2023.

Tương tự, đại diện Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, năm 2022 đánh dấu sự trưởng thành của Rạng Đông trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Cũng từ năm 2022, Rạng Đông bước vào giai đoạn 2 của chuyển đổi số, kết nối các modul đã được số hóa từng phần trong tất cả lĩnh vực hoạt động, đồng bộ hóa từng phần, tiến tới đồng bộ hóa toàn phần, với mục tiêu tăng trưởng 25 đến 30% (giai đoạn 2023-2025). Giai đoạn 3 (2024-2025) sẽ xây dựng nhà máy sản xuất thông minh.

Bên cạnh đó, năm 2023, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất là 25% và phấn đấu lên mức 30%.

Với tỷ lệ lao động trở lại làm việc cao sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp công nghiệp trên cả nước đã bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh với khí thế sôi nổi, tinh thần quyết tâm cao và chủ động tăng tốc ngay từ đầu năm, góp phần hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Doanh nghiệp Việt sẵn sàng vào guồng sản xuất kinh doanh ngay sau Tết. Ảnh: Internet

Liên quan đến phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp, mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, Việt Nam cần xác định rõ tầm quan trọng của phát triển công nghiệp trong quá trình hiện đại hóa đất nước, từ đó tập trung các nguồn lực của quốc gia để phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm đòn bẩy kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ trình, tham mưu Đảng và Nhà nước xem xét ban hành các chính sách; tập trung các nguồn lực để thúc đẩy hình thành các tập đoàn công nghiệp lớn, đóng vai trò dẫn dắt hệ thống doanh nghiệp công nghiệp nội địa và vươn ra thị trường khu vực.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Chúng ta cần có những doanh nghiệp cả trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân đủ lớn mạnh về quy mô, có năng lực quản trị chuẩn mực quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, có khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới. Đối với doanh nghiệp nhà nước, trong giai đoạn trước đây chúng ta đã từng có những “anh cả đỏ” hay “quả đấm thép” cho phát triển kinh tế”.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần xác định được các doanh nghiệp có đủ bản lĩnh trở thành “sếu đầu đàn” trên cơ sở đánh giá nội lực của doanh nghiệp và nguyên tắc thị trường, tránh việc sử dụng mệnh lệnh hành chính hay lắp ráp một cách cơ học. Những doanh nghiệp này cần được xem xét, đánh giá trên các yếu tố: Quy mô; thị phần và thị trường; quản trị; ngành lĩnh vực hoạt động và tính bền vững của doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp quy mô lớn cần có tiềm lực về tài chính, hoạt động hiệu quả dựa trên năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và tăng khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Đồng thời, phải có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và có định hướng mở rộng sang thị trường nước ngoài (thông qua hoạt động xuất khẩu hoặc đầu tư ra nước ngoài) và có hệ thống quản trị chuyên nghiệp, hiện đại.

Cần tập trung phát triển các doanh nghiệp đầu đàn trong những ngành, lĩnh vực mới có tác động dẫn dắt, lan tỏa như: Cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế, kết cấu hạ tầng quốc gia quan trọng, khoa học công nghệ hiện đại, đi đầu trong tăng cường quốc phòng an ninh, công nghiệp lưỡng dụng để bảo vệ Tổ quốc… Cuối cùng, trong bối cảnh chuyển dịch xanh hướng tới phát triển bền vững, tiêu chí chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch và giảm thải khí carbon là tiêu chí quan trọng để hướng tới thực hiện cam kết giảm phát thải tại COP26.

Nhận định về tình hình kinh tế năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2023 các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do cầu của thị trường nước ngoài có xu hướng giảm; nhà nhập khẩu chậm thanh toán; lượng tồn kho tăng cao; dòng tiền của doanh nghiệp cạn kiệt sau 2 năm dịch bệnh gây trở ngại cho việc duy trì sản xuất kinh doanh.

Để ngành công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu; kích cầu tiêu thụ trong nước.

Thúc đẩy sản xuất công nghiệp tạo đà cho những tháng tiếp theo, Bộ Công Thương cho biết, cần tiếp tục bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu