08:42 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp Việt chật vật trong cơn bão giá

Bảo An (tổng hợp) | 13:35 22/06/2022

(THPL) - Giá xăng dầu đang ở mức cao nhất từ trước đến nay khiến hầu hết giá hàng hóa, dịch vụ đều tăng. Theo đó, các doanh nghiệp đều rơi vào tình cảnh chật vật trong cơn bão giá.

Trước đó trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5 phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 22,6% so cùng kỳ năm trước.

Sự tăng trưởng này nhờ tiêu dùng trong nước sôi động và sự quay trở lại của du khách quốc tế sau khi Chính phủ mở cửa biên giới vào cuối tháng 3 vừa qua. Khoảng 173.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5, cao hơn khoảng 70% so với tháng 4 và là con số cao nhất kể từ tháng 4/2020, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với mức tăng trước đại dịch.

Mặc dù vậy, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo Chính phủ Việt Nam vẫn cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên, có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra.

Cụ thể, trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm nay, Tổng cục Thống kê nhận định doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 98.600 doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 71.800 doanh nghiệp, tăng 20%, bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo các chuyên gia, giá xăng dầu tăng cao nhất từ trước tới nay tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân. Ngoài giá xăng dầu, giá một loạt nguyên liệu đầu vào sản xuất cũng tăng cao do tác động của chiến sự giữa Nga - Ukraine.

Giá nhiều loại hàng hóa tăng mạnh gây áp lực cho doanh nghiệp và người dân. Ảnh: Internet

Theo Zing.vn đưa tin, giá xăng lại tiếp tục tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp vận tải rơi vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan".

Ông Trần Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu cho biết khoảng 2 tháng trước, khi giá xăng tăng sốc doanh nghiệp đã tăng giá cước. Tuy nhiên, gần đây, giá mặt hàng này có dấu hiệu tăng cao trở lại khiến đơn vị gặp khó.

"Chúng tôi không thể tiếp tục tăng giá ngay mà phải theo dõi diễn biến của giá xăng dầu, nếu tiếp tục tăng sốc, đơn vị buộc phải điều chỉnh thêm. Hiện, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35% tổng chi phí của doanh nghiệp, do đó khi giá mặt hàng này tăng, cước vận chuyển cũng phải điều chỉnh tương ứng", ông nói.

Ông Đoàn Văn Nam - Phó giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (Cofidec) - đánh giá chi phí logistics và nguyên liệu đầu vào tăng cao đang là thách thức lớn nhất của hầu hết doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hiện nay.

"Doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong bối cảnh chuẩn bị ký các hợp đồng năm 2023. Một số nguyên liệu nhập khẩu tăng cao nhưng các sản phẩm của đơn vị chủ yếu là xuất khẩu nên vẫn chưa thể tăng giá bán mà chỉ có thể điều chỉnh một số hỗ trợ như cước tàu biển...", ông nói.

Theo ông Long, doanh nghiệp vẫn luôn mong muốn có các gói hỗ trợ, ưu đãi một cách đặc biệt, nhanh chóng, dễ tiếp cận từ Chính phủ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần có những giải pháp để ổn định như giảm thuế, phí... bởi với xu hướng tăng giá và những biến động tình hình chính trị trên thế giới hiện nay, doanh nghiệp sẽ phải chịu áp lực lớn hơn nữa về các chi phí.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, theo báo Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh - công nghệ Hà Nội nhận định đến lúc này, cần giảm thuế phí một số mặt hàng, dịch vụ để đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi nền kinh tế như mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra.

Năm nào tổng thu ngân sách cũng tăng trưởng 2 con số, như năm ngoái, dù COVID-19 khiến doanh nghiệp kiệt quệ, đời sống người dân khó khăn do phải giãn cách xã hội nhưng số thu vẫn tăng 16% với hơn 60.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy gánh nặng thuế, phí vẫn áp lực rất lớn cho người dân và doanh nghiệp. Những ngành du lịch, vận tải, lưu trú, nhà hàng… bị thiệt hại nặng nề do đại dịch suốt 2 năm qua và đến nay vẫn chưa thể phục hồi.

"Trước mắt, để chia sẻ khó khăn với người dân, liên bộ Tài chính - Công thương sớm trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng để hạ nhiệt giá mặt hàng này và kìm cương mức tăng của lạm phát.

Còn đối với mặt hàng khác, trước mắt chỉ nên ổn định thuế, phí và lệ phí, thậm chí xem xét giảm thuế chứ không tăng. Bởi việc tăng thuế sẽ được cộng vào giá bán hàng hóa và đối tượng chịu thiệt hại, phải trả thuế và phí, lệ phí là người tiêu dùng cuối cùng. Điều này đi ngược với chủ trương kích cầu tiêu dùng, phục hồi kinh tế của Quốc hội và Chính phủ" - ông Nguyễn Ngọc Tú khuyến nghị.

Mặt khác, theo vị chuyên gia này, Nhà nước cần có giải pháp để quản lý để đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Như rượu, bia chẳng hạn, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt do không khuyến khích sản xuất và tiêu dùng quá mức là phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng hiện nay, 60-70% lượng rượu tiêu thụ trong nước là sản xuất thủ công, Nhà nước không quản lý được. Nên nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia vô hình trung khiến các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng chịu thiệt hại.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu