11:07 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19

Lâm Tới (T/h) | 21:29 09/09/2021

(THPL) - Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.

Ngày 9/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Nghị quyết hướng đến mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Chính phủ quyết nghị thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã khiến cho nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động

Điểm nổi bật trong nội dung này là Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng COVID-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm, bao gồm người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đang có đơn hàng sản xuất, hoạt động xuất, nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa, cảng biển; người làm việc tại các công trình trọng điểm quốc gia và địa phương, người lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao.

Tiếp tục bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực cần thiết khác.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi các quy định về bảo hiểm y tế theo hướng cho phép bảo hiểm y tế được thanh toán các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa có thu phí, trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 9/2021.

Trong tháng 9/2021, ban hành văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và việc công nhận kết quả xét nghiệm. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, hướng dẫn, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu vaccine; Nhà nước thực hiện kiểm tra chất lượng, cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vaccine miễn phí cho mọi người dân; mua máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch, thuốc điều trị COVID-19; sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước.

Căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch và mức độ bao phủ vaccine trên địa bàn, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg có lộ trình, kế hoạch cụ thể để các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể hoạt động trở lại. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc xét nghiệm và các điều kiện cần thiết đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để sớm được tham gia lưu thông và các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương phổ biến, tập huấn và đẩy mạnh triển khai kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tới 100% cấp huyện, cấp xã; ban hành Sổ tay điện tử hướng dẫn ứng phó với COVID-19; xây dựng cổng thông tin về các văn bản chỉ đạo, điều hành chống dịch, công bố trong tháng 9/2021, góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong công tác phòng, chống dịch.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng nền tảng công nghệ số để tích hợp, hướng dẫn triển khai đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh, chứng chỉ xanh... nhằm đảm bảo thông tin tập trung, chính thống, nhanh chóng, thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân, hoàn thành trong tháng 9/2021.

Các địa phương chủ động chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả; huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đời sống cho người lao động.

Để đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thuỷ toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi; khai thác lợi thế của việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt trong chuỗi cung ứng sản phẩm, không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hoá, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn quy định về giao nhận, vận tải trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19.

Các địa phương cùng với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn; chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại khi đáp ứng điều kiện an toàn phòng, chống dịch; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhưng phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch; huy động tối đa các nguồn lực hiện có, nhất là hợp tác công ty để hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho người lao động.

Đồng thời, đánh giá đầy đủ khả năng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong việc đáp ứng yêu cầu an toàn phòng chống dịch khi áp dụng các mô hình: “Một cung đường, hai điểm đến”, “Ba tại chỗ”, “Ba cùng”... và các mô hình phù hợp để áp dụng khi đáp ứng điều kiện an toàn, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Tập trung tháo gỡ triệt để tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống dịch COVID-19, tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Trung ương; không tạo ra các loại giấy phép “con”, các điều kiện cản trở lưu thông hàng hóa, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Theo Báo Tuổi trẻ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa công bố báo cáo khảo sát về tình hình doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19, được thực hiện với gần 70.000 người lao động và hơn 21.500 doanh nghiệp/hộ kinh doanh.

Theo đó, tình hình "sức khỏe" doanh nghiệp được chỉ ra qua khảo sát khi có gần 32,5% doanh nghiệp là diện "tự nguyện ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chờ hết đợt dịch bùng phát", gần 2,5% doanh nghiệp "buộc phải đóng cửa do có người bị mắc COVID-19" và hơn 6% doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động khi các địa phương áp dụng chỉ thị 15, chỉ thị 16/16+.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và chỉ còn dòng tiền để duy trì "ít hơn 1 tháng" chiếm khá cao, gần 40% và gấp 2,5 lần với các doanh nghiệp đang "duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh".

Hộ kinh doanh là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất khi có tới 45% chỉ còn dòng tiền để duy trì trong 1 tháng, tiếp đến là doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 40% và doanh nghiệp nhà nước chiếm 30%…

Có khoảng 46% doanh nghiệp có thể kéo dài duy trì hoạt động dưới 3 tháng, cho thấy việc doanh nghiệp có tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc khá nhiều vào khả năng được phép hoạt động trở lại hay không.

Vì thế, Ban IV cho rằng thời điểm tháng 9-2021 có thể xem là thời điểm mang tính chất "quyết định" để "cứu nguy" cho hai nhóm doanh nghiệp nêu trên nếu chính quyền có thể hỗ trợ doanh nghiệp vận hành trở lại hoạt động hoặc tự thân các doanh nghiệp tổ chức được sản xuất, kinh doanh.

Lâm Tới (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu