08:23 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Giải pháp cải thiện hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023

Quỳnh Chi (t/h) | 20:53 08/02/2023

(THPL) - TheoTổng cục thống kê, trong tháng 1/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 25.08 tỷ USD, giảm mạnh so với tháng trước đó. Nhiều nhận định và giải pháp đã được đưa ra để cải thiện hoạt động xuất khẩu Việt Nam cho những tháng tiếp theo.

Tại báo cáo mới đây, Tổng cục Thống kê đã đưa ra số liệu về kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tháng 1/2023. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 45.56 tỷ USD, giảm 17.3% so với tháng 12/2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 21.3% so với tháng 12/2022. Với mức xuất siêu đạt 3.6 tỷ USD, đây vẫn chưa được đánh giá là một tình huống lạc quan cho xuất khẩu của Việt Nam.

Với kết quả trên, một số chuyên gia cho rằng do kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch đều gần nhau và trong tháng 1 dẫn đến việc các nhà máy đóng cửa dài ngày, làm giảm số ngày làm việc và chỉ số sản xuất công nghiệp. Các mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh nhất là đồ điện tử, dệt may và giày dép, máy móc và thiết bị.

Một nguyên nhân khác của việc kim ngạch xuất khẩu giảm được đề cập đến là tại các quốc gia khác, nền kinh tế cũng đang đối mặt với nguy cơ lạm phát và suy thoái do ảnh hưởng của COVID-19 và nhiều tác nhân khác. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng toàn cầu cũng như hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Trên thực tế, từ quý IV/2022 số lượng đơn hàng đã ít hơn so với các năm trước, cho thấy năm 2023 có thể sẽ là một năm khó khăn với xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Giải pháp cải thiện hoạt động xuất khẩu Việt Nam trong năm 2023. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 tăng 6% so với năm 2022 và duy trì xuất siêu. Bên cạnh các yếu tố bên ngoài như tác động của thị trường, tình hình kiểm soát lạm phát, yêu cầu của đối tác hay yếu tố cốt lõi về cần cải thiện liên tục chất lượng các sản phẩm xuất khẩu thì việc cắt giảm thuế theo lộ trình từ 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu trong năm nay. Các dòng vốn đầu tư mạnh mẽ cũng sẽ là một yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Bộ Công thương sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả của Chương trình Thương hiệu Quốc gia, giúp doanh nghiệp tìm kiếm nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện cho sản xuất, đưa các sản phẩm của doanh nghiệp tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cục cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường ra nước ngoài. 

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng để duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống cũng như mở rộng thị trường mới, doanh nghiệp cần nắm bắt được tín hiệu thị trường và lưu ý rằng các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin thị trường, cung cấp cho doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương.

Song song với đó, ông cũng kêu gọi “Các doanh nghiệp chủ động tham mưu với các cơ quan chức năng đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương, đa phương mới, đồng thời đề nghị các cơ quan thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài giúp đỡ các địa phương. Đồng thời, các hiệp hội doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các FTA để mở rộng và đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, xuất khẩu sản phẩm.”

Trước đó tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023, đại diện các bộ, ngành và các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương đã phân tích tình hình để đưa ra đề xuất về giải pháp gia tăng sản xuất, tiêu dùng, phát triển bền vững thị trường trong nước và các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại; bên cạnh đó tập trung đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm mở rộng thị trường ngoài nước và thúc đẩy xuất khẩu.

Quỳnh Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu