04:51 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp dệt may chú trọng thực hiện xanh hóa trong sản xuất

13:49 19/07/2023

(THPL) - Hiện nay, xanh hoá sản xuất trong ngành dệt may khá đa dạng và được doanh nghiệp chuyển đổi phù hợp với bối cảnh riêng, như: Chuyển đổi sang hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái; thay thế lò hơi đốt than, đốt dầu bằng lò hơi điện, lò hơi sử dụng nguyên liệu từ tự nhiên…

Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và những tiến bộ vượt bậc của khoa học, công nghệ đang và sẽ tạo áp lực và động lực phát triển kinh tế xanh nói chung, công nghiệp xanh nói riêng, trong đó có ngành dệt may, hướng tới sự phát triển bền vững ở cả cấp quốc gia và toàn cầu.

Thời gian gần đây, “xanh hoá sản xuất” là cụm từ được nhắc đến nhiều tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo của ngành dệt may. Theo ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xanh hoá không còn là xu hướng mà đã hiện hữu và được các doanh nghiệp dệt may đón nhận và đầu tư thích đáng.

“Khoảng 50% doanh nghiệp dệt may đã “xanh hoá sản xuất” mới có thể có đơn hàng trong bối cảnh thị trường khó khăn, cạnh tranh khốc liệt như hiện nay”, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói.

Doanh nghiệp dệt may chú trọng thực hiện xanh hóa trong sản xuất. Ảnh minh hoạ

Đơn cử như với Công ty cổ phần Dệt Trần Hiệp Thành, xanh hoá của doanh nghiệp thể hiện bằng cam kết giảm phát thải CO2. Để thực hiện điều này, doanh nghiệp liệt kê các nguồn phát thải như lò hơi, gas, thiết bị dùng điện… và tiến hành cắt giảm việc sử dụng than đá, thay bằng vỏ cây và kiểm soát năng lượng…

Lộ trình giảm phát thải CO2 đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư thay đổi máy móc, thiết bị, tìm nguồn nguyên liệu mang tính tự nhiên hơn. Tuy nhiên, cũng nhờ vậy mà với cơ cấu giám sát chi phí, Trần Hiệp Thành đã thành công trong việc sử dụng 80% nhiên liệu xanh hóa và sử dụng 30 - 35% nguyên liệu tái chế được.

Hay như, công ty Dệt may Trung Quy được biết tới với độ chịu chi khi đầu tư hơn 270 tỷ đồng vào nhà xưởng 10.000 m2 tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nhờ đó có thể tiến đến quy trình sản xuất xanh một cách nhanh chóng. Ở khâu nhuộm, dệt, doanh nghiệp có thể tiết kiệm 60 - 70% lượng nước so với công nghệ cũ, không chỉ giúp khép kín quy trình sản xuất, mà còn cung ứng kịp thời nguồn vải chất lượng, chuẩn quốc tế cho doanh nghiệp may mặc trong nước, với năng suất 2 triệu mét vải/năm.

Đặc biệt, doanh nghiệp đã xuất khẩu 2 container vải có nguồn gốc sợi hữu cơ, là lô hàng đầu tiên sau khi công ty chuyển sang mô hình sản xuất xanh từ cuối năm 2022. Đây là trái ngọt cho những nỗ lực của Trung Quy trong tiến trình bắt nhịp xanh hoá sản xuất.

Liên quan đến xanh hoá trong sản xuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cho biết, các quy chuẩn và đánh giá sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ngày càng cao dựa trên mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp về trách nhiệm đối với người lao động, môi trường, xã hội và người tiêu dùng toàn cầu trước khi các sản phẩm được đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, các quy chuẩn này sẽ không cố định mà liên tục thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt thích ứng.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới Việt Nam ký đều có các quy tắc, cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. "Xanh hóa" ngành dệt may là xu thế toàn cầu chứ không chỉ riêng tại Việt Nam. Điều này bắt buộc doanh nghiệp phải triển khai bằng việc đầu tư công nghệ sản xuất, tự động hóa, xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động, giúp tăng tính cạnh tranh đối với khách hàng và người tiêu dùng.

Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng cho sự phát triển dài hạn của ngành dệt may, da giày Việt Nam. Chiến lược phát triển đã đề ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị và phát triển thị trường, ngoài việc đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng, việc sử dụng nguồn nguyên liệu ít sử dụng carbon hơn, nguyên liệu sạch… cũng hết sức quan trọng. Điều này cho thấy khát vọng hướng tới sự phát triển mạnh mẽ và bền vững cho ngành dệt may, da giày Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu