07:08 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, cung ứng nguồn hàng dịp cuối năm

16:22 21/10/2022

(THPL) - Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng lương thực, thực phẩm đã lên kế hoạch gia tăng sản lượng, tìm nguồn nguyên liệu phù hợp để đưa ra giá thành cạnh tranh.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM Lý Kim Chi, gần đây giá cả đầu vào một số sản phẩm tăng, đẩy chi phí sản xuất tăng 20%-30%. Điều này tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm và ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị hàng tết của doanh nghiệp khi nguồn vốn cần sử dụng tăng cao hơn so với các năm trước.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương đánh giá, dù có những thuận lợi, khó khăn đan xen, nhưng 9 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ ước đạt 466.000 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu khá lạc quan của kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM vừa vượt qua đại dịch Covid-19. “Nhìn chung, tình hình thị trường trên địa bàn thành phố khá sôi động, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chủ động dự trữ, bổ sung hàng hóa, đa dạng chủng loại để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt cao điểm cuối năm”, ông Phương nhận xét.

Nhằm ổn định thị trường từ nay đến cuối năm, Sở Công thương TP.HCM tiếp tục triển khai công tác bình ổn thị trường hàng hóa nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm; chủ động triển khai các giải pháp tăng cường liên kết vùng nguyên liệu với các tỉnh, thành, thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, dữ liệu tình hình sản xuất cung ứng và thị trường tiêu thụ; hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa có sức chịu đựng, thích ứng, linh hoạt cao trước các tác động của thiên tai, dịch bệnh và tác động khác…

Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, cung ứng nguồn hàng dịp cuối năm. Ảnh minh hoạ

Sở Công thương TP.HCM sẽ triển khai các chương trình, giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, triển khai hiệu quả hoạt động các hội đồng ngành, kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp; đặc biệt với những doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường thành phố trong dịp tết.

Bên cạnh đó, sẽ triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu mua sắm cuối năm như: Chương trình khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm trên địa bàn thành phố năm 2022 (đợt 2) với chủ đề “Rộn ràng mua sắm mùa xuân”; tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2022; tổ chức Hội chợ xúc tiến tiêu dùng năm 2022… Đặc biệt, do TP.HCM là thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước, Sở Công thương sẽ phối hợp với các địa phương trong công tác khảo sát, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường cuối năm 2022 và Tết Quý Mão năm 2023.

Theo tìm hiểu, tại TP.HCM, nhiều năm nay, chương trình bình ổn thị trường đã góp phần thúc đẩy phát triển, minh bạch, lành mạnh thị trường nội địa, trong đó các nhà bán lẻ như Saigon Co.op, MM Mega Market, Satra… đã góp sức không nhỏ cho công cuộc này.

Đơn cử Saigon Co.op, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết: Trong 16 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, tổng lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op bình quân đạt 10.000 tấn/năm, trong đó, các mặt hàng bình ổn thiết yếu chiếm 70 – 80% tỷ trọng. So với năm đầu tiên tham gia chương trình (2006), đến năm 2021, sản lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op đã tăng gấp 8 lần; tỷ lệ hàng Việt tăng từ 80% lên trên 90% trong cơ cấu hàng hóa, riêng các mặt hàng bình ổn luôn đảm bảo 100% là hàng Việt. Số lượng điểm bán bình ổn cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh thành khác, tăng từ 17 điểm bán (2006) lên hơn 600 điểm bán trên cả nước (riêng tại TP. Hồ Chí Minh là 422 điểm bán).

Cũng như Saigon Co.op, từ nhiền năm nay, MM Mega Market đã theo dõi sát chương trình bình ổn thị trường, nhận thấy đây là chương trình mang tính chiến lược nhằm duy trì sự bình ổn của thị trường, đặc biệt sau nhiều biến động của dịch Covid-19.

Báo Công thương đưa tin, theo số liệu thống kê của TP. Hồ Chí Minh cho thấy, sau 1 năm mở cửa tái khởi động và đẩy mạnh các hoạt động kinh tế - xã hội hậu Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố đã trở về trạng thái bình thường so với thời điểm trước dịch; hoạt động sản xuất lẫn thương mại - dịch vụ… đang có chiều hướng tăng trưởng tốt, mang lại kỳ vọng mới cho sự phát triển trong thời gian tới. Các kênh phân phối hồi phục nhanh cho thấy tình hình thị trường trên địa bàn khá sôi động.

Mặc dù vậy, nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào chưa ổn định, sức mua toàn cầu suy giảm do lạm phát cao tại những thị trường nhập khẩu quan trọng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu… là những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối diện và cần vượt qua. Thêm vào đó, giai đoạn “hậu Covid-19”, người tiêu dùng có sự thay đổi rõ rệt trong hành vi và xu hướng tiêu dùng. Kết quả “Khảo sát người tiêu dùng Việt Nam” do Deloitte thực hiện gần đây chỉ ra rằng đang có sự dịch chuyển của các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng sang các mặt hàng thiết yếu. Người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm sự lựa chọn thay thế có chất lượng cao hơn. Một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng tăng cường sử dụng các nền tảng kỹ thuật số và mong muốn có những trải nghiệm mua sắm tốt hơn.

Trước những thách thức trên, doanh nghiệp sản xuất hàng lương thực, thực phẩm phải lên kế hoạch gia tăng sản lượng, tìm nguồn nguyên liệu phù hợp để đưa ra giá thành cạnh tranh.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu