09:53 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Chiến lược và hướng đi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thời COVID-19

18:40 09/09/2021

(THPL) - Làm sao để doanh nghiệp “thoát hiểm” Covid 19? - Đây là chủ đề thảo luận chính của chương trình tọa đàm online “Chiến lược và hướng đi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thời COVID-19” được tổ chức bởi DGroup ngày 27/8.

Sự kiện có sự góp mặt của nhiều chuyên gia khách mời với kinh nghiệm đa dạng trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 diễn ra trong năm 2021, nhiều tỉnh thành phía Nam nằm trong diện kiểm soát chặt chẽ về phòng chống dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn vì đứt gãy chuỗi cung ứng, tốn nhiều chi phí để thực hiện vừa sản xuất, vừa chống dịch.

Phát biểu tại Tọa đàm, CEO Lê Dung - Ủy viên BCH Hanoisme, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, trong đó cộng động doanh nghiệp, doanh nhân gặp rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm có tới gần 80.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,5% so cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý hơn là nhiều doanh nghiệp lớn cũng gặp khó khăn và dần rút khỏi thị trường.

Trong đó, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có quy mô vốn từ 20 - 50 tỷ đồng, tăng 45,3%; quy mô vốn 50 - 100 tỷ đồng, tăng 23,4; quy mô vốn trên 100 tỷ đồng tăng 32,3%.

Hiện nay, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như: thiếu dòng tiền, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng, lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng, khó tiếp cận vốn vay…

Bà Lê Dung mong rằng, những chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia sẽ là bài học hữu ích để các doanh nghiệp có thể áp dụng, vượt qua khó khăn, thích ứng tốt hơn để cùng nhau xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh.

Chia sẻ về quan điểm của mình, chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh - chuyên gia chiến lược và xây dựng tổ chức cho rằng, tác động của Covid-19 đến thời điểm này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược so với khi mới xảy ra.

Bởi theo ông Thịnh, nếu ứng phó Covid-19 theo cách cũ chúng ta có thể gặp nguy cơ: Cạn tiền, cạn hàng, vỡ tổ chức, đứt gãy chuỗi sản xuất – dịch vụ, tâm lý xã hội biến loạn….

Đưa ra giải pháp, theo ông Thịnh, chính phủ cần giãn thuế, giảm nghĩa vụ đóng BHXH, giải tỏa mọi nhiêu khê cản trở sản xuất kinh doanh và thông thương, coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ chủ đạo của "hệ thống chính trị".

Còn đối với các doanh nghiệp, nên ưu tiên “Chiến lược Tam Nông”, tức là xâm nhập vào địa bàn nông thôn, định hướng vì khách hàng nông dân, khai thác hỗ trợ phục vụ lĩnh vực nông nghiệp…

Không chỉ vậy, bằng kinh nghiệm thực chiến, đồng hành với hàng ngàn doanh nghiệp, chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giải đoạn nhạy cảm này.

Ông cũng đưa ra 10 khuynh hướng thay đổi về hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế chuyển đổi số: từ lợi thế địa phương đến vị thế trong chuỗi tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh, từ sản phẩm đơn nhất đến thỏa mãn tập tính tiêu dùng, từ chu trình dài đến các kỳ hạn ngắn bắt sóng thay đổi, từ kỹ năng riêng lẻ đến thông minh tương tác, từ kiến tạo cá biệt đến môi trường tương tác sinh thái, từ tích lũy kinh nghiệm đến ý thức ngoài đường chân trời, từ giao dịch đơn lẻ đến liên kết đồng đẳng mạng, từ chọn tính ưu trội cá thể đến tạo hình thái tiêu chuẩn mạnh, từ cách truyền thống đến công nghệ số hóa toàn diện, từ cách thứ tự thân đến giải pháp không biên giới. Khi vận dụng tốt những khuynh hướng trên, doanh nghiệp sẽ đứng vững trên “bàn xoay” chuyển dịch kinh tế và phát triển nhanh chóng.

Vị chuyên gia này một lần nữa khẳng định chuyển đổi số chính là giải pháp phù hợp nhất, là “chìa khóa vàng” giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa mở ra một cánh cửa mới, an toàn để bắt đầu cho những bước đi chắc chắn trong tương lai.

Nhận định tình hình, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, dịch bệnh kéo dài, chưa biết kết thúc thời điểm nào. Nên nếu đứt gãy chuỗi cung ứng, cơ hội phục hồi của doanh nghiệp sẽ rất khó. Do đó, chúng ta cần chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng thích ứng với những khó khăn.

Đúc rút kinh nghiệm sống “hòa thuận” với dịch bệnh của doanh nghiệp, bà Vũ Thị Thuận - Nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Traphaco cho rằng, không có cách nào khác, chúng ta cần đẩy mạnh công nghệ số.

Đây là thời điểm để doanh nghiệp có cơ hội để tiết giảm chi phí, xem xét lại mỗi con người và quy trình.Từ đó, tháo gỡ khó khăn từng bước, tập trung vào mũi nhọn cần hướng đến. Qua đó, doanh nghiệp cần nhanh nhạy phát hiện những cái mới trong đại dịch và chuẩn bị tâm thế để hành động.

Bày tỏ quan điểm của mình, ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch Hanoisme cho rằng, các giải pháp về thuế, tài chính, thủ tục hành chính chỉ là giải pháp căn cơ, còn giải pháp trước mắt cho thể thực hiện phải là làm sao để doanh nghiệp lưu thông hàng hóa. Nhiều đối tác nước ngoài đã dừng giao thương với Việt Nam vì những lý do dịch bệnh. Hàng hóa ứ đọng, sản xuất đình trệ, nên doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ.

Có thể thấy Covid 19 gây ra không ít khó khăn cho toàn bộ nền kinh tế, nhưng đây là “phép thử” tất yếu để kiểm chứng khả năng thích ứng và nhạy bén của các doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là một cú huých lớn để doanh nghiệp thay đổi tư duy, áp dụng chuyển đổi số toàn diện trong quá trình xây dựng, củng cố và phát triển doanh nghiệp.

PV

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu