05:32 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Đã có 40.000 doanh nghiệp đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử

Phương Anh (tổng hợp) | 16:56 02/12/2021

(THPL) - Sau 10 ngày kích hoạt hệ thống áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) tại 6 tỉnh, thành phố đã có khoảng 40.000 doanh nghiệp đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ.

Theo đó, Nghị định mới có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng HĐĐT, giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.

Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) cho biết: “Bước đầu kết quả rất khả quan, mặc dù có một số vướng mắc trong giai đoạn đầu liên quan đường truyền, giải pháp phần mềm. Cơ quan thuế và các tổ chức cung cấp giải pháp, tổ chức kết nối đã thường xuyên nâng cấp ứng dụng, giải đáp thường xuyên thắc mắc cho doanh nghiệp đảm bảo việc lập HĐĐT để gửi đến cơ quan thuế để cấp mã diễn ra nhanh chóng”. Đến nay, Tổng cục Thuế đã đăng tải công khai thông tin của 40 tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử lên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, doanh nghiệp ủng hộ mạnh mẽ triển khai HĐĐT. “Trước đây, nhiều doanh nghiệp lo ngại lộ trình ngắn nhưng thời gian qua đã có bước chuẩn bị tốt. Lợi ích thấy rõ nhất là tránh được tình trạng gian lận, mua bán hóa đơn, tránh dùng hóa đơn bất hợp pháp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí phát hành lưu giữ cũng như công tác liên quan đến hoàn thuế. Với các công ty bán lẻ hay các tổ chức giao dịch nhỏ, ứng dụng HĐĐT rất thuận tiện cho việc quản trị, tiết kiệm chi phí và giúp hoạt động kinh doanh tốt hơn”.

Đã có 40.000 doanh nghiệp đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử. Ảnh minh họa

Trước đó để thực hiện theo quy định của Luật, Tổng cục Thuế đã xây dựng lộ trình triển khai HĐĐT theo 2 giai đoạn và đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt. Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, triển khai tại 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định; giai đoạn 2 từ tháng 4/2022 đến tháng 7/2022 thực hiện tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.

Báo Hà Nội mới thông tin thêm, hóa đơn điện tử theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có một số điểm mới so với hóa đơn điện tử (HĐĐT) thực hiện trước đây. Đó là:

Thứ nhất, HĐĐT theo định dạng chuẩn của cơ quan thuế; khi sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế, cơ sở kinh doanh (người bán hàng) phải chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế. Tùy vào đặc điểm cơ sở kinh doanh mà có hai hình thức chuyển dữ liệu hóa đơn là: Chuyển theo bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn cùng tờ khai thuế giá trị gia tăng; chuyển ngay dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế (trường hợp chưa chuyển được ngay thì chậm nhất là trong ngày phát sinh hóa đơn, cơ sở kinh doanh phải chuyển cho cơ quan thuế).

Thứ hai, khi sử dụng HĐĐT, cơ sở kinh doanh chỉ cần làm thủ tục đăng ký sử dụng tại Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế hoặc thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT, không phải làm các thủ tục khác. Đối với HĐĐT có mã của cơ quan thuế, hệ thống cấp mã của Tổng cục Thuế sẽ tự động cấp mã hóa đơn căn cứ trên thông tin do người bán lập gửi đến cơ quan thuế.

Thứ ba, việc chuyển dữ liệu HĐĐT sẽ tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu hóa đơn phục vụ công tác quản lý thuế, quản lý khác của Nhà nước và tạo thuận lợi cho người nộp thuế, như: Kê khai thuế thuận tiện, nhanh chóng; công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng; thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật; kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường; các tổ chức tín dụng sử dụng thông tin HĐĐT để thực hiện các thủ tục về thuế, thủ tục thanh toán qua ngân hàng.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu