14:23 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 1,56 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm

Tú Chi (t/h) | 20:19 04/05/2023

(THPL) - Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 1,56 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 4 ước đạt 4,54 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái; giảm 1,2 triệu USD so với tháng 3 (4,66 tỷ USD). Tính tổng 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 15,66 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất siêu 2,51 tỷ USD, giảm 37,7%.

Ngoài các nhóm hàng nông sản và chăn nuôi tăng (nông sản đạt 2,33 tỷ USD, tăng 24%; chăn nuôi đạt 41 triệu USD, tăng 46,7%); còn lại, các mặt hàng thủy sản, lâm sản đều giảm, cụ thể, thủy sản đạt 800 triệu USD, giảm 28,6%; lâm sản đạt 1,2 tỷ USD, giảm 29,8%.

Một số mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái, như: Cà phê đạt 1,7 tỷ USD, tăng 2,5%; rau quả đạt 1,39 tỷ USD, tăng 19,4%; hạt điều đạt 942 triệu USD, tăng 3,4%;... Đáng chú ý, xuất khẩu gạo đạt 1,56 tỷ USD, tăng 54,5%, mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong số các mặt hàng nông sản.

Tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta đạt 1,56 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm. Ảnh minh hoạ

Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản xuất khẩu chính giảm, cụ thể, hồ tiêu 5.846 USD/tấn, giảm 34,3%; phân bón các loại 421 USD/tấn, giảm 33,6%; cao su 1.392 USD/tấn, giảm 21,2%; sắn và sản phẩm từ sắn 384 USD/tấn, giảm 11,2%... Riêng giá gạo xuất khẩu đạt 526 USD/tấn, tăng 7,6%; cà phê đạt 2.261 USD/tấn, tăng 0,7%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân khiến tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm là do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột; lạm phát cao tại một số nước trên thế giới, trong đó có những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc..., làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu.

Bên cạnh đó, nhiều nước đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường; trong khi lượng hàng tồn nhập khẩu 2022 của một số thị trường tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ, EU… còn lớn khiến, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Bộ Công Thương cũng xác định tiếp tục đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài và đẩy mạnh phát triển thương hiệu hàng Việt Nam, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao và tỷ lệ nội địa hóa lớn.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng; phát triển các trung tâm tiêu dùng mới; số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại.

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu