04:34 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp Việt còn nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Malaysia

Mai Anh (t/h) | 15:57 15/03/2023

(THPL) - Với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều mặt hàng đã đạt giá trị "tỷ đô", thậm chí cả "chục tỷ đô", đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều tác động ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng. Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam giảm sâu trong 2 tháng đầu năm (giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt khoảng 6,28 tỷ USD). Điều này cho thấy, mục tiêu 55 tỷ USD năm 2023 là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với tiềm năng, thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam và nhu cầu thực phẩm hưu cơ, thực phẩm sạch ngày càng gia tăng ở nhiều thị trường là cơ hội cho nông sản, thực phẩm xuất khẩu các sản phẩm cho giá trị cao.

Cơ hội xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam ra thế giới là rất lớn, nhất là tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi, đó là khẳng định của đại diện các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thuộc ngành Công Thương tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài mới đây.

Doanh nghiệp thực phẩm Việt còn nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Malaysia. Ảnh minh hoạ

Với thị trường Malaysia, ông Lê Phú Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết: Do nền nông nghiệp nội địa phát triển không mạnh, thiếu lao động, sản lượng lương thực không đáp ứng đủ nhu cầu khiến Malaysia phải nhập khẩu nhiều nông sản, thực phẩm chế biến. Mặt khác, hình thức bán lẻ thực phẩm của Malaysia phát triển nhanh, đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu nhập khẩu. Thu nhập khả dụng của người dân Malaysia đang trong xu hướng tăng, thúc đẩy nhu cầu sản phẩm nhập khẩu có chất lượng cao. Đó là những yếu tố tích cực thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng thực phẩm của Việt Nam sang Malaysia.

Hơn nữa, số lượng người dân Việt Nam sinh sống và làm việc ở Malaysia lớn, nhà hàng, quán ăn Việt Nam mở ra khá nhiều là kênh quảng bá văn hoá, ẩm thực hiệu quả ở nước sở tại. “Nhiều thực phẩm của Việt Nam, như gạo được người dân Malaysia đánh giá cao. Đặc biệt, một số món ăn của Việt Nam như phở, nem cuốn rất thu hút người tiêu dùng ở nước sở tại”, ông Lê Phú Cường cho hay.

Bên cạnh những mặt tích cực, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cũng lưu ý: Các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm cần lưu tâm đến xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm có chứng chỉ Halal sang thị trường Malaysia do tỷ lệ người theo đạo hồi ở Malaysia lớn và chỉ lựa chọn các sản phẩm được cấp chứng chỉ Halal.

Malaysia đang tăng cường kiểm soát giá cả sinh hoạt do thiếu hụt nguồn cung một số loại thực phẩm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cho nhu cầu thiết yếu như trứng, gạo… nên quan tâm kết nối với hệ thống phấn phối để gia tăng xuất khẩu.

Trước khi ký hợp đồng, doanh nghiệp nên yêu cầu kiểm tra số đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp Malaysia. Mã số đăng ký kinh doanh gắn liền với tên tuổi của doanh nghiệp và được công khai, có mã số này thương vụ có thể kiểm tra trong thời gian rất ngắn, tránh được rủi ro đối tác không tồn tại.

Về phía các địa phương và hiệp hội ngành hàng, đại diện thương vụ đề xuất: Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của địa phương, thành viên hiệp hội tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp tại thị trường Malaysia như tổ chức hội chợ chuyên ngành hoặc tổng hợp các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại Malaysia… Phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam tại Malaysia trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến tại thị trường Malaysia, nhất là việc xác minh đối tác.

Tương tự, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Algeria, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều khẳng định tiềm năng, cơ hội đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam là rất lớn, song, đi cùng với đó là các yêu cầu phải tuân thủ được chính sách, quy định của thị trường đã có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây, trong đó, phải đặc biệt chú trọng các yếu tố "xanh", thân thiện với môi trường.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá Việt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường kết nối với doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương trong nước để quảng bá sản phẩm, thương hiệu, tiềm năng thế mạnh. Đồng thời, phải nắm bắt diễn biến chính sách của nước sở tại, kể cả chính sách thị trường khu vực, từ đó đề xuất phản ứng chính sách phù hợp ở cả cấp quốc gia và doanh nghiệp.

Mai Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu