13:16 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp cần chủ động trước bài toán nguồn cung nguyên liệu

15:19 03/10/2022

(THPL) - Hiện nay giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm, vì vậy nhiều doanh nghiệp đã tăng thu mua nguyên liệu, bằng cách đa dạng thêm nhà cung cấp và tối ưu hóa chi phí để sẵn sàng đón đầu nhu cầu tiêu dùng cuối năm.

Thông thường, những tháng cuối năm sẽ là mùa mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm. Đây cũng là tháng cao điểm để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất.

Báo VTV News đưa tin, theo Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đã tăng tích trữ để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định và sẽ cân nhắc giảm từ 5 - 15% giá bán sản phẩm hàng hóa.

"Chúng tôi đã có dự trữ ổn định cho tới cuối năm và qua 1 - 2 tháng đầu của năm 2023. Một số mức giá bắt đầu giảm xuống. Các mặt hàng chủ lực theo đó sẽ ổn định trong thời gian từ nay tới cuối năm", bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, thông tin.

Tuy đang có lợi thế về mặt nguyên liệu, nhưng theo đánh giá của Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp thay vì tích trữ 6 tháng như mọi năm, nay chỉ khoảng 3 tháng, bởi thiếu vốn phục vụ cho sản xuất. Các doanh nghiệp đang xoay xở bằng nhiều cách để vừa ổn định sản xuất, vừa không tăng áp lực tài chính.

Doanh nghiệp cần chủ động trước bài toán nguồn cung nguyên liệu. Ảnh minh hoạ

Theo thống kê, 8 tháng vừa qua, các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đang dần phục hồi trở lại. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp trong ngành này đã linh hoạt chuyển hướng về thị trường nội địa và khai thác khá tốt thị trường nội địa.

Mặc dù Việt Nam có nguồn nguyên liệu thực phẩm dồi dào nhưng các doanh nghiệp chế biến vẫn phải nhập đến 90%. Mỗi năm, các doanh nghiệp trong nước phải chi nhiều tỷ USD cho nhập khẩu nguyên liệu. Điều này khiến cho giá bán sản phẩm thực phẩm Việt rất khó cạnh tranh với các quốc gia có sản phẩm tương tự và mất lợi thế ngay trên “sân nhà”.

Theo số liệu từ Hải quan cho thấy, tính đến giữa tháng 9/2022, Việt Nam đã chi hơn 13,2 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng thủy sản, rau quả, nguyên phụ liệu chế biến thực phẩm. Trong đó, nhiều nhất là các mặt hàng ngô, hạt điều, thủy sản, rau quả….

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Lê Nguyễn Đoan Duy - Giám đốc phát triển kinh doanh Tập đoàn Nguyên Liệu Á Châu cho biết, hiện nay nông sản của Việt Nam còn khá manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết bền vững. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến. “Công ty muốn xây dựng nhà máy chế biến công suất 100.000 tấn thì nguyên liệu đầu vào ít nhất cũng phải 200.000 – 300.000 tấn. Tuy nhiên, để đảm bảo được khối lượng nguyên liệu đầu vào này không dễ do các vùng nguyên liệu không đáp ứng được”, ông Lê Nguyễn Đoan Duy nêu dẫn chứng.

Cũng bởi sản xuất manh mún, nên người nông dân chưa có được lợi ích tương xứng với công sức bỏ ra, các hình thức cánh đồng mẫu lớn hay hợp tác xã kiểu mới chưa thực sự toàn diện...

Báo Công thương đưa tin, theo ông Phạm Ngọc Hưng Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh, với những biến động về chuỗi cung ứng nguyên liệu trên thế giới, hiện một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã hướng đến sản xuất nguyên liệu thực phẩm trong nước, tận dụng nguồn tài nguyên nông sản sẵn có.

“Hy vọng thời gian tới xu hướng mới trong lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh. Bởi vì ngành nguyên liệu thực phẩm được xem như ngành công nghiệp phụ trợ và Chính phủ rất ủng hộ. Trước những biến động, nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, khủng hoảng năng lượng… Các công ty thực phẩm rất muốn có nguồn cung ổn định, nhất là cần có sự chủ động về nguồn nguyên liệu ngay tại Việt Nam”, ông Hưng nói.

Tuy nhiên để các doanh nghiệp có nguồn lực để xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững, về phía nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ đi sâu, đi sát với người nông dân. Đồng thời xây dựng những đầu mối liên kết, để người nông dân thấy được giá trị gia tăng của việc cung cấp cho những doanh nghiệp chế biến để sản xuất ra các nguyên liệu, từ đó đảm bảo cho sự phát triển bền vững cho cả một vùng.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu