04:52 ngày 28/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cơ hội cho gạo xuất khẩu của Việt Nam bứt phá

Lâm Tới (T/h) | 08:48 15/07/2023

(THPL) - Việc hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới) có thể sẽ đẩy giá gạo toàn cầu lên cao. Đây chính là cơ hội thuận lợi cho gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Theo nguồn tin từ Bloomberg, Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận về kế hoạch cấm xuất khẩu tất cả loại gạo không phải basmati (loại gạo hạt dài được trồng chủ yếu ở Ấn Độ) nhằm ứng phó với tình trạng giá gạo đang tăng cao ở trong nước, đồng thời tránh nguy cơ lạm phát trỗi dậy trước các cuộc bầu cử quan trọng tại nước này. Lệnh cấm này nếu được thực hiện sẽ ảnh hưởng đến khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. 

Ấn Độ đang là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Động thái này có thể giúp giảm giá gạo trong nước của Ấn Độ, song nguy cơ đẩy giá gạo toàn cầu lên cao hơn.

Trước đó, tháng 9/2022, Ấn Độ cũng quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm (broken-rice), mã HS 1006 4000. Cùng với đó, áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại thóc gạo, như: thóc (HS 100610), gạo lứt và các loại gạo khác trừ gạo đồ, gạo Basmati. Ngay lập tức, giá gạo trên toàn cầu bị tác động mạnh. Giá gạo Việt Nam khi đó tăng từng ngày.

Năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu ít nhất 7,2 triệu tấn gạo 

Gạo là lương thực chính của khoảng một nửa dân số thế giới, trong đó châu Á tiêu thụ khoảng 90% nguồn cung toàn cầu. Giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm ở châu Á vọt tăng lên mức cao nhất 2 năm qua.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay nước ta xuất khẩu 4,24 triệu tấn gạo, thu về 2,26 tỷ USD, tăng 21,3% về lượng và tăng 32,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. 

Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giá xuất khẩu cao nhất 10 năm qua của hạt gạo Việt.

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường đều tăng trưởng từ 2-3 con số. Ngoài ra, một số thị trường mới như Indonesia, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Senegal... ghi nhận mức tăng đột biến từ 1.147-15.972% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo, cuối năm 2023 đến đầu 2024, gạo Việt có thể lập kỷ lục mới về giá xuất khẩu. Tuy nhiên, việc tăng giá như thế nào còn phụ thuộc vào các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan. Thế nên, các doanh nghiệp cần cân nhắc trước khi ký hợp đồng để có giá bán tốt nhất. Hơn nữa, phải đảm bảo lượng gạo nhất định trong kho trước khi ký hợp đồng. Nếu không, sẽ rơi vào tình trạng ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp nhưng phải thu mua lúa giá quá cao, vị này khuyến cáo.

Theo ông Nguyễn Như Cường  - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nhận định, nếu lệnh cấm này được thực hiện, giá gạo trên toàn cầu sẽ tăng đột biến, gạo Việt xuất khẩu cũng tăng theo. 

Theo các chuyên gia, trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng thì nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng baht tăng giá trở lại. Việt Nam đang có lợi thế nguồn cung có sớm từ vụ lúa đông xuân, sản lượng, chất lượng lúa gạo ổn định nên dự báo trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam vẫn ở mức tốt. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

Lâm Tới (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu