19:47 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Dẻo thơm hương cốm vùng cao Tuyên Quang

Minh Anh | 15:14 19/11/2023

(THPL) - Chẳng biết từ bao giờ, đồng bào Tày, Dao, Pà Thẻn ở huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) lại có thêm nghề làm cốm. Cốm xứ Tuyên mộc mạc, dân dã, mang đậm hương vị quê hương vẫn ngày ngày theo chân các bà, các chị đến mọi miền của Tổ quốc.

Khi trời vẫn còn vương vấn khói sương sớm ở thôn Bản Luông (xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình), chị Ma Thị Họa đã tất bật chuẩn bị rang mẻ cốm mới. Chao ôi! Hương nếp mới ngọt ngào chứa đựng tinh tuý của đất trời lách tách trên bếp lửa hồng mới xao xuyến làm sao. Đồng bào ở Hồng Quang đã thuần thục tới mức chỉ cần dỏng tai nghe tiếng lách tách của vỏ thóc khi rang là biết đến độ nào đủ dẻo để bỏ cốm ra giã. 

Chị Hoạ cho biết: Cứ đến mùa nếp mới là đồng bào lại làm cốm dâng lên ông bà, tổ tiên tỏ lòng thành kính, sau đó để ăn trong gia đình và làm quà biếu tặng. Vị cốm của Hồng Quang cũng thật riêng biệt bởi sự ưu ái của thiên nhiên quanh năm khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ và có sẵn nguồn nước trong vắt từ đầu nguồn chảy về. Thông thường, mùa cốm ở Lâm Bình sẽ bắt đầu vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 và kết thúc vào tháng 12. 

 

Đắp lò sấy cốm, đây là công đoạn quan trọng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và nhanh tay.

Cốm được làm từ những bông nếp cái hoa vàng được gặt khi vừa đủ độ, không quá già cũng không quá non.

Dù ở tuổi 70 nhưng ông Ma Đức Thạch ( thôn Bản Ba 1, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hoá, Tuyên Quang) đã có 50 năm gắn bó với nghề làm cốm. Ông Thạch cho biết: Người Tày ở Hà Trung sẽ quen với tục lệ vào ngày rằm tháng 9 hoặc tháng 10, ánh trăng toả sáng đẹp nhất trong năm, người dân sẽ tổ chức giã cốm để đón mẹ Trăng và các nàng tiên xuống trần gian dự. Khi đó, đồng bào sẽ làm lễ cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no cơm áo đầy đủ. 

“Từ đó, thức quà dân dã cốm của người Tày Trung Hà ra đời, trở thành món quà quê thơm thảo, khiến những đứa con xa quê chẳng bao giờ thôi thổn thức mỗi khi nhắc tới. Còn với những vị khách phương xa lại cảm thấy lưu luyến, bồi hồi, hương cốm của người Tày Hà Trung lại theo bước chân người đi xa”, ông Thạch nhấn mạnh.  

Quy trình để làm ra cốm thành phẩm của người Tày Trung Hà cũng thật cầu kỳ: Từ khâu chọn lúa, rang thóc đến giã cốm được làm dưới bàn tay khéo léo của những thiếu nữ duyên dáng, của chàng trai Tày khoẻ khoắn, vạm vỡ. Đồng bào phải đi gặp trước 8 giờ khi lúa còn non, hạt vừa chống mẩy và thanh sữa. Đây chính là thời điểm thích hợp nhất để gặt lúa về làm cốm, giữ trọn được vị thanh, vị ngọt của đất trời. 

 

Mẻ cốm mới ra lò của đồng bào Tày Hà Trung.

Du khách được trải nghiệm, thưởng thức hương vị cốm và mua về làm quà.

Một mẻ cốm ngon phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật rang trên củi lửa hồng liu diu vừa đủ, không quá lớn cũng như quá nhỏ. Khi thời gian rang vừa đủ, người thợ sẽ đổ nếp ra và giã thành cốm,tiếng chày va vào loỏng gỗ, cối đá rộn rã, mùi hương cốm thơm ngào ngạt, ngất ngây lòng người. 

Ông Seo Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Trung Hà cho biết: Năm 2023, HTX Nông nghiệp dịch vụ Bản Ba được thành lập đã giúp cho nghề truyền thống của địa phương được phát triển, đặc biệt là nghề làm cốm. UBND xã luôn chú trọng và bảo tồn nghề truyền thống được cha ông truyền lại từ nhiều đời nay. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ định hướng một số hộ gia đình phát triển homestay gắn với nghề làm cốm để thu hút khách du lịch khám phá, trải nghiệm. 

Minh Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu