01:50 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Chi phí sản xuất cao, doanh nghiệp chịu áp lực tăng giá hàng hóa

Minh Đức (tổng hợp) | 10:49 23/03/2022

(THPL) - Theo quy định mới từ ngày 1/4/2022, doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá hàng hóa phù hợp với chi phí sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp cho biết áp lực tăng giá hàng hóa ngày càng lớn. Những mặt hàng thiết yếu như mì, dầu ăn, đường, bột, sữa... đã điều chỉnh tăng giá dưới sức ép của giá xăng, dầu tăng mạnh. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm đến những rủi ro về lạm phát vì giá hàng hóa đã tăng trên diện rộng.

Liên quan đến việc tăng giá hàng hóa, theo báo VTV News, chi phí đầu vào tăng từ 10 - 30% khiến giá bán ra của quả trứng còn thấp hơn giá thành khoảng 200 đồng/quả. Công ty Vĩnh Thành Đạt khẳng định đang nỗ lực tối đa để kìm giữ giá bình ổn đến hết tháng 3. Tuy nhiên, để phù hợp với chi phí thực tế, doanh nghiệp đã xin ý kiến Sở Tài chính, điều chỉnh giá bán ra tăng dưới 10%.

"Trứng là một trong những mặt hàng thiết yếu và rất gần gũi với người tiêu dùng nên việc thay đổi giá bán dưới 10% là mức đã được tính toán hết sức kỹ càng để có lợi cho người tiêu dùng", ông Trương Chí Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, chia sẻ.

Tương tự, Công ty TNHH Tân Quang Minh cũng kiến nghị điều chỉnh giá bán ra tăng dưới 10% trước sức ép chi phí sản xuất biến động. Để tăng giá ở mức thấp nhất, doanh nghiệp đã cắt giảm tối đa chi phí, cập nhật máy móc để tăng năng suất.

Chi phí sản xuất cao, doanh nghiệp chịu áp lực tăng giá hàng hóa. Ảnh minh họa

Trước những thông tin trên, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, việc điều chỉnh giá được doanh nghiệp dựa trên cơ sở chứng minh chi phí đầu vào tăng. Sở sẽ tham mưu với UBND thành phố giải pháp để tính toán hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp nhằm ổn định hơn chi phí đầu vào.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng cho biết sẽ theo sát diễn biến giá cả để tránh tình trạng tăng giá "té nước theo mưa".

Trong diễn biến liên quan, theo báo Tuổi trẻ, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cao su - nhựa TP.HCM cho biết trước đây giá nhựa nguyên liệu chỉ ở mức khoảng 1.000 USD/tấn, thời điểm dịch bệnh xuống 800 - 900 USD/tấn, song hiện đã lên mức khoảng 1.300 USD/tấn và dự báo vẫn còn tăng.

Trước đây các DN xuất bán hàng trăm ngàn tấn thì hiện chỉ bán mỗi đợt 10.000 - 30.000 tấn. Theo ông Việt, khi giá nguyên liệu tăng 30%, cộng với khó khăn nguồn cung sẽ tác động đến giá thành đầu ra. 

Còn theo ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tôn Đông Á cũng cho hay xăng dầu tăng giá đã tác động lập tức đến chi phí vận chuyển của DN này và các chi phí nhiên liệu cũng tăng lên. Bên cạnh đó, một số mặt hàng đã tăng giá chào mới so với tháng 1-2 lên đến 20 - 30%.

Nhận định về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược (VESS) cho biết, biến động giá nhiên liệu chắc chắn sẽ lan tỏa sang những nhóm hàng hóa khác. Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát hiện nay, dung lượng chính sách vĩ mô của Việt Nam không còn lớn. Chính sách tài khóa thì Việt Nam đã chi khá lớn trong phòng chống dịch COVID-19. Chính sách tiền tệ cũng không còn nhiều, lạm phát hiện khá cao và nếu lạm phát trên 1%/tháng là dấu hiệu bất ổn vĩ mô.

Các chuyên gia của Ngân hàng HSBC cũng cho rằng giá nhiên liệu tăng chắc chắn tác động trực tiếp đến giá tiêu dùng. Lạm phát tăng 1,4% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do chi phí vận chuyển tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước.

"Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam vẫn cần đặc biệt lưu tâm đến những rủi ro về lạm phát vì giá hàng hóa tăng là vấn đề xảy ra trên diện rộng chứ không chỉ xoay quanh nhiên liệu", chuyên gia của HSBC nhận định.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu