07:25 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp Việt chủ động, linh hoạt ứng phó với phòng vệ thương mại

Tuấn Linh (t/h) | 08:54 04/09/2022

(THPL) - Những năm gần đây, số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh. Điều này dẫn tới nguy cơ mất thị trường và doanh nghiệp Việt cần chủ động, linh hoạt ứng phó.

Theo số liệu mới nhất từ Cục PVTM (Bộ Công Thương), đến nay hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài.

Liên quan đến thông tin trên, bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục PVTM cho biết, các thị trường có tần suất điều tra nhiều là Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Úc và Canada. “Việc bị điều tra và áp dụng biện pháp PVTM khiến một số mặt hàng xuất khẩu phải chịu mức thuế cao, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu cả ngành hàng, công ăn, việc làm và thu nhập của hàng chục ngàn lao động và làm suy giảm vị thế là quốc gia xuất khẩu hàng đầu trong khu vực của Việt Nam” - bà Giang cho hay.

Theo đại diện Cục PVTM, xuất khẩu tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu chính phủ sử dụng các biện pháp PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình. Do đó, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM.

Doanh nghiệp Việt cần chủ động, linh hoạt ứng phó với phòng vệ thương mại. Ảnh minh hoạ

Báo Công Thương đưa tin, ở chiều ngược lại, Việt Nam đã tiến hành điều tra 25 vụ việc PVTM, trong đó có 16 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ, 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM và 1 vụ việc chống trợ cấp. Trên cơ sở kết quả của các cuộc điều tra, 16 biện pháp PVTM hiện đang áp dụng đối với một số mặt hàng nhập khẩu. “Điều này cho thấy Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp PVTM như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội” - bà Giang nhấn mạnh.

Theo TTXVN đưa tin, ông Chu Thắng Trung - Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương cho biết, trong xu hướng hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu qua thị trường mới khi thuế quan được cắt giảm nhanh, mạnh và đa phần dòng thuế xuất khẩu mặt hàng chủ lực đều sẽ về 0%.

Ông Trung cho rằng, bên cạnh cơ hội thị trường, việc hội nhập vẫn có những thách thức; trong đó, bao gồm việc hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đối diện nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại. Nếu bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thì doanh nghiệp có thể bị áp thuế xuất khẩu với mức cao hơn trước giảm thuế từ cam kết FTA, bị mất một phần thị trường, thậm chí mất luôn thị trường đó nếu không thể cạnh tranh được.

Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại Phùng Gia Đức cho biết, trong hội nhập quốc tế, Tổ chức Thương mại thế giới WTO và Hiệp định FTA đều cho phép các quốc gia sử dụng công cụ phòng vệ thương mại khi cần thiết.

Do đó, các quốc gia có xu hướng sử dụng phòng vệ thương mại để ổn định sản xuất, bảo vệ việc làm cho người lao động khi hàng nhập khẩu gia tăng tạo sức ép cạnh tranh đối với ngành sản xuất trong nước. Các biện pháp phòng vệ thương mại phổ biến gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Hiện thép và các sản phẩm kim loại, hóa chất, dệt may, giấy, gạch ốp lát, thực phẩm chế biến và gỗ... là nhóm mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới. Đây cũng là những mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Trước thực tế này, để ứng phó với nguy cơ bị điều tra PVTM cũng như xử lý các cuộc điều tra PVTM với hàng xuất khẩu Việt Nam, và cả khi hàng hóa Việt Nam đã bị áp thuế, Bộ Công Thương đã tăng cường cảnh báo sớm; đã sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.

Cục PVTM cũng khuyến nghị các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp cần chủ động hơn. Trong đó, đối với hiệp hội, cần phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp trong ngành, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý, đại diện tiếng nói để bảo vệ lợi ích chung của ngành. Với doanh nghiệp, phải luôn theo sát thông tin; thường xuyên trao đổi thông tin với đối tác nhập khẩu, đặc biệt là cả những thông tin về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu; tìm hiểu kỹ thị trường xuất khẩu, thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu cần hoàn thiện hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn mực kế toán quốc tế, quản trị hệ thống sổ sách để đạt hiệu quả kháng kiện cao hơn nữa; phối hợp với Bộ Công Thương trong việc ngăn chặn các hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh, triệt để nhằm bảo vệ lợi ích chung của ngành.

Với trường hợp bị khởi xướng điều tra, doanh nghiệp cần tham gia vụ việc một cách tích cực, đầy đủ, tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc; có thể xem xét sử dụng luật sư tư vấn am hiểu pháp luật PVTM của WTO và nước điều tra (nếu cần); phối hợp với hiệp hội, các doanh nghiệp xuất khẩu khác để cùng xử lý; trao đổi với Cục PVTM, Bộ Công Thương để thống nhất nội dung trả lời trong vụ việc điều tra chống trợ cấp hoặc vấn đề “thị trường đặc biệt” trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu