17:58 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Công ty CP cấp nước Ninh Thuận xài "chùa” đường ống nước, lợi nhuận rơi vào túi ai?

07:54 25/09/2019

(THPL) - Từ khi Công ty Cấp nước Ninh Thuận được tỉnh Ninh Thuận cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước để chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận, việc kinh doanh tại đây có nhiều dấu hiệu bất minh. Trong khi đó, có điều lạ là công ty này đang xài "chùa” hàng chục tuyến ống Nhà nước đầu tư mà không phải ghi vốn và không phải trả một chi phí nào hết.

Xài "chùa” cả chục tuyến ống cấp nước

Ngày 27/9/2007, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định số 4088/QĐ-UBND phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuyển Công ty Cấp nước Ninh Thuận thành loại hình công ty cổ phần và bắt đầu đi vào hoạt động từ 1/10/2008. Đến tháng 5/2017, Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Sơn Long Thuận đã hoàn tất việc mua 3.223.000 cổ phần của Công ty CP cấp nước Ninh Thuận. Ngay sau đó, ông Đinh Ẩn (ông chủ của Công ty Sơn Long Thuận) được cử làm Giám đốc Công ty CP cấp nước Ninh Thuận. Bắt đầu từ đây, việc kinh doanh của công ty đã bộc lộ những dấu hiệu không minh bạch.

Theo điều tra của PV, từ năm 2008 trở về trước có rất nhiều tuyến ống do UBND các huyện, sở ngành trong tỉnh đầu tư xây dựng tại các vùng nông thôn và bàn giao cho Công ty Cấp nước Ninh Thuận sử dụng. Tuy nhiên, không hiểu vì sao những tuyến ống này lại không được đưa vào phương án ghi vốn để tăng giá trị doanh nghiệp Nhà nước trong cổ phần, thoái vốn Nhà nước tại công ty này. Vì thế, nhiều năm qua công ty này không hề phải bỏ ra một khoản tiền nào mà vẫn nghiễm nhiên được sử dụng vào sản xuất kinh doanh mang về lợi nhuận.

Công ty CP cấp nước Ninh Thuận đang xài "chùa" đường ống của Nhà nước.

Trước hết, chúng tôi xin đề cập đến tuyến ống D400 (được gọi tên theo kích cỡ của đường ống) có chiều dài khoảng 7.000m bắt đầu từ nhà máy nước Cà Ná - Phước Nam (huyện Ninh Phước) đến khu công nghiệp Cà Ná (huyện Thuận Nam) với tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng. Tuyến ống này hiện đang được công ty “mượn tạm” theo như lời của ông Đinh Viết Sơn (Phó giám đốc công ty). Tiếp theo có thể kể đến 5 tuyến ống mà Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ninh Phước bàn giao cho Công ty CP cấp nước Ninh Thuận như: Hệ thống nước sinh hoạt Hiếu Thiện - Vụ Bổn (tổng mức đầu tư 1.695.286.262 đồng); hệ thống nước sinh hoạt thôn Phước Đồng (tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn là 2.241.062.865 đồng); hệ thống nước sinh hoạt thôn Phú Nhuận và hệ thống nước sinh hoạt Vụ Bổn - Quán Thẻ (tổng mức đầu tư khoảng 1.000.000.000 đồng); tuyến ống cấp nước sinh hoạt dân cư thôn Quán Thẻ 1 (do Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận thực hiện chuyển giao cho công ty cấp nước năm 2007 có giá trị lên tới 3.854.526.484 đồng)... Còn rất nhiều tuyến ống khác như: tuyến ống cấp nước ngoài nhà cảng Ninh Chữ, hệ thống cấp nước thôn Mỹ Nghiệp... cũng không được ghi vốn Nhà nước tại Công ty CP cấp nước Ninh Thuận.

Trao đổi với PV về việc “xài chùa” các tuyến ống này, ông Đinh Ẩn - Giám đốc Công ty CP cấp nước Ninh Thuận, xác nhận: Đúng là hiện nay chúng tôi đang sử dụng nhiều tuyến ống như các bạn nêu. Nhưng trong tình hình thực tế hiện nay, nếu tính nguồn vốn đấu tư tất cả các tuyến kể trên vào ghi vốn cho công ty thì chắc chắn kinh doanh của công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu ghi vốn tăng lên cho công ty, tôi sẽ rút lui trả lại quyền điều hành cho Nhà nước.

Lợi nhuận rơi vào túi ai?

Ninh Thuận là địa phương có số giờ nắng rất lớn, ngược lại lượng mưa trong năm ít nhất trên cả nước. Tại đây hàng năm thường tái diễn nạn khô hạn và nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, vì vậy nhu cầu về nước ngọt phục vụ cho đời sống sinh hoạt của nhân dân là rất lớn. Thấu hiểu thực trạng khó khăn đó của người dân, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã dành sự quan tâm, tạo nguồn vốn ưu tiên cho sản xuất và cung cấp nước sạch tại đây. Tuy nhiên, đối với một bộ phận làm kinh doanh thì đây lại là “miếng bánh béo bở” để chia chác nhau lợi nhuận. Trường hợp những người hiện đang lãnh đạo Công ty CP cấp nước Ninh Thuận có lẽ cũng không là trường hợp ngoại lệ.

Như đã phân tích ở trên, chỉ sơ qua một số trong rất nhiều tuyến ống mà chúng tôi nắm bắt thì lợi nhuận mà công ty này có được từ việc không phải đầu tư mà vẫn sinh lợi là rất lớn. Hàng chục tỷ đồng đầu tư hạ tầng được huy động từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng phát triển Châu Á, từ vốn Ngân sách của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như từ chương trình 134 của Chính phủ, đang được Công ty CP cấp nước Ninh Thuận “vô tư xài chùa’ xem như tài sản của họ.

Đối với trường hợp Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Sơn Long Thuận, sau hai lần giao dịch mua cổ phần thành công vào tháng 4 và 5/2017 và một lần hoán đổi nợ thành cổ phần thì công ty này nắm giữ 4.022.486 cổ phần, tương ứng với 42,38% cổ phần tại Công ty CP cấp nước Ninh Thuận. Rất thuận lợi khi ngày 20/4/2017, công ty này xác lập quyền cổ đông ở Công ty CP cấp nước Ninh Thuận thì ngay cuối năm đó đã được hưởng lợi 4.834.500.000 đồng từ việc chi cổ tức năm 2016. Trong vòng 2 năm 2017 và 2018, khoảng 20% cổ tức được chia cộng với cổ tức của năm 2016 thì lợi nhuận mà Sơn Long Thuận đã thu về tầm 20.000.000.000 đồng. So với số vốn bỏ ra thì con số này quả là lý tưởng cho một bài toán kinh doanh.

Như vậy, tài sản Nhà nước tại Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận đang bị lạm dụng gây thất thoát lớn, trong khi đó lợi nhuận lại chảy vào túi của một số tập thể, cá nhân. Có hay không việc một số cơ quan chức năng dung túng, làm ngơ cho doanh nghiệp lộng hành? 

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

Phong Nguyễn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu