09:04 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp gặp khó vì phí xét nghiệm Covid-19

10:27 22/09/2021

(THPL) – Theo một số doanh nghiệp, để thực hiện 3 tại chỗ thì ngoài những khoản phí đầu tư việc ăn ngủ nghỉ của công nhân tại nhà máy, tiền xét nghiệm là một khoản gánh nặng khi họ mất hàng trăm triệu đồng cho mỗi lần test.

Báo VnExpress đưa tin, bà Nguyễn Minh Trang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Delta cho biết, bình quân cứ 2 ngày lái xe lại phải lấy mẫu xét nghiệm một lần để có kết quả "gối đầu", đáp ứng yêu cầu có giấy xét nghiệm trong 72 giờ từ thời điểm lấy mẫu của nhiều địa phương. Phổ giá xét nghiệm PCR mẫu gộp khoảng 200.000 đồng một người, còn nếu xét nghiệm đơn là 700.000-800.000 đồng một mẫu, tuỳ cơ sở y tế.

Mỗi tháng doanh nghiệp này mất 300 triệu đồng chi phí xét nghiệm PCR cho gần 150 lái xe. Với các tuyến đường dài chạy 4-5 ngày thì chi phí xét nghiệm tăng gấp đôi. "Nếu được chủ động tự test, doanh nghiệp sẽ bớt đi gánh nặng", bà Trang nói.

Còn theo đại diện Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc ở Đồng Nai cho biết, đơn vị đã thực hiện 3 tại chỗ từ giữa tháng 7. Doanh nghiệp này đang duy trì sản xuất với 300 công nhân, từ 650 người ban đầu.

"Chưa đến 2 tháng, chúng tôi đã phải làm 1.600 lần test cho 300 công nhân. Trung bình, mỗi người phải xét nghiệm 3 lần một tháng", vị đại diện này nói.

Doanh nghiệp thêm khó vì phí xét nghiệm Covid-19. Ảnh minh họa

Theo báo Thanh niên, tại Long An đang triển khai mạnh mẽ kế hoạch “3 giai đoạn” để phục hồi sản xuất, kinh doanh cho hơn 12.500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; nhưng kèm theo quy định buộc các doanh nghiệp chỉ được nhận người lao động có kết quả xét nghiệp PCR âm tính trong vòng 48 giờ, đồng thời phải tiến hành test nhanh định kỳ với số lượng lao động không dưới 20% tổng số người lao động tại doanh nghiệp…

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có lượng công nhân từ vài nghìn đến vài chục nghìn người, cho biết họ không đủ năng lực tài chính để thực hiện các quy định trên do hơn 2 tháng nay phải tạm đóng cửa, dừng sản xuất; các đối tác, đơn hàng theo hợp đồng dường như đều phải tìm kiếm lại từ đầu.

Tương tự, Tập đoàn Mỹ Lan (tại Trà Vinh) thực hiện "3 tại chỗ" từ cuối tháng 7. Doanh nghiệp này xét nghiệm PCR cho 350 nhân viên với chi phí hàng tuần là 60 triệu đồng, tức 240 triệu đồng một tháng. 

Nhiều doanh nghiệp bình quân 2-3 ngày phải xét nghiệm cho công nhân một lần. Nếu doanh nghiệp có hàng nghìn lao động như doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất điện tử, số tiền phải trả lên tới hàng tỷ đồng.

Trước thực trạng trên, một số doanh nghiệp cho rằng, được tự test Covid-19 sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí. Ông Trần Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta ước tính sẽ tiết giảm được khoảng 70% chi phí xét nghiệm cho nhân viên.

Nhằm duy trì, ổn định sản xuất và giảm áp lực tài chính trong xét nghiệm, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19. Theo đó, 14 hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị đưa kit test nhanh vào diện được trợ giá và bình ổn giá.

"Việc trao quyền tự chủ không những giảm áp lực tài chính trong xét nghiệm của doanh nghiệp, mà cơ bản nhất là làm tốt hơn khâu quan trọng trong phòng, chống dịch, đó là test sàng lọc truy vết", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định.

Bên cạnh đó, các hiệp hội cũng kiến nghị được đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, các doanh nghiệp được chủ động sử dụng tổ y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông và giao dịch.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu