11:35 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

"Đại hồng thuỷ Cô rô na" và lời cảnh báo

Nhà báo, Nhà thơ NGUYỄN THỊ HẠNH LOAN (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh) | 15:35 08/04/2020

"Con virus corona tuy nhỏ bé nhưng dường như nó đang là nguyên nhân gây ra sự biến đổi của thế giới với những giá trị mới của cuộc sống. Những ngày toàn đất nước thực hiện cách ly xã hội, thế giới “bế quan tỏa cảng” vì Covid-19, chúng ta có thời gian sống chậm, mỗi người thu nhỏ lại với chính gia đình của mình, với những mâm cơm tự nấu, những bữa ăn quây quần, những nỗi lo sợ và mong dịch bệnh qua mau" - Nhà thơ Hạnh Loan chia sẻ.

Tôi có một người bạn gái thân theo Thiên Chúa giáo. Tôi đã quen việc đọc những câu trong Kinh Thánh cô ấy gửi cho tôi vào zalo mỗi ngày vào sáng sớm.

Tôi có một cậu con trai 13 tuổi. Cậu  bé say mê những video về vũ trụ với những thiên hà cách nhau hàng ngàn năm ánh sáng, hố đen, hệ mặt trời, dải Ngân Hà và hàng tỷ ngôi sao trong vũ trụ. Trái đất lớn vậy, có 7,5 tỷ dân nhưng nếu so với vũ trụ thì trái đất chỉ là một chấm nhỏ giữa khoảng không. Dĩ nhiên, mỗi con người chỉ như hạt bụi, không hơn không kém.

Tôi tin rằng, con người chưa hiểu hết chính mình và càng không thể hiểu hết thế giới, vũ trụ. Tôi cũng tin rằng, rất có thể trong hàng tỷ tỷ thiên hà kia, chắc sẽ có những hành tinh có sự sống, có nền văn minh. Tôi cũng tin rằng, sẽ có những nền văn minh ngoài trái đất.

Với cô bạn gái của mình, tôi cũng tin có một sự sắp đặt vô hình của tạo hóa cho tôi gặp cô ấy. Bạn tôi tin vào Đức Chúa Trời, Đấng sáng tạo nên vũ trụ, theo một quy luật bí ấn nào đó, ví như trái đất tự xoay vần trong không trung mà không cần bất cứ cái gì nâng đỡ… Bởi vậy, dù không theo đạo Thiên Chúa nhưng tôi tự cho rằng mình có đức tin. Tôi có niềm tin tôn giáo của riêng mình.

Nhà thơ Hạnh Loan. 

Virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch Covid-19 đang thay đổi thế giới. Rõ ràng, loài sinh vật nhỏ bé tưởng chừng vô hình kia đang là một phép thử đối với nhân loại, chứng minh con người vô cùng nhỏ bé trước thiên nhiên, những thế lực siêu nhiên và bí ẩn của vũ trụ bao la mà con người chưa thể hiểu hết. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà khoa học, khi lý giải vũ trụ và bất lực trước vũ trụ, đều tin vào thế giới siêu nhiên.

Vậy có điều gì bất ngờ không khi Louis Pasteur (1822-1895), một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử, cha đẻ của ngành vi sinh vật học, người khám phá ra nguyên nhân dịch bệnh là vi khuẩn, để sáng chế ra  vaccine, tiêm chủng, lại đúc rút câu nói nổi tiếng rằng: “Một ít khoa học làm ta xa rời Chúa; nhiều khoa học làm ta quay về với Chúa”? Hoặc Richard Phillips Feynman (1918-1988), nhà Vật lý lí thuyết nổi tiếng người Mỹ từng đoạt giải Nobel, tổng kết: “Rất nhiều nhà khoa học quả thực vừa tin tưởng khoa học vừa tin vào Thượng Đế”???

Nếu nhìn một cách tổng quát về ảnh hưởng của Covid-19 với thế giới, có thể ví như trận “Đại hồng thủy” càn quét qua hầu khắp các quốc gia trên thế giới, đe dọa, xâm lược và tàn phá sự sống nhân loại theo cách của nó. Covid-19 làm ta liên tưởng tới cơn Đại hồng thủy được nhắc tới trong kinh Thánh. Con tàu Nô ê ( còn đọc là Nô ah) được nhắc ở chương 6 đến chương 9 của Sách Sáng thế trong Kinh Thánh, mô tả việc ông Nô ê đóng con tàu theo ý Chúa mách bảo để cứu ông và gia đình cùng các loài động vật nhằm khỏi bị diệt vong bởi trận đại hồng thủy của Thiên Chúa trừng phạt. Theo Kinh Thánh, Nô ê đã được cứu bởi đức Tin. Khi ông đóng xong chiếc tàu thì cơn đại hồng thuỷ đến tiêu diệt tất cả sinh vật. Nghe theo Chúa khi tất cả mọi người đều chết vì cười cợt không tin vào lời Chúa, ông và gia đình vào tàu, hết thảy đều được cứu, đó là phần thưởng của đức tin.

Đức tin và lý trí tạo nên niềm tin tôn giáo. Trong khoảng 10 ngàn tôn giáo khác nhau trên thế giới, tôi mường tượng có lẽ mọi tôn giáo đều phải khởi đầu từ đức tin. Và tôi cũng tin rằng, những người có đức Tin và có lý trí là những người lương thiện. Công giáo cũng như nhiều tôn giáo khác đều hướng đến Đức tin là mưu cầu hạnh phúc của con người, và hướng đến Chân – Thiện – Mỹ. Tin là khởi đầu, đồng thời mới có và sẽ có mọi sự. Trong Tin Mừng, mỗi lần Đức Giêsu chữa bệnh, Người đều nói: “Lòng tin của con đã chữa con”. Người công giáo có đức tin mãnh liệt vào Đức Chúa trời. Tri thức được xem là yếu tố nền tảng cho đức tin. Cho nên, đức tin là bao hàm sự đồng tâm, đó là khi hành động của ý chí hợp nhất với hành động của tri thức. Nếu không đồng tâm, chung một ý chí và nhận thức chống dịch cùng toàn dân, thì không thể gọi là có đức tin .Đức Tin trong công giáo, đó còn là việc tin chắc vào những điều mà mình không hề thấy.Sách Hê- bơ –rơ chương 11, câu 1 có viết: Đức tin là nắm chắc những gì mình hy vọng và vững tin vào những điều mình chưa thấy. Còn sách Khải huyền, chương 21, câu 8 viết : Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng ; đó là sự chết thứ hai.”

Nhà thờ Giáo xứ Cam Lâm - Huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh.

Trở lại với cơn đại hồng thủy trong Kinh Thánh, những phát hiện lịch sử và khảo cổ học về con tàu Nô ê được tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ và việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ năm 1987 công nhận vật thể hình chiếc tàu trên ngọn núi Ararat tại độ cao 2.000m so với mực nước biển ấy là con tàu của Nô ê và khu vực này trở thành công viên quốc gia cũng cho tôi một niềm tin rằng, rất có thể câu chuyện này có thật. Trong các nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Babylon, Lưỡng Hà, Pê ru, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga… và nhiều sách cổ thư có niên đại hơn 2.500 năm trước đều có các phiên bản kể về trận Đại Hồng Thủy cực lớn toàn cầu. Ngay cả Việt Nam, truyện cổ của nhiều dân tộc cũng có kể câu chuyện tương tự về trận đại hồng thủy. Các câu chuyện đều toát lên ngụ ý: Đại Hồng Thủy do Thần tạo ra để hủy diệt loài người vì nhân loại thời kỳ đó đã không còn lương tâm, đạo đức, không còn xứng làm người.

Trong tôn giáo, có một niềm tin đã được nhắc tới nhiều: Một chiếc lá rung có thể lay động đến một ngôi sao, hay một lời nguyện cầu có thể vọng vang đến hàng ngàn  ngôi sao trong vũ trụ. Mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống này đều xuất hiện có nguyên do của nó. Theo đó, mọi sự thay đổi dù nhỏ nhất cũng có thể làm thế giới thay đổi theo.

Con virus corona tuy nhỏ bé nhưng dường như nó đang là nguyên nhân gây ra sự biến đổi của thế giới với những giá trị mới của cuộc sống. Những ngày toàn đất nước thực hiện cách ly xã hội, thế giới “bế quan tỏa cảng” vì Covid-19, chúng ta có thời gian sống chậm, mỗi người thu nhỏ lại với chính gia đình của mình, với những mâm cơm tự nấu, những bữa ăn quây quần, những nỗi lo sợ và mong dịch bệnh qua mau. Chúng ta hiểu thế nào là tình yêu, trách nhiệm, giá trị của gia đình, của môi trường trong lành. Chúng ta hiểu hậu quả của thói tham lam, vô cảm của con người, khi hàng ngàn ha rừng biến mất mỗi năm, hàng ngàn tấn nilong tràn ngập trái đất mỗi năm, bao nhiêu loại chim thú quý hiếm bị tuyệt diệt, tầng ôzôn bị thu hẹp, hành tinh của chúng ta có thể đứng trước hiểm họa diệt vong…

Con người luôn tin mình là kẻ chinh phục thiên nhiên, bá chủ toàn cầu. Nhưng con người đang phải gồng mình chống lại con virus nhỏ bé đang tạo nên một đại hồng thủy về dịch bệnh. Điều đó cho thấy, con người cũng phải nên tin rằng, mình không phải là kẻ mạnh nhất. Phải chăng, đây cũng là thời gian con người tự nhìn nhận lại chính mình.

Chúng ta hãy tin rằng, phải sửa đổi để tử tế hơn, cho chính mình và cho mọi người. Bởi chỉ cần một vài cá nhân làm khác đi, sẽ khiến thế giới ảnh hưởng nặng nề. Một nhà khoa học Mỹ -  Nhà khí tượng học Edward Norton đã nêu ra Lý thuyết hỗn loạn của về tác động của điều kiện ban đầu dẫn tới sự thay đổi cuối cùng của một hệ phức tạp, khi chứng minh một con bướm đập cánh ở Brazil có thể dẫn đến cơn lốc ở Texas cách xa hàng chục nghìn km… Điều này cũng hoàn toàn đúng với niềm tin tôn giáo về sự thay đổi tế vi nhất (rất nhỏ bé) của một sự vật trong vũ trụ có thể tạo ra hiệu ứng của cả vũ trụ…

Trước cơn đại hồng thủy dịch bệnh Covid-19 do virus corona gây ra, mỗi người dân nước Việt đang có một niềm tin, Việt Nam sẽ dập tắt dịch bệnh sớm nhất bằng tất cả nỗ lực của toàn dân. Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cũng đang được khơi dậy mạnh mẽ vì một mục tiêu Việt nam chiến thắng đại dịch.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nhà báo, Nhà thơ NGUYỄN THỊ HẠNH LOAN (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh)

Bình luận

Bình luận

Nguyễn vinh Hiển

Bài viết hay, gợi ra nhiều điều đáng suy nghĩ.

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu